Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng.
Bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng
Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: như Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 5/11/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…
Nhiều ý kiến cho rằng, với các nội dung sửa đổi, dự thảo Luật sẽ góp phần tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng…; bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, việc kịp thời hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp này thể hiện sự nỗ lực rất cao của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan.
Dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung giúp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này được hiệu quả hơn như: Việc luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42 theo hướng kế thừa toàn bộ một số quy phạm được thực hiện hiệu quả và có tác động tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua, đồng thời có chỉnh sửa một số quy phạm để đảm bảo tính phù hợp, ổn định của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, dự thảo luật tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng.
Đặc biệt, dự thảo luật đã đơn giản hoá thủ tục vay với khoản cho vay tiêu dùng, nhỏ lẻ phục vụ đời sống, tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém giúp đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng cũng như góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Cần có lộ trình phù hợp khi thay đổi về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng
Góp ý vào một số nội dung về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, theo dự thảo, để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng phải đáp ứng nhiều điều kiện, quan trọng nhất là phải có sự đồng ý của khách hàng tại hợp đồng bảo đảm, quy định này phù hợp với nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” tại Bộ Luật dân sự hiện hành, nhờ đó quyền lợi của các bên được bảo vệ.
Tuy nhiên, dự thảo luật có nêu điều kiện: Tài sản bảo đảm được thu giữ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án.
Do hiện nay không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu các thông tin trên dẫn đến điểm nghẽn trong thực hiện và tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị trong dự thảo có nội dung giao các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này.
Về quy định về việc xác nhận đã thực hiện niêm yết văn bản thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở UBND xã, Nguyễn Việt Hà đề nghị bổ sung thêm hình thức UBND xã xác nhận việc niêm yết này ngoài hình thức sử dụng dịch vụ thừa phát lại. Theo đại biểu, UBND xã xác nhận sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, tiết kiệm được chi phí, thời gian cho tổ chức tín dụng, hơn nữa hiện nay một số địa phương ở vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể chưa có dịch vụ thừa phát lại để cung ứng nên sẽ gây ách tác trên thực tế.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, dự thảo Luật lần này có thay đổi về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho một khách hàng và người liên quan. Đại biểu đề nghị cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tránh dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Bởi giải pháp cho vay hợp vốn giữa các tổ chức tín dụng hay trình Thủ tướng chính phủ quyết định mức cấp tín dụng cao hơn như dự thảo nêu đều cần có thời gian nhất định để thực hiện, trong khi hoạt động kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp, thực tế hiện nay khi chưa điều chỉnh giảm thì có doanh nghiệp gần như đã chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.
Về quy định về cung cấp thông tin, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị luật hoá quy định khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin/tài liệu/dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và cũng phải chịu trách nhiệm với việc cung cấp các thông tin đó. Bởi chất lượng tín dụng và an toàn trong sử dụng vốn vay cần có trách nhiệm của cả bên cho vay và bên vay. Đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định này góp phần tăng ý thức trách nhiệm của bên vay, giảm thiểu rủi ro gian lận cho các tổ chức tín dụng, từ đó hạn chế phát sinh các vụ án hình sự trong lĩnh vực ngân hàng.
Về quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng tại Điều 125 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị làm rõ phạm vi áp dụng trong cụm từ “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em” trong điểm b khoản 1 điều này có bao gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con riêng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ/cùng cha khác mẹ… như định nghĩa người liên quan tại khoản 28 Điều 4 của dự thảo không. Quy định như dự thảo là chưa rõ ràng về đối tượng sẽ gây áp dụng không thống nhất dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn.