(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn xét xử do lời khai của các bị cáo tại toà có nhiều mâu thuẫn, chưa làm rõ được quan hệ vay nợ và các tình tiết khác.
Chiều ngày 5/5, sau 2 giờ thẩm vấn các bị cáo và 40 phút tạm nghỉ hội ý, Chủ toạ, thẩm phán Phan Huy Cương thay mặt Hội đồng xét xử công bố quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 433 tỷ đồng. Được biết, phiên tòa mở từ ngày 4/5 và ban đầu dự kiến kéo dài 10 ngày.
Theo cáo buộc, từ năm 2016 - 2018, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do, bị thua lỗ, đã nhiều lần phải vay nợ các cá nhân và ngân hàng. Nhờ chiêu vay tiền của người sau trả cho người trước, thời gian đầu, bị cáo tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng với số tiền lớn nên các ngân hàng N., ngân hàng P., các ngân hàng V. đều coi Thành là khách hàng VIP.
Nhưng do không có hoạt động kinh doanh, chỉ vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên từ ngày 5/6 - 26/11/2018, bị cáo mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Sau đó, bị cáo đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ 3 ngân hàng trên và các cá nhân khác nhau.
Biết ông Đặng Nghĩa T. có tiền, Thành đề nghị vay bằng hình thức ông T. và vợ gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông T. khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng và khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông T. để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.
Có được sổ, Thành dùng thế chấp vay tiền tại các ngân hàng N., ngân hàng P., ngân hàng V. Tại ngân hàng N., Thành được giải ngân 47,5 tỷ đồng, tại ngân hàng P. Thành được giải ngân 49,4 tỷ đồng, tại ngân hàng V. Thành được giải ngân số tiền 273,9 tỷ đồng. Cùng với thiệt hại của 4 cá nhân khác là 63 tỷ đồng, cơ quan tiến hành tố tụng xác định tổng thiệt hại của vụ án là hơn 433 tỷ đồng.
Tại Quyết định trả hồ sơ, Hội đồng xét xử yêu cầu việc điều tra bổ sung cần làm rõ, bị hại trong vụ án, ông Đặng Nghĩa T. có hay không dấu hiệu đồng phạm lừa đảo với bị cáo chính Nguyễn Thị Hà Thành và thực chất, quan hệ vay nợ của Thành và ông T ra sao. Ngoài ra, hồ sơ vụ án thời điểm hiện tại cũng chưa làm rõ được tổng số tiền lãi ông T. đã nhận từ Thành và số tiền lãi Thành đã nhận từ các ngân hàng là bao nhiêu, số tiền Thành còn nợ ông T. có đúng là 122 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên xét hỏi chiều nay, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra. Tại Cơ quan điều tra, bị cáo khai "T. biết rõ tôi sẽ tìm cách để rút tiền trong sổ tiết kiệm này, T. chỉ không biết là tôi sẽ rút bằng cách nào".
Tại phiên tòa, bị cáo khẳng định quan hệ của mình và ông T. là vay nợ. Về hình thức, Thành và ông T. sẽ cùng gửi tiền ngân hàng qua hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu. Hợp đồng lập 2 bản, ngân hàng giữ một bản, còn một bản ông T. giữ. Bị cáo nói sau đó sẽ mượn ông T. hợp đồng này để photo, từ đó làm hồ sơ chứng minh tài chính để vay tiền thực hiện các dự án. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông T. khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng, song vợ chồng ông T. hoàn toàn không biết Thành sẽ dùng sổ tiết kiệm này để làm gì sau đó.
Trình bày tại phiên tòa, ông Đặng Nghĩa T. khẳng định không biết Thành sẽ cầm sổ tiết kiệm của ông ta đi thế chấp, rút tiền, cũng không nhận thông báo gì từ ngân hàng. Ông T. cho biết, do Thành xưng là cán bộ ngân hàng, nếu đưa sổ tiết kiệm cho Thành, sẽ giúp ông cải thiện lãi suất. "Hơn nữa tôi biết quy định ngân hàng rất chặt chẽ, muốn bất cứ làm thủ tục gì liên quan sổ tiết kiệm cũng cần chứng minh nhân dân, chữ ký và chính chủ đến làm thủ tục, nên tôi nghĩ cho Thành mượn sổ cũng không sao", ông T. nói.