(thitruongtaichinhtiente.vn) - Câu chuyện "bình thường mới" cho ngành vận tải giao nhận quốc tế đang dần hé lộ theo hướng, có những kỳ vọng về một trạng thái bình thường cũ ít nhất là về mặt con số của giá cước vận tải thời điểm 2 năm trở về trước dường như rất khó xảy ra.
Khảo sát và phân tích của Hãng McKinsey đầu năm 2022 cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế/lãi vay (EBIT) trung bình của ngành trong giai đoạn 2015-2021 là 1,9 điểm phần trăm; trong đó, riêng thị trường lớn nhất là Trung Quốc, mức tăng này là 1,6 điểm phần trăm. Đối với ngoại đạo thì con số này chắc không làm họ chú ý nhưng có thể khẳng định mức tăng này là khá lớn nếu không muốn nói là “bất bình thường”.
Thống kê cho thấy, EBIT trung bình trong ngành giao nhận vận tải quốc tế trong trạng thái bình thường cũ dao động loanh quanh mức 6-7%. Đó là mức EBIT trung bình của ngành, có nghĩa bao gồm tất cả các dịch vụ liên quan đến giao nhận vận chuyển, bằng mọi phương thức và hình thức; từ đường biển, đường bộ đến đường hàng không và cũng là mức tỷ suất lợi nhuận trung bình của hoạt động giao nhận vận tải cho các tuyến thương mại quốc tế có sự dung hợp yếu tố địa lý. Thị trường Việt Nam cũng đồng điệu với thị trường thế giới ở chỉ số này.
Trong 3 phương thức vận tải phổ biến nhất hiện nay, đường biển (hàm ý vận chuyển quốc tế bằng tàu container) chiểm tỷ trọng về sản lượng lớn nhất. Mức biến động về giá cước vận tải trong khoảng 3 năm trở lại đây là vô tiền khoáng hậu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra trong bối cảnh đại dịch hoành hành cùng nhiều yếu tố tác động khác bao gồm cả những xung đột thương mại được xem là những nguyên nhân chính cho sự biến động quá sức tưởng tượng này của giá cước vận tải container thế giới.
Về mặt lý thuyết, giá cước cao chính là khoản doanh thu chảy vào túi các nhà vận chuyển. Điều này lý giải một cách không thể thuyết phục hơn những báo cáo tài chính được công bố bởi các hãng, theo đó mức tăng trưởng lợi nhuận của các “đại gia” đường biển này còn khủng khiếp hơn con số EBIT trung bình của ngành giao nhận vận chuyển nói chung.
Theo số liệu tổng hợp của Alphaliner, tính riêng trong quý III/2021, tỷ suất lợi nhuận hoạt động trung bình của các hãng vận chuyển chính lên tới 56% - một con số có thể gây sốc với không ít người khi mà mức trung bình tại thời điểm mới chỉ 2 năm về trước là 3,7%. Lợi nhuận ước tính của ngành vận tải container quốc tế trong năm 2021 cán mức kỷ lục 190 tỷ USD.
Để dễ hình dung nhất, cước phí vận chuyển một container 40feet từ các cảng chính châu Á đến các cảng biển bờ Tây Hoa Kỳ tại thời điểm nửa đầu năm 2019 dao động vào khoảng 1.500~2.000 USD thì chỉ 2 năm sau, chủ hàng có thể phải trả gấp mười lần, tương đương với 20.000 USD thậm chí là nhiều hơn thế chỉ cho cũng chính một container 40feet đó.
Những chỉ số trên là một lát cắt thời gian thực giúp khái quát nên bức tranh vận tải container quốc tế.
Sau giai đoạn dần ổn định tại các cảng biển Bắc Mỹ, cùng với nhu cầu từ phía châu Á giảm xuống do một phần tác động của chính sách “zero-covid” của Trung Quốc, phần là do tính chất mùa thấp điểm trong dịp Tết Nguyên đán, giá cước trong nửa đầu tháng 2/2022 giảm nhẹ trước khi hồi phục vào cuối tháng và giữ xu hướng tăng trong tháng tiếp theo.
Bất chấp việc chính quyền Tổng thống Biden có vẻ cương quyết hơn khi yêu cầu Bộ Thương Mại cùng Ủy ban Hàng hải Liên bang (FMC) tiến hành điều tra mạnh mẽ việc có hay không hành động thao túng, gian lận thương mại từ phía các hãng vận chuyển, các chuyên gia còn có dự báo xa hơn về mức tăng cước vận tải container trong trung hạn mà một phần nguyên nhân được viện dẫn là do khủng hoảng chính trị Nga – Ukraine hiện tại.
Câu chuyện "bình thường mới" cho ngành vận tải giao nhận quốc tế đang dần hé lộ theo hướng, có những kỳ vọng về một trạng thái bình thường cũ ít nhất là về mặt con số của giá cước vận tải thời điểm 2 năm trở về trước dường như rất khó xảy ra. Các chủ hàng dường như đã và buộc phải quen dần với mức cước phí vận chuyển đường biển có 5 con số thay vì 4 như trong thời kỳ bình thường cũ.
(*) Thạc sĩ Chính sách công