Nghiên cứu - Trao đổi

Từ chối viện trợ, Quảng Ninh và Hải Phòng tự đứng dậy sau bão số 3: Bài học về sức mạnh nội sinh

PGS, TS. Đào Lê Kiều Oanh - Lê Tấn Phát 25/12/2024 16:03

Dù phải chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi (cơn bão số 3) gây ra, nhưng với ý chí quyết tâm vượt khó và tinh thần tương thân, tương ái, tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đã từ chối nhận gói viện trợ 100 tỷ đồng để dành nguồn lực cho các địa phương khác vượt qua khó khăn. Việc từ chối viện trợ cho thấy một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng phục hồi của cộng đồng và một ý thức trách nhiệm cao đối với sự phát triển chung của đất nước.

Tóm tắt: Tháng 9/2024, siêu bão Yagi với cường độ chưa từng có đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh. Bài viết nhằm phân tích phản ứng của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cộng đồng trước thảm họa tự nhiên khắc nghiệt này. Trọng tâm của bài viết tập trung vào việc đánh giá cao tinh thần tự lực, tự cường và sự đoàn kết của người dân 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của cơn bão. Bằng việc từ chối gói viện trợ 100 tỷ đồng, người dân hai tỉnh đã thể hiện một ý chí quyết tâm vượt khó và tinh thần tương thân tương ái đáng ngưỡng mộ đối với đồng bào dân tộc. Đồng thời, bài viết cũng sẽ phân tích các bài học kinh nghiệm rút ra từ sự kiện này nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thảm họa tự nhiên trong tương lai của dân tộc Việt Nam và những bài học quý báu mà chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện đầy cảm hứng của người dân Hải Phòng và Quảng Ninh.

Từ khóa: bão Yagi; thiệt hại; giải pháp; viện trợ; sức mạnh nội sinh.

Abstract: In September 2024, Typhoon Yagi, an unprecedented natural disaster, caused extensive damage to the infrastructure and socioeconomic conditions of the northern provinces of Vietnam, particularly Hai Phong and Quang Ninh. This paper aims to analyze the responses of government agencies, organizations, and the community to this devastating natural disaster. The focus is on appreciating the self-reliance, resilience, and solidarity of the people in Hai Phong and Quang Ninh, the regions most directly affected by the typhoon. By rejecting a 100 billion VND aid package, the residents of these two provinces demonstrated a remarkable determination to overcome difficulties and a strong sense of community and compassion. Additionally, the paper will examine the lessons learned from this event to enhance Vietnam's capacity to respond to future natural disasters and the valuable insights we can gain from the inspiring story of the people of Hai Phong and Quang Ninh.

Keywords: Typhoon Yagi; damage; solutions; aid; intrinsic strength.

Giới thiệu

Tháng 9/2024, bão Yagi, cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, bão Yagi sở hữu những đặc điểm cực đoan chưa từng có tiền lệ: “bão Yagi là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa có tiền lệ: cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 - cấp 17.

Bên cạnh đó, cơn bão này duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam; thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ.”[1] Đứng trước tình hình như thế, Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chính phủ nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế đã có hành động viện trợ nhân đạo cho miền Bắc nhằm hỗ trợ, khắc phục những thiệt hại về khu vực do lưu bão Yagi để lại nhằm sớm ổn định lại cuộc sống cho nhân dân trong khu vực thiệt hại. Vào ngày 6/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Hải Phòng và Quảng Ninh, hai địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của siêu bão Yagi với sức gió lên tới cấp 17 (theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), đã đưa ra một quyết định đầy ý nghĩa: từ chối gói viện trợ 100 tỷ đồng của Chính phủ. Khi được hỏi về lý do, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ: “Không chỉ riêng Hải Phòng, mà còn nhiều tỉnh thành khác cũng đang chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3. Do đó, chúng tôi quyết định nhường số tiền 100 tỉ đồng để các địa phương khác có thêm nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão”.[2] Quyết định này không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn thể hiện rõ nét tinh thần tự lực, tự cường của người dân hai tỉnh.

Đánh giá tổng quan lại những tổn thất và thiệt hại cơn bão Yagi gây ra cho các lĩnh vực

Về Giáo dục: Bão Yagi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành giáo dục, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học ước tính lên đến 1.260 tỷ đồng, trong đó giáo dục mầm non chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 41.564 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng. Nguy hiểm hơn, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của 52 học sinh và trẻ em, 3 học sinh hiện đang bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong và 1 giáo viên hiện chưa rõ tung tích[3]. Hơn cả thế, áp lực từ mưa lớn và gió mạnh đã khiến nhiều trường học ở miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, các phòng học bị tốc mái, các công trình phụ trợ bị sập đổ, và thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng nề, gây ra những mất mát to lớn về nhân lực cho ngành giáo dục. Những thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn đặt ra thách thức lớn cho việc phục hồi và phát triển giáo dục tại các địa phương.

untitled-1(1).jpg

Về kinh tế: Bão số 3 (Yagi) đã gây ra những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng đối với các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Thật không may, các tỉnh công nghiệp trọng điểm như TP.Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với thiệt hại ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể hơn, bão Yagi đã làm ảnh hướng đến hơn 111 khu công nghiệp và 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các ngành công nghiệp chính, bao gồm điện tử và cơ khí, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, lâm nghiệp và thủy sản, dệt may, ô tô, lọc hóa chất và hóa dầu và du lịch tại các tỉnh.

Theo thống kê từ FiinGroup, các khu vực này đóng góp 25,81% GDP, 24,57% tổng số doanh nghiệp, 21,02% doanh nghiệp FDI và đóng góp 17,27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến ngày 28/9, các cơ quan chức năng ước tính cơn bão số 3 gây thiệt hại vượt quá 81,50 nghìn tỷ đồng. TP. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với lần lượt là 12,20 nghìn tỷ đồng và 24,80 nghìn tỷ đồng. Tiếp theo là Hải Dương với thiệt hại 7,40 nghìn tỷ đồng, trong khi các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề khác bao gồm Lào Cai (6,60 nghìn tỷ đồng), Yên Bái (5,73 nghìn tỷ đồng), Bắc Giang (5 nghìn tỷ đồng) và Hưng Yên (3,6 nghìn tỷ đồng). [4] Như vậy, có thể thấy rằng, cơn bão đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặt ra những thách thức lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Về nông nghiệp, ngu và lâm nghiệp: Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất khi thiệt hại hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 38% tổng thiệt hại về kinh tế mà lưu bão Yagi để lại. Cụ thể, diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị tàn phá lớn; cơ sở hạ tầng thủy sản bị hủy hoại; và số lượng gia súc gia cầm chết tăng cao, đặc biệt tại Quảng Ninh. Mặc dù các biện pháp phòng chống đã được triển khai, nhưng cường độ mạnh của bão và việc không tuân thủ hướng dẫn di chuyển an toàn của một số tàu thuyền đã làm gia tăng mức độ thiệt hại.

Về ngân hàng: Sự kiện thiên tai bão số 3 đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn như VietinBank, Vietcombank và Agribank. Cơn bão đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của một lượng lớn doanh nghiệp và hộ gia đình, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. “Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.”[5] Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiêu biểu là Quảng Ninh và Hải Phòng, với tổng dư nợ tín dụng ngắn hạn bị ảnh hưởng lên đến 23.100 tỷ đồng từ 11.700 khách hàng, đã làm gia tăng đáng kể tỷ lệ nợ xấu tại các khu vực này. Theo số liệu của FiinGroup, tổng dư nợ tín dụng ngắn hạn tại các tỉnh bị ảnh hưởng chiếm tới 37,49% tổng dư nợ ngắn hạn của toàn quốc, cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Sự gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do bão gây ra đã làm suy giảm đáng kể chất lượng tín dụng, khiến khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng và đặt ra thách thức lớn đối với việc cấp tín dụng mới.

Về bảo hiểm: Sự kiện bão số 3 đã tác động mạnh mẽ đến ngành bảo hiểm Việt Nam, đặt ra những thách thức chưa từng có. Theo ước tính ban đầu, tổng giá trị yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng và có xu hướng tăng cao. Cụ thể, cơn bão đã gây ra thiệt hại về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và thủy sản trên diện rộng. Đặc biệt, phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề do đặc thù liên quan trực tiếp đến rủi ro thiên tai. Tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã đặt ra thách thức lớn cho ngành bảo hiểm Việt Nam.

Về du lịch: Hoàn lưu bão Yagi đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra tại tỉnh này lên đến 23.700 tỷ đồng. Cụ thể, ngành du lịch, đặc biệt là tại thành phố Hạ Long, đã chịu những thiệt hại nặng nề. Các điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Tuần Châu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với nhiều công trình bị hư hỏng và phải tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, bão còn gây ra thiệt hại lớn đối với các phương tiện vận chuyển du lịch, đặc biệt là tàu du lịch. Các tỉnh thành lân cận như Lào Cai cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ mưa lũ, gây gián đoạn hoạt động du lịch tại một số địa điểm nổi tiếng như Sa Pa.

Hành động cũng như đóng góp tức thời của ngành Ngân hàng trong việc chung tay hỗ trợ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp hiện đang bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Trước tác động tiêu cực của thiên tai, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế sau bão Yagi. Cụ thể, sau Hội nghị sơ kết diễn ra vào ngày 28/9/2024, 32 tổ chức tín dụng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi với tổng giá trị lên đến 405.000 tỷ đồng, đồng thời giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như gia hạn thời hạn trả nợ, hoãn thu nợ gốc và lãi, bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng cường phối hợp với các địa phương. Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các giải pháp về lãi suất tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn.

Bên cạnh các biện pháp hành chính, thị trường bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ rủi ro và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các công ty bảo hiểm đã nhanh chóng triển khai các hoạt động rà soát, đánh giá thiệt hại và thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp mà còn khẳng định vai trò của bảo hiểm trong việc quản lý rủi ro thiên tai.

Các giải pháp này đã góp phần đáng kể vào việc ổn định tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp bị thiệt hại. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và các địa phương đã tạo ra một mạng lưới hỗ trợ toàn diện, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thiên tai.

Vai trò, hành động và giải pháp của Chính Phủ đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau bão

Trước tình hình thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-TTg, cấp phát 100 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ khẩn cấp cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Nam Định (20 tỷ đồng), Thái Bình (30 tỷ đồng), Hải Dương (20 tỷ đồng), Yên Bái (20 tỷ đồng) và Hưng Yên (10 tỷ đồng). Quyết định này nhằm mục tiêu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống người dân và khôi phục sản xuất. Các địa phương được giao quyền phân bổ và sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích và tiết kiệm.

Đối với hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, do đã chủ động huy động nguồn lực địa phương để khắc phục hậu quả, Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ bổ sung khi có đề xuất cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tạm thời cho mỗi tỉnh này 100 tỷ đồng để ứng phó với tình hình khẩn cấp. Việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và kịp thời sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương bị ảnh hưởng.

Hơn hết, để ứng phó kịp thời và hiệu quả với những hậu quả nghiêm trọng do bão Yagi gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/09/2024, tập trung vào việc khôi phục nhanh chóng các hoạt động sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết này đã đưa ra một khung chính sách toàn diện, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đồng thời đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội. Nghị quyết có 6 nội dung cơ bản và cũng đã thể hiện được tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về thứ tự ưu tiên trong các giải pháp, trong đó ưu tiên tính mạng và sức khỏe của con người, sau đó mới đến khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 6 nội dung cơ bản đó lần lượt là:

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân: Giai đoạn ngay sau khi bão Yagi đi qua, các hoạt động cứu hộ, cứu trợ đã được triển khai khẩn cấp với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân. Cụ thể, các lực lượng chức năng đã tập trung vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn người bị mất tích, cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho người bị thương, và đảm bảo nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước sạch, nơi ở tạm thời cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, các biện pháp vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau thiên tai. Việc khôi phục nhanh chóng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông và các cơ sở y tế, giáo dục đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển sau bão.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân: Song song với các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, một trong những ưu tiên hàng đầu là việc ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Chính quyền các cấp đã triển khai các hoạt động đánh giá nhanh thiệt hại về người và tài sản, nhằm xác định nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Các giải pháp hỗ trợ ban đầu tập trung vào việc đảm bảo nơi ở tạm, cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Việc tận dụng các cơ sở công cộng như nhà văn hóa, trụ sở cơ quan để làm nơi ở tạm cho người dân đã thể hiện sự linh hoạt và hiệu quả trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu những khó khăn trước mắt mà còn góp phần ổn định tâm lý xã hội, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi lâu dài.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế: Nghị quyết 143/NQ-CP đã đặt ra mục tiêu khôi phục nhanh chóng các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm ổn định kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một loạt các giải pháp hỗ trợ, bao gồm: (i) Hỗ trợ tài chính: Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, như giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, nhằm giúp doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua khó khăn. Bộ Tài chính đã thực hiện các biện pháp giảm thuế, phí, lệ phí để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; (ii) Hỗ trợ vật chất: Các bộ, ngành liên quan đã triển khai các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp để phục hồi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở hạ tầng như giao thông, kho bãi cũng được đầu tư sửa chữa để phục hồi chuỗi cung ứng; (iii) Điều tiết thị trường: Nhà nước đã có những biện pháp điều tiết thị trường, như điều hòa công trình thủy điện, thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở... trong thời gian tới: Nghị quyết 143/NQ-CP đã tập trung vào các giải pháp phục hồi kinh tế sau bão lũ thông qua ba trụ cột chính: (1) Thúc đẩy đầu tư công: Gia tăng đầu tư vào hạ tầng để phục vụ sản xuất và đời sống; (2) Cải thiện môi trường kinh doanh: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; (3) Đa dạng hóa nền kinh tế: Phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ: Nghị quyết 143/NQ-CP đã đề ra các giải pháp toàn diện để phục hồi sau bão lũ, bao gồm: (1) Cải cách hành chính: Đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng các quy định đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ khắc phục; (2) Huy động nguồn lực: Tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và điều tiết thị trường để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu. Các biện pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế xã hội.

Thứ sáu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Nghị quyết 143/NQ-CP đã tập trung vào các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau bão lũ, bao gồm: (1) Ổn định thị trường: Kiểm soát giá cả, chống đầu cơ và đảm bảo cung ứng hàng hóa; (2) Phục hồi sản xuất: Tập trung vào nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm; (3) Tiết kiệm và đầu tư: Tăng cường đầu tư công và tạo điều kiện cho doanh nghiệp; (4) Đổi mới: Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Các giải pháp này nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hàng triệu trái tim Việt Nam – Bài học về sức mạnh nội sinh

Qua những diễn biến phức tạp của bão Yagi và các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả tại Quảng Ninh và Hải Phòng, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Sự kiện bão Yagi không chỉ là một thảm họa tự nhiên mà còn là một bài kiểm tra toàn diện về khả năng ứng phó, sự đoàn kết và sức mạnh nội sinh của cả nước.

Trước hết, sự kiện này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng vũ trang và người dân. Chính phủ và các địa phương đã thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả trong việc ứng phó với thiên tai. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng vũ trang và sự tham gia tích cực của cộng đồng đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, giúp giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân. Việc Chính phủ kịp thời ban hành các chỉ đạo, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và người dân tích cực tham gia cứu trợ đã thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. Đồng thời, sự ứng dụng của công nghệ thông tin, truyền thông trong việc cảnh báo sớm, huy động nguồn lực và hỗ trợ người dân đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó. Việc kêu gọi tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" và sự hỗ trợ tương hỗ giữa các vùng miền đã thể hiện rõ nét sức mạnh nội sinh của đất nước.

Thứ hai, việc Quảng Ninh và Hải Phòng chủ động đề xuất nhường nguồn hỗ trợ cho các địa phương khác gặp khó khăn hơn đã thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng và khả năng tự lực, tự cường của các địa phương này. Quảng Ninh và Hải Phòng, với những hành động kịp thời, quyết liệt và nhân văn, đã không chỉ vượt qua khó khăn mà còn trở thành những tấm gương sáng về tinh thần tự lực tự cường. Khả năng ứng phó nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả của hai tỉnh này đã cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: sự lãnh đạo quyết đoán của chính quyền, sự đoàn kết, tương trợ của cộng đồng, và sự ứng dụng linh hoạt của khoa học công nghệ. đã giúp hai tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất. Hành động này không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng chống thiên tai, thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, sự huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và sự ứng dụng của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức ngày càng lớn do biến đổi khí hậu gây ra, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực dự báo và ứng phó, đồng thời tăng cường đầu tư vào các công trình hạ tầng chống chịu thiên tai.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và sự quyết tâm cao, chúng ta tin rằng Việt Nam sẽ ngày càng vững vàng trước những thử thách của thiên nhiên, xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh và bền vững. Đây là một tài sản vô giá, cần được gìn giữ và phát huy. Việc đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai là một hướng đi đúng đắn, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, bền vững.

Bão Yagi là một lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Việc giảm thiểu các hoạt động gây ra biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra được, chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng Việt Nam sẽ ngày càng vững vàng trước những thử thách của thiên nhiên, xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ: Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

- Báo 24h (15/09/2024), “Hải Phòng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng vì bão Yagi”. Truy cập tại: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/hai-phong-thiet-hai-gan-11000-ty-dong-vi-bao-yagi-c46a1602678.html

- Báo Công Thương (09/09/2024), “Quảng Ninh xin nhường 100 tỷ hỗ trợ: Phát huy tinh thần 'nhường cơm sẻ áo'”. Truy cập tại: https://congthuong.vn/quang-ninh-xin-nhuong-100-ty-ho-tro-phat-huy-tinh-than-nhuong-com-se-ao-344358.html.

- Báo Dân Trí (15/09/2024), “Quảng Ninh thiệt hại hơn 23.700 tỷ đồng do bão Yagi”. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/xa-hoi/quang-ninh-thiet-hai-hon-23700-ty-dong-do-bao-yagi-20240915160603978.html

- Báo Dân Trí (15/09/2024), “Hải Phòng thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng do bão Yagi”. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/xa-hoi/hai-phong-thiet-hai-khoang-11000-ty-dong-do-bao-yagi-20240915100052489.html

- Báo Thanh niên (08/09/2024), “Bão số 3 (Yagi) càn quét miền Bắc: Những thiệt hại nặng nề”. Truy cập tại: https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/du-lich/bao-yagi-huy-diet-nganh-du-lich-nhu-the-nao-231427.html

- Báo Thanh tra (16/09/2024), “Bão Yagi "hủy diệt" ngành Du lịch như thế nào?”. Truy cập tại: https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/du-lich/bao-yagi-huy-diet-nganh-du-lich-nhu-the-nao-231427.html

- Báo Quân đội và Nhân dân Việt Nam (10/09/2024), “Hải Phòng: Nhường 100 tỉ đồng của Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão cho các địa phương khác”. Truy cập tại: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/hai-phong-nhuong-100-ti-dong-cua-trung-uong-ho-tro-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-cho-cac-dia-phuong-khac-793495

- Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (21/09/2024), “Bộ NN-PTNT hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai tại Yên Bái”. Truy cập tại: https://mard.gov.vn/Pages/bo-nong-nghiep-va-ptnt-ho-tro-khoi-phuc-san-xuat-vung-bi-thiet-hai-do-thien-tai-tai-yen--.aspx

- Tạp chí Công Thương (03/10/2024), “Các ngân hàng có thể gia hạn nợ với khách hàng vay thiệt hại vì bão Yagi đến năm 2025”. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/cac-ngan-hang-co-the-gia-han-no-voi-khach-hang-vay-thiet-hai-vi-bao-yagi-den-nam-2025-127573.html

- Tạp chí Điện tử Mekong Asean (09/09/2024), “Ngành nông nghiệp nêu giải pháp phục hồi sản xuất sau bão Yagi”. Truy cập tại: https://mekongasean.vn/nganh-nong-nghiep-neu-giai-phap-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-yagi-33218.html

- Tạp chí Kinh tế và Dự báo (08/10/2024), “Vượt siêu bão Yagi”: Kinh tế Việt Nam vẫn dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7%”. Truy cập tại: https://kinhtevadubao.vn/vuot-sieu-bao-yagi-kinh-te-viet-nam-van-du-kien-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-tu-65-7-29971.html

- Tạp chí Tài chính (03/10/2024), “Các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 3”. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/cac-nhom-nganh-bi-anh-huong-nang-ne-nhat-do-con-bao-so-3.html

- Thời báo Ngân hàng (28/09/2024), “Các gói tín dụng hỗ trợ người dân, DN bị tác động do bão số 3 của ngành Ngân hàng lên tới 405 nghìn tỷ đồng”. Truy cập tại: https://thoibaonganhang.vn/cac-goi-tin-dung-ho-tro-nguoi-dan-dn-bi-tac-dong-do-bao-so-3-cua-nganh-ngan-hang-len-toi-405-nghin-ty-dong-156120.html

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chối viện trợ, Quảng Ninh và Hải Phòng tự đứng dậy sau bão số 3: Bài học về sức mạnh nội sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO