Ngày 17/9/2024, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2024.
Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2024 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding (mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng); Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 08/2024.
Theo đó, ngành thực phẩm - đồ uống được chia là 9 nhóm ngành, trong đó, Công ty CP Sữa Việt Nam đứng đầu nhóm ngành Sữa và sản phẩm từ sữa; Công ty TNHH Nestlé Viet Nam đứng đầu nhóm ngành: Đường, bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng; Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đứng đầu nhóm ngành Nước chấm, gia vị, dầu ăn; Công ty CP Acecook Việt Nam đứng đầu nhóm ngành Thực phẩm khô, đồ ăn liền; Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đứng đầu nhóm ngành Thực phẩm tươi, đông lạnh; Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đứng đầu nhóm ngành Đồ uống có cồn; Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam đứng đầu nhóm ngành Đồ uống không cồn; Công ty CP Tập đoàn Golden Gate đứng đầu nhóm ngành Chuỗi nhà hàng, dịch vụ đồ ăn, nhượng quyền; Tập đoàn Trung Nguyên Legend ứng đầu nhóm ngành Chuỗi cửa hàng café, dịch vụ đồ uống, nhượng quyền.
Theo khảo sát của Vietnam Report, năm 2023, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống đã đạt được kết quả tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng mạnh từ 66,7% lên 93,3%. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lợi nhuận đạt tới 86,7%, vượt qua cả tỷ lệ của năm 2022.
Theo số liệu của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Trong đó, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỷ USD trong năm 2023. Xét trên phân khúc đồ uống, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 27,121 tỷ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Năm 2023 cũng được coi là một năm đầy thách thức đối với ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) Việt Nam khi chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường vẫn phát đi những tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng thích ứng và vươn lên trước những biến động từ môi trường bên ngoài.
Bước sang năm 2024, doanh nghiệp F&B duy trì được nhịp tăng trưởng về doanh thu trên hầu hết các kênh phân phối, ngoại trừ kênh tiêu dùng tại chỗ (On-premise) ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp tăng doanh thu giảm nhẹ (-4,4%).
Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử (e-Commerce) vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90,5% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của Vietnam Report từ tháng 7 - 8/2024, cũng cho thấy, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Điều đáng chú ý là sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%.
Theo Vietnam Report, sự lạc quan này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu thực phẩm cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với nhiều nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo và hạt điều đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.
Tín hiệu lạc quan về sự cải thiện của ngành F&B trong thời gian tới còn đến từ tình hình tài chính của người tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng ngành F&B năm 2024 của Vietnam Report cho thấy có tới 52,7% người tiêu dùng cho rằng thu nhập của họ sẽ cải thiện một chút và 21,8% cải thiện rất nhiều trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, Nghị định 74/2024 NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ tháng 7/2024 sẽ tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới khi bước vào mùa chi tiêu cuối năm.
Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: bất động sản, xây dựng, công nghệ thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, dược, du lịch, logistics…