Hoạt động ngân hàng

An Giang: Giữ nhịp tăng trưởng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế địa phương

ThS. Trần Trọng Triết 16/09/2024 - 10:49

Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã nỗ lực đầu tư vốn tín dụng vào phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng tín dụng

Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức, sức mua yếu, giá nguyên vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng hàng hoá tiếp tục bị đứt gẫy, lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Song với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang, hoạt động huy động vốn và tín dụng vẫn giữ nhịp tăng trưởng.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang chia sẻ, đơn vị đã triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của ngành đến tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn về triển khai Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Chỉ thị 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hoạt động ngân hàng; Thông tư 06/2024/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…

z5834584661281_848d56e8ccebc85fbb05e4a0650f4c08.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chương trình bình ổn thị trường nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường của doanh nghiệp trên địa bàn.

Đáng chú ý, kết quả huy động vốn trên địa bàn đến ngày 15/8/2024 đạt 70.511 tỷ đồng, tăng 1,67% so cuối năm 2023. Trong đó, số dư tiền gửi đạt 69.304 tỷ đồng, chiếm 98,29%/tổng vốn huy động; phát hành giấy tờ có giá đạt 1.207 tỷ đồng, chiếm 1,71%/tổng số dư vốn huy động. Dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 119.996 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2023.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ, giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 74.612 tỷ đồng, tăng 5,80% so với cuối năm 2023, chiếm 63,35% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 19.786 tỷ đồng, tăng 19,02% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.034 tỷ đồng, tăng 7,38% so với cuối năm 2023. Tín dụng cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã với số tiền khoảng 5,5 tỷ đồng. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.210 tỷ đồng, tăng 5,08% so với năm 2023. Cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ): đạt khoảng 145,32 tỷ đồng, tăng 12,26% so với cuối năm 2023.

Để có được kết quả khả qua đó, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, ngân hàng đã tăng cường tiếp cận, cùng đồng hành, cùng tạo cơ hội, tích cực hỗ trợ khách hàng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 34 doanh nghiệp và 257 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.614,82 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 90,39 tỷ đồng. Chính sách này đã tạo điều kiện lẫn động lực để khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Giải pháp thúc đẩy đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2024

Song hành cùng sự phát triển của địa phương, căn cứ vào nhu cầu khách hàng, đặc điểm địa bàn, tiềm năng và cơ hội phát triển, được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đời sống, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Qua đó, kịp thời hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, đây cũng là hoạt động nằm trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2024 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiển.

Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát và kiểm tra các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc thực hiện và tuân thủ các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18, Công điện số 32, Chỉ thị số 14 và văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ngân hàng Nhà nước những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022 - 2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt công tác an toàn kho quỹ; tiếp tục kiểm tra công tác an toàn kho quỹ tại các tổ chức tín dụng theo Kế hoạch đã đề ra; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn tài sản cơ quan; đảm bảo an toàn hoạt động máy ATM, POS.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Giữ nhịp tăng trưởng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO