Hoạt động ngân hàng

TP. Hồ Chí Minh: Tăng trưởng tín dụng tháng 3/2023 và giải pháp duy trì xu hướng tích cực

Nguyễn Đức Lệnh 15/04/2023 15:18

Tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quý I/2023 tăng 1,25%. Trong đó, tháng 3/2023 là tháng tín dụng có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 1,37% so với tháng trước đó.

tien-mat.jpg

Tín dụng ngân hàng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước và chịu tác động điều chỉnh bởi nhiều yếu tố: từ cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh đến các yếu tố trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản và thị trường khác có liên quan trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế. Trong mối liên hệ đó, chỉ số tăng trưởng tín dụng hàng tháng, từng năm cũng phản ánh và liên hệ trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, đến sự phát triển của doanh nghiệp và các thị trường, ngược lại những diễn biến này cũng phản ánh và tác động đến tăng trưởng tín dụng.

Với ý nghĩa đó, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quý I/2023 tăng 1,25% thấp hơn cùng kỳ này các năm trước, song vẫn cao hơn nhiều so với các năm 2012, 2013 và 2014 (là các năm nền kinh tế gặp khó khăn do tác động hệ quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn này). Nếu phân tích chi tiết hoạt động tín dụng và tăng trưởng tín dụng trong từng tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thì thấy tháng 3/2023 là tháng tín dụng có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 1,37% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân tháng trong những năm trước đây – một diễn biến tích cực.

Với phân tích đó, ở góc độ hoạt động ngân hàng nhận thấy, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm các giải pháp và chương trình hành động cụ thể từ triển khai cơ chế chính sách đến hoạt động hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để định hình và duy trì xu hướng này nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, nên tập trung vào một số nội dung như:

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của ngân hàng trung ương. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, về tín dụng và ngoại hối. Trong đó khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, giảm nhanh lãi suất cho vay doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với lãi suất tiền gửi, chi phí đầu vào, đồng thời kết hợp với trách nhiệm sẻ chia cùng cộng đồng doanh nghiệp bằng việc thực hiện chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với tinh thần đồng hành phát triển mà một số tổ chức tín dụng trên địa bàn đã và đang thực hiện tốt.

Thực hiện cải cách hành chính bằng hành động cụ thể, quyết liệt, nhằm giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động, trên cơ sở đó giảm chi phí đầu vào, để giảm lãi suất cho vay bền vững. Đây là giải pháp căn bản và có ý nghĩa dài hạn cần làm cụ thể, thiết thực và thường xuyên có đổi mới và ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, hoạt động điều hành và kinh doanh, có kế hoạch cụ thể và gắn liền với chiến lược phát triển ngân hàng số. Ở góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, trước mắt cần đạt mục tiêu giảm thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, giảm chi phí dịch vụ… từ đó trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trong giao dịch với ngân hàng, để hỗ trợ và kích thích tăng trưởng cho doanh nghiệp và cho chính tổ chức tín dụng. Đây là bài học kinh nghiệm thực tiễn còn nguyên giá trị nhất là trong bối cảnh khó khăn xuất hiện.

Tăng cường hoạt động kết nối tạo hiệu ứng nhanh, mạnh. Trong đó, cam kết giải ngân các gói tín dụng ưu đãi; kết nối ngân hàng doanh nghiệp rộng hơn, sâu hơn với nội hàm: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp và truyền thông chính sách, gắn với thực hiện chương trình hành động phối hợp ba bên: Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp nhằm phát hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp và đảm bảo tổ chức tốt chương trình tại tất cả các quận, huyện của thành phố.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ khác có liên quan để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng trưởng xuất khẩu; phát triển bền vững các thị trường và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút và kích thích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là yếu tố tác động trở lại kích thích tăng trưởng tín dụng, với yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực quản trị điều hành, tài chính lành mạnh, công khai minh bạch và tuân thủ pháp luật… để tiếp cận tốt nhất những cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của ngân hàng trung ương và của UBND TP. Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Tăng trưởng tín dụng tháng 3/2023 và giải pháp duy trì xu hướng tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO