Trong bài viết , tác giả chia sẻ về tính thiết yếu của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước trong phát triển quốc gia trong thời gian tới.
Tóm tắt: Tín dụng đầu tư của Nhà nước (TDĐT của Nhà nước) là tín dụng do Nhà nước thực hiện để hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế và các vùng khó khăn cần khuyến khích, nhằm thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách của Nhà nước, là công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách TDĐT của Nhà nước và đã có những thành công nhất định. Trong bài viết này, tác giả xin chia sẻ về tính thiết yếu của nguồn vốn TDĐT của Nhà nước trong phát triển quốc gia trong thời gian tới.
STATE INVESTMENT CREDIT CONTRIBUTES TO CONCENTRATE NECESSARY CAPITAL SOURCES FOR NATIONAL DEVELOPMENT INVESTMENT
Abstract: State investment credit is a credit made by the State to support development investment projects of all economic sectors in a number of economic sectors, fields, programs and difficult areas that need to be encouraged, in order to realize the orientation of socio-economic development in each period. In Vietnam, Vietnam Development Bank is a policy bank of the State, a tool of the Government to implement the State’s credit investment policy and has made certain successes. In this article, the author would like to share about the essentiality of the capital for state investment credit in national development in the coming time.
TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
TDĐT của Nhà nước là sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hình thức tín dụng để tài trợ đầu tư các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích. Hoạt động TDĐT của Nhà nước chính là việc tổ chức, triển khai các nội dung này. Xét một cách thực chất, thông qua các quan hệ vay-trả, hoạt động TDĐT của Nhà nước chính là một hình thức nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Ngoài nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN), Chính phủ các nước thường sử dụng TDĐT của Nhà nước như một công cụ nhằm tài trợ cho các dự án phát triển để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, khi thị trường vốn còn chưa hoàn thiện, việc huy động được đủ vốn dài hạn để tài trợ cho các dự án phát triển là điều không hề đơn giản. Do vậy, trong hoạt động TDĐT của Nhà nước, vấn đề vốn lại càng trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng và việc có huy động được đủ vốn hay không trở thành một nội dung có quan hệ chặt chẽ mang tính sống còn. Nguồn vốn đòi hỏi phải được huy động từ nhiều nguồn khác nhau thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Vay vốn, phát hành trái phiếu, huy động từ NSNN, Chính phủ bảo lãnh vay vốn...; như vậy, tổ chức thực thi tín dụng TDĐT của Nhà nước trong trường hợp này trở thành khách vay, khi thực hiện cho vay thì tổ chức này lại trở thành chủ nợ và các chủ đầu tư dự án trở thành khách vay. Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ các dự án phát triển, việc huy động vốn chủ yếu tập trung vào các nguồn vốn lớn và dài hạn trên nguyên tắc tận dụng tối đa các nguồn vốn rẻ (lãi suất thấp) để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ đắc lực hơn cho các dự án.
Bên cạnh đó, do TDĐT của Nhà nước là một hoạt động khá khác biệt so với tín dụng thương mại, được thực hiện bởi những chính sách riêng về huy động nguồn vốn và phương thức hỗ trợ (bao gồm: đối tượng, mức độ và cách thức hỗ trợ, tổ chức triển khai...); nên khi xem xét và đánh giá hoạt động TDĐT của Nhà nước, cần nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện các nội dung bao gồm: Huy động, quản lý và sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước. Việc thực hiện tài trợ có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp; trong trường hợp tài trợ trực tiếp, tổ chức thực thi sẽ trực tiếp thẩm định và cấp tín dụng cho các dự án; trường hợp tài trợ gián tiếp, tổ chức này sẽ cấp tín dụng hoặc uỷ thác cho một tổ chức thứ ba (thường là các ngân hàng thương mại) và tổ chức này trực tiếp thực hiện việc thẩm định và cấp tín dụng cho các dự án với các điều kiện theo yêu cầu của tổ chức thực thi TDĐT của Nhà nước.
TDĐT của Nhà nước được thực hiện dưới các hình thức: (i) Cho vay đầu tư, là việc tổ chức thực hiện TDĐT của Nhà nước cho các chủ đầu tư vay vốn TDĐT của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển; (ii) Bảo lãnh tín dụng đầu tư: là việc tổ chức thực hiện TDĐT của Nhà nước cam kết với tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay vốn về việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn của bên đi vay; (iii) Hỗ trợ sau đầu tư, là việc tổ chức thực hiện TDĐT của Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các TCTD để đầu tư dự án, sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả được nợ vay. Đây là hình thức trợ cấp bằng tiền cho các doanh nghiệp, không có ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và tổ chức thực hiện TDĐT của Nhà nước.
ĐẶC ĐIỂM CỦA VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Vốn TDĐT của Nhà nước có những đặc điểm riêng có, là định hướng để phát triển kinh tế ngành, vùng miền, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, thể hiện ở một số điểm sau:
Chủ thể là Nhà nước
Trong TDĐT của Nhà nước, một bên chủ thể tham gia bao giờ cũng là nhà nước. Nhà nước có thể đóng vai trò là người đi vay hoặc là người cho vay, nhưng trong mọi trường hợp, nhà nước đều là người chủ động tổ chức thực hiện, làm phát sinh quan hệ tín dụng. Nhà nước thực hiện vai trò chủ thể của mình trong quan hệ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền được nhà nước thành lập để thực thi chính sách TDĐT của Nhà nước. Ở các quốc gia khác nhau, trong từng thời kỳ nhất định có thể có những cơ quan khác nhau được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách TDĐT của Nhà nước.
Tính hiệu quả
Khác với mục đích của các loại hình tín dụng khác trong nền kinh tế thị trường là tìm kiếm lợi nhuận, mục đích của TDĐT của Nhà nước là hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển thuộc đối tượng Nhà nước khuyến khích phát triển, do đó hoạt động TDĐT của Nhà nước không đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu. Việc thực thi chính sách TDĐT của Nhà nước xuất phát từ yêu cầu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, và là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho NSNN trong điều kiện nguồn thu của ngân sách còn hạn hẹp.
Về khối lượng, thời hạn và lãi suất
TDĐT của Nhà nước hàm chứa sự ưu đãi của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Sự ưu đãi của nhà nước có thể được thể hiện trên phương diện khối lượng, thời hạn và lãi suất cho vay. (i) Về khối lượng: Các dự án đầu tư phát triển thuộc đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước có thể được nhà nước cho vay một số lượng vốn rất lớn theo ý chí của nhà nước, không bị ràng buộc bởi các giới hạn về tỷ lệ an toàn như trong tín dụng ngân hàng. (ii) Về thời hạn: Các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước có thể được vay vốn với thời hạn rất dài, có thể lên đến 10-15 năm hoặc dài hơn; thời gian ân hạn đối với các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước cũng thường dài hơn so với tín dụng ngân hàng. Đặc điểm này của TDĐT của Nhà nước xuất phát từ đặc trưng của các dự án đầu tư phát triển là có thời gian thực hiện và thu hồi vốn kéo dài; cũng chính do đặc điểm này nên hoạt động cho vay TDĐT của Nhà nước có mức độ rủi ro cao. (iii) Về lãi suất vay vốn: Về cơ bản, lãi suất cho vay trong TDĐT của Nhà nước thường thấp hơn so với tín dụng ngân hàng. Đặc điểm này xuất phát từ mục đích phi lợi nhuận của TDĐT của Nhà nước; hơn nữa còn là do nhà nước có thể huy động vốn của các chủ thể khác trong xã hội với lãi suất thấp nên có thể cho vay với lãi suất ưu đãi.
Tính kế hoạch - pháp lệnh
Hoạt động TDĐT của Nhà nước mang tính kế hoạch - pháp lệnh rất cao. Kế hoạch TDĐT của Nhà nước hằng năm là một bộ phận của kế hoạch đầu tư phát triển của Nhà nước nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế- xã hội trong từng thời kỳ, và được Nhà nước thông báo hàng năm. Việc cho vay TDĐT của Nhà nước đối với các dự án được thực hiện theo kế hoạch hàng năm Nhà nước giao; việc huy động vốn được thực hiện căn cứ trên nhu cầu giải ngân cho các dự án đã đăng ký kế hoạch; lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay TDĐT của Nhà nước cũng được Nhà nước quyết định và thông báo trong từng thời kỳ.
Tính giới hạn về đối tượng và hình thức thực hiện
Đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước thường bị giới hạn trong phạm vi hẹp và có thể thay đổi qua các thời kỳ khác nhau tuỳ theo điều kiện thực tế của nền kinh tế, khả năng của Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Thông thường, đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước chỉ là những ngành, vùng, thành phần kinh tế, hoặc thậm chí là loại hình doanh nghiệp… mà Nhà nước khuyến khích phát triển. Đối tượng Nhà nước huy động vốn TDĐT cũng giới hạn trong phạm vi hẹp, chỉ có một số loại hình chủ thể nhất định được Nhà nước huy động vốn để thực hiện TDĐT của Nhà nước.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Với đặc điểm quan trọng là một công cụ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, TDĐT của Nhà nước được giao cho một tổ chức cụ thể để triển khai nhằm đảm bảo sự quản lý, giám sát và thực thi một cách có hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra. Đa số các nước trên thế giới đều thành lập một tổ chức độc lập hoạt động như một trung gian tài chính để thực hiện nhiệm vụ này với tên gọi phổ biến là “Ngân hàng phát triển”. Ngân hàng phát triển (NHPT) khác với các ngân hàng thương mại (NHTM) và ngân hàng đầu tư ở một số điểm cơ bản là:
Các NHTM và ngân hàng đầu tư đều có thể dưới hình thức sở hữu tư bản tư nhân hoặc vốn cổ phần. NHPT dù ở giai đoạn phát triển nào cũng có sự liên hệ chặt chẽ với Chính phủ, đều do Chính phủ thành lập và thuộc sở hữu Nhà nước hoặc Nhà nước nắm giữ lượng vốn chi phối rất mạnh nhằm đảm bảo hoạt động của NHPT theo đúng mục tiêu đề ra đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển của đất nước. Cũng vì vậy nên các NHPT thường được thành lập bởi một Luật riêng biệt, hoàn toàn khác so với các NHTM hoạt động theo điều lệ như một doanh nghiệp dưới một khung luật chung về chuyên ngành tín dụng-ngân hàng.
Do được Chính phủ thành lập, có sự hậu thuẫn về vốn và nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nên hoạt động của NHPT có gắn bó mật thiết với hoạt động của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ như: cơ quan về kế hoạch hóa và phát triển kinh tế đất nước, cơ quan về quản lý chuyên ngành (công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng, xã hội và các cơ quan khác về chương trình phát triển của Chính phủ).
Các NHTM chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn, hầu hết các khoản vay có thời hạn dưới một năm, trong khi NHPT tập trung vào tín dụng trung và dài hạn. Còn các ngân hàng đầu tư tập trung vào huy động vốn trung-dài hạn thông qua việc bảo lãnh hoặc phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và các công cụ tài chính khác để đáp ứng các mục tiêu kinh doanh mang tính dài hạn. Trong chính sách hoạt động của mình, các ngân hàng đầu tư không tập trung ưu tiên/hướng tới tài trợ cho các dự án phát triển và cũng không chú trọng đánh giá các lợi ích kinh tế - xã hội của các dự án phát triển như ở các NHPT.
Điều quan trọng là, chính sách hoạt động của các NHPT nhằm tài trợ cho các dự án phát triển trên cơ sở: i) thẩm định/phân tích dự án về cả lợi ích kinh tế và xã hội; ii) thực hiện vai trò cho vay/tài trợ cuối cùng khi các dự án này không hoặc rất khi tìm kiếm được các nguồn tài trợ khác một cách phù hợp hoặc chưa tìm đủ nguồn vốn cần thiết. Điều đó có nghĩa là khi các tổ chức khác không muốn hay không thể hoặc không đủ vốn thì NHPT sẽ sử dụng nguồn vốn dài hạn của mình để cho vay phần còn thiếu để đầu tư dự án. Một cách cụ thể hơn, chức năng cho vay cuối cùng này cũng mang ý nghĩa hỗ trợ cho các dự án có mức rủi ro cao hơn bình thường. Trong quá trình đó, hỗ trợ của Chính phủ về vốn và huy động vốn có thể coi là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu về chính sách trong khuôn khổ gắn với thị trường.
HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Hoạt động TDĐT của Nhà nước nhằm đáp ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội không chỉ phụ thuộc vào quy mô vốn dành cho đầu tư phát triển nhiều hay ít mà quan trọng hơn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lượng vốn đầu tư này. Nếu dự án sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước có chất lượng kém, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoạt động thua lỗ... sẽ dẫn đến không có khả năng hoàn trả vốn vay TDĐT của Nhà nước, tức là hoạt động TDĐT của Nhà nước không có hiệu quả và ngược lại. Do vậy, hiệu quả hoạt động TDĐT của Nhà nước không thể tách rời hiệu quả đầu tư phát triển của doanh nghiệp cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nói một cách khác, việc đánh giá hiệu quả hoạt động TDĐT của Nhà nước không thể bỏ qua sự đánh giá về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án/doanh nghiệp có sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước.
Do đó, việc xem xét, hiệu quả hoạt động TDĐT của Nhà nước đòi hỏi phải được đánh giá một cách tổng thể về mọi phương diện. Ngoài hiệu quả của đồng vốn, xét trên phương diện chính sách vĩ mô của Nhà nước có thể đánh giá trên hai khía cạnh sau: (i) Hiệu quả kinh tế, biểu hiện ở mức độ thực hiện các mục tiêu kinh tế của vốn đầu tư nhằm chủ yếu thỏa mãn nhu cầu vật chất của xã hội. Nó là tỷ số giữa kết quả thu được với chi phí đầu tư bỏ ra, được biểu hiện cụ thể ở sự thay đổi khối lượng, chất lượng và cơ cấu sản phẩm, ở sự thay đổi cán cân thương mại, mức lợi nhuận thu được, sự thay đổi chi phí sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (ii) Hiệu quả xã hội, thể hiện ở việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Nhìn chung, các lợi ích xã hội do hoạt động TDĐT của Nhà nước khó có thể lượng hóa được mà chủ yếu được đánh giá một cách định tính, bao gồm các nội dung chủ yếu như tạo việc làm; đảm bảo về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; góp phần củng cố an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; góp phần phát triển kinh tế-văn hóa đồng đều giữa các vùng; góp phần đảm bảo quyền bình đẳng, quyền tự quyết về dân tộc, giới tính; góp phần xây dựng lối sống văn minh...
ĐÓNG GÓP CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN TRONG CHO VAY TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Thực tế trong những năm qua, các dự án sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước đã góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập quốc nội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng tích luỹ cho các doanh nghiệp, tạo việc làm và ổn định việc làm cho người lao động. Qua đó đã khẳng định vai trò rất quan trọng của nguồn vốn TDĐT của Nhà nước trong phát triển kinh tế của đất nước. Tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách TDĐT của Nhà nước, việc triển khai hoạt động TDĐT của Nhà nước đã đem lại những kết quả rất to lớn cho nền kinh tế, có thể kể đến một số điểm sau:
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Thực hiện mục tiêu chiến lược chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vốn TDĐT của Nhà nước đã có những bước chuyển biến hết sức căn bản và mạnh mẽ về cơ cấu vốn đầu tư theo lĩnh vực ngành nghề, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vốn dành cho đầu tư phát triển các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và hiện đại hóa công nghiệp nhẹ, trong đó có chú trọng đến công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tỷ lệ vốn tín dụng của VDB thực hiện đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng luôn tăng nhanh, duy trì mức bình quân hơn 70% dư nợ vào lĩnh vực này; tỷ lệ vốn tín dụng của VDB luôn cao hơn tỷ lệ vốn đầu tư của toàn xã hội trong lĩnh vực này, thu hút các nguồn vốn khác trên thị trường cùng cho vay đầu tư các dự án phát triển các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng.
Đặc biệt, các dự án nhóm A vay vốn của VDB trên phạm vi cả nước hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư, từ đó có tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền và cả nước. Bên cạnh đó, nguồn vốn TDĐT của Nhà nước qua VDB cũng góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư mới, sửa chữa, thay thế khôi phục tài sản cố định, cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Nhờ có nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, một số ngành như điện lực, hóa chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chế biến nông lâm thủy sản... đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội
Thông qua việc đẩy mạnh cho vay đầu tư, đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện trên một số phương diện: (i) Góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế. Các chương trình/dự án trọng điểm nổi bật là: Thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và các dự án về ngành điện (bao gồm cả sản xuất và phân phối điện), các nhà máy xi măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Apatit Lào Cai, Đạm Cà Mau, Điện gió Bạc Liêu,... (ii) Quy mô tài trợ cho các dự án nhóm A tăng mạnh, góp phần không chỉ tạo động lực phát triển cho các ngành/lĩnh vực trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển vùng/miền và các ngành thương mại, sản xuất vật liệu và hỗ trợ. Cũng nhờ đó, đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kinh tế cho nền kinh tế; một số lĩnh vực chủ yếu như: Ngành điện, xi măng, hóa chất, đóng tầu, đóng toa xe lửa, chế biến nông sản và thủy sản, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội...
Đóng góp cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Cho vay xuất khẩu qua VDB đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, tranh thủ thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới và tiềm năng. Số cho vay xuất khẩu ngày càng tăng góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu cho nền kinh tế.
Đối với một số thị trường như Iraq, Cuba, trong khi các NHTM ngần ngại cung cấp tín dụng do đây là những thị trường có rủi ro về chính trị khá cao hoặc thời gian trả chậm kéo dài từ 2-5 năm, VDB vẫn thể hiện rõ vai trò công cụ chính sách khi vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường này và các thị trường mới ở châu Phi; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu, qua đó góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ trong hợp tác kinh tế và quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN CỦA TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Qua đánh giá, bài viết xin chia sẻ một số góc độ thể hiện tính tất yếu khách quan của TDĐT của Nhà nước:
TDĐT của Nhà nước xuất phát từ yêu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng lớn của nền kinh tế quốc dân với sự giới hạn của nguồn lực tài chính công, nhất là của NSNN
Trên thế giới, do nhu cầu chi của NSNN để duy trì hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội không ngừng tăng trong khi nguồn thu NSNN lại bị hạn chế và tăng chậm nên hầu hết các quốc gia đều xẩy ra tình trạng thâm hụt NSNN, cho dù quốc gia đó là một nước giàu có nền kinh tế phát triển hay là một nước nghèo chậm phát triển. Đối với các nước đang phát triển, thâm hụt NSNN càng trầm trọng và phổ biến hơn bởi ngân sách của các nước này luôn ở trong tình trạng thu không đủ chi do nền kinh tế kém phát triển, trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế lại nhỏ bé, lạc hậu nên cần phải có một lượng vốn TDĐT của Nhà nước rất lớn. Để giải quyết nhu cầu về vốn còn thiếu hụt, hầu hết các quốc gia đều lựa con đường đi vay như là một cứu cánh cho NSNN. Điều này đã giúp giải thích khía cạnh thứ nhất trong sự cần thiết của TDĐT của Nhà nước.
Ở khía cạnh thứ hai, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế trong khi
nhu cầu chi đầu tư phát triển lại rất lớn, NSNN không thể trang trải hết cho toàn bộ các dự án đầu tư phát triển, nên Nhà nước buộc phải lựa chọn các dự án đầu tư phát triển không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp để đầu tư (bằng cách cấp phát không hoàn lại); còn đối với những dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, nhà nước chỉ đầu tư thông qua kênh TDĐT của Nhà nước, trong đó chủ đầu tư dự án được vay vốn của Nhà nước để đầu tư và phải sử dụng các nguồn thu từ dự án để hoàn trả toàn bộ số nợ đã vay Nhà nước.
TDĐT của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước trong việc khắc phục các khiếm khuyết của kinh tế thị trường
Mặc dù kinh tế thị trường là bước phát triển cao của nền kinh tế sản xuất hàng hoá với rất nhiều điểm ưu việt nhưng bên cạnh đó nó cũng có khá nhiều khiếm khuyết mà bất cứ quốc gia nào trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường đều phải đối mặt như: Nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng phân hoá giàu nghèo, bất công xã hội, phát triển không cân đối giữa các vùng miền... Để khắc phục những khiếm khuyết này, nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ (thuế, chi NSNN, TDĐT của Nhà nước…) trong việc điều tiết, phân bổ các nguồn lực, đảm bảo cho các vùng, các ngành, hoặc thành phần kinh tế phát triển một cách đồng đều, trong đó TDĐT của Nhà nước được sử dụng như là công cụ chủ yếu để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Do đó, có thể coi TDĐT của Nhà nước như một “bàn tay hữu hình” mà Nhà nước phải sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô của mình đối với nền kinh tế.
TDĐT của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản
Mặc dù chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một nội dung chi rất lớn và quan trọng trong chi đầu tư phát triển của NSNN, nhưng có một thực trạng chung hiện nay diễn ra ở hầu hết các quốc gia, là những dự án sử dụng vốn NSNN thường đầu tư dàn trải, không tập trung, vốn đầu tư bị tham ô hoặc sử dụng lãng phí, hiệu quả thực tế của dự án không thực sự được quan tâm... mà nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tâm lý ỷ lại vào sự bao cấp của NSNN.
Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia đều có xu hướng giảm mạnh
chi NSNN cho các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Thay vì được cấp phát hoàn toàn từ NSNN như trước đây, các dự án này sẽ được nhà nước đầu tư thông qua kênh TDĐT của Nhà nước. Sở dĩ có xu hướng trên, một phần là do nguồn lực NSNN còn hạn hẹp; mặt khác là nhằm khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại vào NSNN, nâng cao hiệu quả, đồng thời hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Việc chuyển kênh đầu tư đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp từ sử dụng vốn NSNN sang sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước là một việc tất yếu phải làm nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý NSNN nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
TDĐT của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của hợp tác quốc tế
Trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ, nguồn vốn đầu tư quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, thì nhu cầu của các nước nghèo được vay vốn của các nước giầu hơn đang được đặt ra một cách bức thiết và nghiêm túc. Trong bối cảnh đó, các nhà nước không thể từ chối nghĩa vụ cho vay đối với quốc gia kém phát triển hơn. Các khoản cho vay của nhà nước đối với quốc gia khác có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng trong đó phổ biến là các khoản cho vay ODA với thời hạn cho vay dài, lãi suất cho vay ưu đãi nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
KẾT LUẬN
Vốn TDĐT của Nhà nước đang ngày một phát huy vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia. Tính chung, vốn TDĐT của Nhà nước được giải ngân cho các dự án trong những năm qua chiếm gần 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng khoảng 1,2% GDP và chiếm bình quân khoảng 37% tổng mức đầu tư các dự án. Vốn TDĐT của Nhà nước đã góp phần quan trọng thu hút các nguồn vốn dài hạn khác của tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để tài trợ cho các dự án phát triển, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, then chốt của đất nước, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ theo đúng định hướng của Nhà nước, Chính phủ. Hơn nữa, TDĐT của Nhà nước đã góp phần tập trung các nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển được nguồn vốn của Nhà nước
Tuy nhiên, do định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới có nhiều thay đổi, hệ lụy của khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp nhiều khó khăn nên việc điều chỉnh chính sách TDĐT của Nhà nước tại Việt Nam là cần thiết, và không thể phủ nhận vai trò to lớn của nguồn vốn này, sự tồn tại của TDĐT của Nhà nước có tính tất yếu khách quan không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2014), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
2. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/09/2015 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
3. Đào Quang Trường (2021), “Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng đất nước”, Tạp chí Hỗ trợ phát triển, số 172 (Tháng 5/2021).
4. Website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, http://www.sbv.gov.vn/.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2023