Vấn đề - Nhận định

Một số vấn đề về lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước hiện nay

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp 16/03/2024 15:35

Cơ chế lãi suất tín dụng đầu tư (TDĐT) của nhà nước được quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo được sự chủ động cho cơ quan cho vay trong việc xác định và công bố lãi suất cho vay mà vẫn không làm triệt tiêu hoàn toàn sự ưu đãi về lãi suất cho vay - một trong những đặc trưng cơ bản làm nên tính hấp dẫn vốn có của nguồn vốn TDĐT của nhà nước.

tien-dau-tu-ra-nuoc-ngoai_2812141210.jpg
Hình minh họa

Ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư (TDĐT) của nhà nước, trong đó bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về lãi suất cho vay nêu tại Điều 9 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP.

Theo quy định về lãi suất cho vay vừa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, mức lãi suất cho vay TDĐT của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ.

Cũng theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước được lấy theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, trước ngày 25/1 hằng năm. Trường hợp trong năm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước có biến động lớn, VDB báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm đề nghị để VDB quyết định mức lãi suất cho vay TDĐT của nhà nước.

Quy định về phương pháp và trình tự xác định lãi suất TDĐT của Nhà nước nói trên tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ một vướng mắc rất lớn liên quan đến lãi suất cho vay được quy định trước đây tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP mà theo đó, việc xác định lãi suất TDĐT của nhà nước được căn cứ vào lãi suất trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm do VDB phát hành và tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB, trong khi việc xác định và phê duyệt tỷ lệ này đòi hỏi mất nhiều thời gian do phải báo cáo nhiều cơ quan quản lý khác nhau.

Với cơ chế xác định lãi suất được điều chỉnh như trên, ngay sau khi Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 22/12/2023), VDB đã nhanh chóng tính toán các chi phí cần thiết (chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro) làm cơ sở xác định lãi suất TDĐT của nhà nước phù hợp với nguyên tắc mà Nghị định này đưa ra và bám sát diễn biến tình hình lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước.

Trên cơ sở số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tháng 11/2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, lãi suất TDĐT của nhà nước được VDB công bố là 8,4%/năm. Tuy nhiên, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản cung cấp số liệu lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước tháng 12/2023 với mức giảm 0,35 điểm phần trăm so với lãi suất tương ứng tháng 11/2023, VDB lập tức công bố điều chỉnh lãi suất TDĐT của nhà nước xuống còn 7,72%/năm, thấp hơn 0,68 điểm phần trăm so với mức lãi suất đã được VDB công bố trước đó.

Mặc dù, mức lãi suất cho vay nói trên chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của VDB, song trong bối cảnh các khoản cấp bù lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước giảm mạnh và chi phí của VDB phát sinh thêm nhiều do phải huy động vốn để bù đắp phần thiếu hụt từ các khoản nợ của ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh lãi suất TDĐT của nhà nước như trên cho thấy VDB đã rất nỗ lực cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đầu tư của nhà nước dễ dàng hơn.

Nỗ lực này có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn nếu so sánh mức giảm lãi suất TDĐT của Nhà nước do VDB công bố (0,68 điểm phần trăm) với mức giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp (0,35 điểm phần trăm).

Ngoài ra, nếu so sánh với mặt bằng lãi suất cho vay tương ứng trên thị trường, thì mức lãi suất TDĐT của nhà nước 7,72%/năm cũng cho thấy sự ưu đãi của nhà nước dành cho các dự án vay vốn, bởi theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, lãi suất cho vay bình quân tháng 1/2024 của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ dao động ở mức 7,8-10,1%/năm, không phân biệt kỳ hạn cho vay. Trường hợp chỉ tính riêng cho các khoản vay có kỳ hạn dài tương tự các khoản vay vốn TDĐT của nhà nước, mức lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại chắc chắn còn cao hơn mức lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Từ những phân tích nói trên, có thể thấy rằng, cơ chế lãi suất TDĐT của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo được sự chủ động cho cơ quan cho vay (VDB) trong việc xác định và công bố lãi suất cho vay mà vẫn không làm triệt tiêu hoàn toàn sự ưu đãi về lãi suất cho vay - một trong những đặc trưng cơ bản làm nên tính hấp dẫn vốn có của nguồn vốn TDĐT của nhà nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn những điểm hạn chế và nền kinh tế vẫn còn nhiều dự án có nhu cầu sử dụng nguồn vốn kỳ hạn dài và chi phí thấp để đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn theo các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm duy trì sự hấp dẫn về lãi suất của nguồn vốn TDĐT của nhà nước là một việc làm rất cần thiết. Chính vì vậy, VDB cần không ngừng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hóa công nghệ quản lý hoạt động cho vay, thu nợ làm cơ sở để hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay vốn TDĐT của nhà nước trong thời gian tới.

Thực hiện thành công các giải pháp này, bên cạnh tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn TDĐT của nhà nước tiết kiệm chi phí đầu tư, VDB cũng có điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính mình và đóng góp nhiều hơn vào việc thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế. Đó cũng chính là mục tiêu được các cơ quan hoạch định chính sách cũng như VDB đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách TDĐT của nhà nước, một chính sách kinh tế vĩ mô đã được triển khai trong nhiều năm qua và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề về lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO