Các Hiệp hội ngành, nghề

Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024

Thanh Thanh 03/10/2024 - 09:12

Ngày 2/10/2024, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024. Lễ vinh danh các công ty uy tín do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 10/2024 tại Hà Nội.

Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty ngành tài chính trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 8/2024.

Theo đó, Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024 thuộc nhóm Công ty Chứng khoán gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI; Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương; Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect; Công ty Cổ phần Chứng khoán MB; Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap; Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam); Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội; Công ty TNHH Chứng khoán ACB

picture1.png

Đối với nhóm Công ty Tài chính, Top 5 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024 gồm: Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC; Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam; Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực; Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei; Công ty Tài chính TNHH HD Saison.

picture2.png

Cơ hội tăng trưởng ngành tài chính

Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 85,7% số doanh nghiệp và chuyên gia ngành Tài chính lựa chọn Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là cơ hội lớn nhất cho sự tăng trưởng của thị trường Tài chính năm 2024.

Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô kể đến như: Tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng khá; Môi trường kinh doanh ổn định được lựa chọn với tỷ lệ tương ứng 82,3% và 69,5%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế, cho thấy cơ sở để nhóm công ty tài chính có cơ hội lội ngược dòng so với những gì đã ghi nhận trong năm 2023. Bởi lẽ, tiêu dùng cuối tăng trưởng đồng nghĩa với sức cầu đã được phục hồi và nhu cầu chi tiêu, mua sắm đang dần cải thiện, kéo theo nhu cầu về vay tiêu dùng ngắn hạn – những khách hàng chính của các công ty tài chính.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ổn định là điều kiện lý tưởng để đưa dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường, một phần trong đó đi vào qua kênh chứng khoán, kỳ vọng sớm kết thúc những đợt bán ròng liên tục trên thị trường chứng khoán thời gian qua.

4 thách thức

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy Top 4 thách thức của ngành Tài chính gồm: rủi ro công nghệ (an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu…), tội phạm tài chính gia tăng; nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; thị trường yêu cầu các sản phẩm tài chính chất lượng hơn; và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.

picture3.png

An ninh mạng là một trong những vấn đề quan trọng đối với các công ty chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh số hóa ngày càng sâu rộng. Các công ty chứng khoán thường lưu trữ và xử lý lượng lớn thông tin nhạy cảm như dữ liệu khách hàng, giao dịch tài chính và thông tin chiến lược đầu tư. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí phá hoại hệ thống giao dịch.

Cũng từ đây, những yêu cầu cao hơn đối với tính bảo mật của hệ thống giao dịch cần được đảm bảo. Hai phần ba số công ty chứng khoán trả lời khảo sát của Vietnam Report đang có kế hoạch tăng 6% - 14% ngân sách cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong 3 năm tới, một phần ba trong số đó lên kế hoạch tăng chi ngân sách trên 10%.

Tăng mức đầu tư cho an toàn thông tin là điều thiết thực khi rủi ro có thể xảy ra bất ngờ, cần tập trung nâng cấp hệ thống, đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên, nhất là nhân sự công nghệ thông tin. Theo khuyến cáo của Vietnam Reposst, các công ty cần lên sẵn kịch bản cho mọi sự cố, đảm bảo dữ liệu được mã hóa, thông tin nhạy cảm không thể bị khai thác ngay cả khi hệ thống đang bị tấn công.

Liên quan đến khó khăn về tình hình nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống, Vietnam Report cho rằng, bắt nguồn từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế liên tục gặp phải những cú sốc từ đại dịch, thiên tai cho tới căng thẳng địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế, hệ quả là doanh nghiệp và người dân gặp phải khó khăn trong thanh toán những khoản nợ trước đó.

Việc trích lập dự phòng rủi ro đã khiến tài sản của các công ty tài chính sụt giảm, gây áp lực đến mức lợi nhuận của doanh nghiệp và tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Do vậy, giải pháp cho các công ty tài chính là sàng lọc khách hàng rủi ro. Để làm được như vậy, các công ty tài chính cần xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng chi tiết, vừa hạn chế rủi ro nợ xấu, vừa phê duyệt khoản vay nhanh chóng, tạo sự thuận lợi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Những khó khăn, sự cố mà các doanh nghiệp gặp phải được phản ánh rõ nét trên truyền thông và được Vietnam Report ghi nhận thông qua phương pháp media coding.

Đối với nhóm công ty chứng khoán, các sự kiện tiêu cực đã tăng đột biến trong hai thời điểm: tháng 12/2023 và tháng 3/2024. Sự gia tăng này chủ yếu liên quan đến các vi phạm hành chính trong hoạt động cho vay ký quỹ và xung đột lợi ích với khách hàng. Đặc biệt nghiêm trọng, vào tháng 3/2024, VNDirect phải đối mặt với một cuộc tấn công mạng, làm tê liệt hệ thống giao dịch trong thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của công ty.

Về phía nhóm công ty tài chính, tin tức tiêu cực tăng mạnh vào tháng 9/2023 và tháng 4/2024, liên quan đến việc sụt giảm đáng kể trong kết quả kinh doanh. Những vấn đề này không chỉ tác động đến niềm tin của nhà đầu tư mà còn làm dấy lên nhiều lo ngại về tính ổn định và năng lực quản trị rủi ro của các công ty trong ngành…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO