Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Tín dụng xanh là nội dung thời sự, cấp bách

Minh Đức 10/09/2023 08:16

“Vấn đề về tín dụng xanh là một trong những nội dung rất thời sự, không phải là lúc đủng đỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai chậm chạp.... Bản thân các doanh nghiệp và tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai. Phía ngành Ngân hàng cũng nhận thức đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai”.

Đó là nhận định của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội thảo "Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero” do báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/9.

pho-thong-doc-dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Thách thức càng lớn, cơ hội càng nhiều

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần vào sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: Phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; Ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; Lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các tổ chức tín dụng...

"Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như NHNN trong thể hiện trách nghiệm của mình, bằng các giải pháp thực hiện tốt các cam kết và phấn đấu để đạt được Net Zero vào năm 2050. Từ khi chúng ta cam kết tại COP26 đã có rất nhiều cơ hội và thách thức xuất hiện. Trong đó, ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng để tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, tín dụng xanh", ông Đào Minh Tú cho biết thêm.

Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế xanh là vấn đề không dễ dàng trong cách làm. Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia cũng chia sẻ, để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng mà Chính phủ đã đặt ra, chúng ta sẽ cần 368 tỉ USD từ nay đến năm 2040.

Đồng tình với những con số này, bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Tổng Giám đốc thường trực, lãnh đạo Phụ trách dịch vụ Phát triển bền vững và Biến đổi Khí hậu, Deloitte Việt Nam khẳng định đây là con số đòi hỏi rất nhiều thời gian cùng sự nỗ lực, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo đại diện Deloitte, các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đóng vai trò chính trong việc tài trợ cho phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho các ngành hàng và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính chuyển đổi của doanh nghiệp.

Cùng với chi phí lớn, ngành Ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thiết lập tài chính xanh. Tại hội thảo, ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, NHNN đã chỉ ra 4 vướng mắc chính gồm: Thứ nhất, các quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc. Thứ hai, nhiều ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Thứ ba, kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn rất hạn chế. Thứ tư, cơ chế huy động tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về những khó khăn ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ dự án của BIDV cho biết, ngân hàng đang gặp một số khó khăn cho vấn đề thẩm định, lựa chọn dự án tín dụng xanh. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể để xác định và phân loại dự án xanh, gây khó khăn cho các NHTM. Những hành lang pháp lý để triển khai hệ thống ESG, tín dụng xanh vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Thách thức càng lớn thì cơ hội sẽ càng nhiều. Ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra rằng nhiều cơ hội sẽ mở ra với các ngân hàng khi tham gia thị trường vốn xanh như có cơ hội tăng cường tính mạnh bạch và tính giải trình; phát triển những sản phẩm mới và dịch vụ đa dạng hơn; tăng lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt so với các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, công bố rõ ràng khung thông tin về tài chính còn giúp ngân hàng tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Và sau tất cả chính là đóng góp cho mục tiêu phát triển xanh của toàn cầu cũng như của Chính phủ Việt Nam.

Chìa khóa mở ra nền tài chính xanh vững mạnh

Khẳng định ngành Ngân hàng với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng việc triển khai các giải pháp từ ngành Ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp để thúc đẩy tài chính xanh nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, lãnh đạo ngành tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính Agribank cho biết, Agribank là ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh cao trong hệ thống. Nhận thức được vai trò, Agribank tích hợp chiến lược phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng.

Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp nông thôn. Trong đó, Agribank luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh. Phát triển các dự án xanh là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải. “Để thực hiện quá trình phát triển xanh, Agribank luôn luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như: cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Điểm giao dịch lưu động là một trong các sáng kiến mới của Agribank đã được NHNN phê duyệt để mang nguồn vốn tới vùng sâu vùng xa. Trong quá trình đó, Agribank từng bước xây dựng tiêu chuẩn ESG – tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị ngân hàng. Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để thực hiện báo cáo quá trình phát triển bền vững”, bà Hà chia sẻ thêm.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Deloitte, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển tín dụng xanh được coi là chìa khóa để mở ra một nền tài chính xanh vững mạnh tại Việt Nam. Tín dụng xanh không những đảm bảo đồng thời những lợi ích đầu tư, lợi ích môi trường từ phía bên cho vay; nâng cao quản lý bền vững, xây dựng niềm tin với công chúng cho bên vay; mà còn góp phần bảo tồn môi trường toàn cầu, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thông qua việc thúc đẩy các dự án xanh. Khi đặt lợi ích của môi trường xã hội lên hàng đầu thì lợi ích của bên vay, bên cho vay được đảm bảo.

Ngoài ra, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Deloitte cũng đưa ra những đề xuất cho các ngân hàng thương mại và NHNN. Trước những sáng kiến, chương trình được thúc đẩy bởi các quốc gia, tổ chức trên thế giới về tài chính xanh, Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các nguyên tắc để quản lý và giám sát hiệu quả rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, tăng cường yêu cầu công bố thông tin quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể xây dựng chính sách tiền tệ hướng đến nền kinh tế xanh nhằm giám sát và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng.

Đại diện Deloitte cho rằng cần thực hiện phân tích kịch bản và các bài kiểm tra sức chịu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó đối với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu sẽ là những nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, việc truyền thông nâng cao nhận thức về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cũng là một cấu phần không thể thiếu nhằm thúc đẩy hiệu quả áp dụng tài chính xanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, cần xác định các nguyên tắc loại trừ đối với các lĩnh vực mà ngân hàng sẽ không hỗ trợ để giảm thiểu tất cả các rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên (ví dụ: các dự án trong khu vực đa dạng sinh học quan trọng hoặc di sản thế giới, các hoạt động ảnh hưởng đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng, tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới) cũng như xây dựng chính sách ngành chi tiết cho các lĩnh vực nhạy cảm theo các thông lệ quốc tế tốt nhất (ví dụ: các cam kết không phá rừng, không than bùn và không khai thác (NDPE) và tuân thủ yêu cầu của từng ngành đặc thù).

Cuối cùng, đại diện Deloitte cho rằng không thể thiếu việc thiết lập, hoàn thiện các quy trình quản trị rủi ro để đánh giá rủi ro E&S cho tất cả khách hàng (không chỉ với các khách hàng lớn hoặc khách hàng trong các lĩnh vực nhạy cảm), đưa rủi ro E&S vào phân loại rủi ro khách hàng (không chỉ tập trung vào loại trừ), phát triển các quy trình giám sát và xem xét khách hàng định kỳ về rủi ro môi trường và xã hội và tham gia với khách hàng về các kế hoạch hành động trong trường hợp họ không tuân thủ đầy đủ các chính sách của ngân hàng. Nâng cao năng lực đánh giá rủi ro danh mục đầu tư, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải được tài trợ cũng như phát triển các công cụ đánh giá rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi của danh mục đầu tư của họ.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia cũng đưa ra 8 đề xuất với khối các ngân hàng gồm: Một là, ngân hàng cần có chính sách và chiến lược về tín dụng xanh riêng biệt. Hai là, xây dựng đa dạng sản phẩm tín dụng xanh. Ba là, tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro. Bốn là, xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường xã hội đồng bộ để công bố thông tin minh bạch. Năm là, nâng cao năng lực cho nhân viên. Sáu là, thiết lập đơn vị thẩm định đánh giá yếu tố ESG. Bảy là, chủ động tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Tám là, thực hiện các mô hình chịu đựng các rủi ro khí hậu (nếu cần thiết).

Sau khi lắng nghe các giải pháp được đưa ra tại hội thảo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định vấn đề về tín dụng xanh là một trong những nội dung rất thời sự, không phải là lúc đủng đỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai chậm chạp.

Tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay mới đạt 528 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm gần 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng dư nợ bình quân đạt tích cực khoảng 26%/năm với tín dụng xanh, nhưng đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero, vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính, do đó tốc độ này chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Hiện các NHTM đã ý thức được quyền lợi, trách nhiệm trong nâng cao chất lượng quản lý tín dụng, song các ngân hàng gặp khó vì vốn huy động chủ yếu ngắn hạn nhưng cho vay đầu tư các dự án xanh, dự án về môi trường thường có thời gian dài. Do vậy, để có thể thúc đẩy tín dụng xanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, cần thực hiện tốt những giải pháp đồng bộ với các mục tiêu dài hạn.

Về phía mình, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút nguôn lực tài chính, quốc tế cho mục tiêu xanh,

Ngoài những kế hoạch đã có, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, rộng, chi tiết hơn các danh mục xanh đã được công bố để NHTM triển khai mạnh mẽ tín dụng xanh. Vấn đề nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tín dụng xanh tiếp tục đẩy mạnh không chỉ ở góc độ cơ quan lý điều hành mà các NHTM trong việc đánh giá các tiêu chuẩn quản lý rủi ro, môi trường xã hội.

Phó Thống đốc cũng lưu ý việc cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn thông qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu xanh… Đẩy mạnh công tác truyền thông, áp dụng công nghệ hiện đại đối với việc phát triển tín dụng xanh….

hoi-thao.jpg

Hiện nay số lượng các TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh năm 2023 có 43 TCTD. Mục tiêu, năm 2025 có 100% TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Trong đó, các ngân hàng phải có hướng dẫn, quy định nội bộ thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội theo quy định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng xanh là nội dung thời sự, cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO