Vấn đề - Nhận định

Chính sách tín dụng hậu bão Yagi

TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 19/12/2024 - 17:11

Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đề xuất một số khuyến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về chính sách tín dụng hậu bão số 3 (bão Yagi) để giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi có điều kiện để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và trả được nợ cho các ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng có điều kiện để kiểm soát chất lượng tín dụng, đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Tóm tắt: Bão Yagi hay còn được biết là cơn bão số 3 trong năm 2024 và là siêu bão chưa từng thấy trong vòng mấy chục năm qua ở Việt Nam. Cơn bão này có sức tàn phá mạnh và để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh thành miền Bắc của Việt Nam. Chính phủ và các chính quyền địa phương cùng với ngành Ngân hàng cũng đã có những hành động quyết liệt và kịp thời để khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão này nhằm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đề xuất một số khuyến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về chính sách tín dụng hậu bão Yagi để giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi có điều kiện để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và trả được nợ cho các ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng có điều kiện để kiểm soát chất lượng tín dụng, đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Từ khóa: Bão Yagi; chính sách tín dụng; cơ cấu lại nợ.

Giới thiệu

Theo trung tâm phối hợp và tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Việt Nam là một quốc gia biển lớn nằm ven bờ tây Biển Đông. Trong Biển Đông, liên quan tới Việt Nam có 2 vịnh lớn là: vịnh Bắc Bộ ở phía Tây Bắc, rộng khoảng 130.000 km2; và Vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam, diện tích khoảng 293.000 km2. Đây là biển duy nhất nối liền 2 đại dương - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ gió mùa thịnh hành hướng Đông Bắc và Đông Nam. Vì thế, biển Việt Nam gánh chịu nhiều rủi ro thiên tai. Trung bình hàng năm có khoảng 8 cơn bão đổ bộ vào vùng biển và nội địa Việt Nam.

Trong một Báo cáo năm 2019 về "Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững" của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trong số 84 quốc gia ven biển, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu rủi ro cao nhất bởi biến đổi khí hậu vì những tác động đến dân số, GDP, đến khu vực đô thị và khu vực đất ngập nước. Những sự kiện thời tiết cực đoan và thiên tai gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, ước tính thiệt hại khoảng 1,5% GDP mỗi năm, chưa bao gồm chi phí các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải gián đoạn hoạt động. Một đánh giá rủi ro được thực hiện bởi Chính phủ với hỗ trợ kỹ thuật của WB ước tính, một lượng tài sản trị giá 1,3 nghìn tỷ USD ở Việt Nam đang đối mặt với rủi ro do thiên tai, nhưng chỉ có khoảng 5% trong số này có bảo hiểm.

Còn theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trong giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm trung bình khoảng 0,6% GDP của Việt Nam.

Chỉ trong hơn 1 tháng, thế giới đã trải qua tới 4 siêu bão, gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc tại nhiều quốc gia khác nhau. Sau khi bão Yagi tàn phá nhiều quốc gia châu Á, lần lượt Bebinca, John, Helene… đổ bộ vào Trung Quốc, Mexico và Mỹ. Tại Trung Âu, bão Boris cũng gây ra đợt ngập lụt “trăm năm” mới có một lần. Các chuyên gia khí hậu khắp thế giới nhận định, các hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên chính là hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nóng lên toàn cầu (Hồng Vân, 2024).

Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng, thiên tai và biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Biến đổi khí hậu không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, mà còn khiến cho các thảm họa thiên tai biến động mạnh hơn cả về không gian, thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn (Vũ Thị Nhung, 2022).

Cơ sở lý thuyết

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác (Luật Phòng, chống thiên tai 2013 của Việt Nam).

Các chuyên gia WB cho rằng, có 3 nguyên nhân quan trọng làm gia tăng rủi ro thiên tai bao gồm: tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu; quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai; sự nghèo đói và suy thoái môi trường làm gia tăng tính tổn thương.

Bão là một trạng thái nhiễu động của khí quyển mang tính biến chuyển của các tầng khí quyển và xếp vào loại hình thời tiết cực đoan. Bão là một loại hình tình trạng thời tiết xấu của thiên nhiên gây ra cho con người. Tại Việt Nam, theo khoản 7 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng thì bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 (có tốc độ 184 – 201km/h) trở lên gọi là siêu bão. Siêu bão thường rất nguy hiểm vì chúng mang theo sức gió mạnh, lượng mưa lớn và gây ra lũ lụt trên diện rộng. Trong những khu vực địa hình núi, mưa lớn từ siêu bão có thể gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. Ngoài ra, khi một siêu bão tiến vào đất liền, nó thường đi kèm với những đợt sóng biển cao, có thể gây thiệt hại đáng kể cho các cộng đồng ven biển (Hồng Vân, 2024).

Lũ quét thường xảy ra khi bão hoành hành tại một khu vực suốt nhiều giờ kèm theo mưa lớn. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NOAA) thì vùng núi rất dễ xảy ra lũ quét do không có nhiều diện tích bề mặt để nước mưa ngấm vào đất trước khi trượt nhanh xuống dốc, chảy vào sông suối, tràn xuống thung lũng và dâng lên nhanh chóng (Thu Thảo, 2024).

Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Bão lũ cũng gây ra các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, cơn bão Yagi đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng vài chục năm qua ở Việt Nam, đồng thời khiến 20/25 tỉnh thành phố ngập lụt. Gần 3,3 tỷ USD là ước tính thiệt hại sơ bộ sau bão. Ngoài ra, 334 người đã bị chết, mất tích; 1.976 người bị thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề sau thiên tai.

Cơn bão Yagi cũng làm hư hỏng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học; khiến 285.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng, 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở, 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động của bão Yagi làm giảm tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 0,75%.

Trước thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, qua tổng hợp sơ bộ nhanh đến ngày 27/9/2024 từ các tổ chức tín dụng (TCTD) và 26 chi nhánh NHNN tại các địa bàn bị ảnh hưởng, số dư nợ tín dụng của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại do cơn bão này gây ra khoảng 190.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN yêu cầu các TCTD triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định.

Nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi hậu quả của bão số 3, NHNN cũng đã ban hành thông thông tư mới về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo đó: (i) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 7/9/2024 đến ngày 31/12/2025; (ii) số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận. Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực; (iii) việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu; (iv) thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.

Một số khuyến nghị

Trước tình hình thiên tai và thời tiết cực đoan diễn biến bất thường và ngày càng khó dự báo hơn, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của thì bên cạnh những quyết sách kịp thời của Nhà nước, sự hỗ trợ giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cộng đồng quốc tế, ngành Ngân hàng cũng có những chia sẻ và hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo được dòng tiền để trả nợ cho các ngân hàng. Chính sách tín dụng phải được thiết kế đồng bộ và nhanh chóng để kịp thời hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai dịch bệnh. Sau đây là một số khuyến nghị:

Thứ nhất, các TCTD cũng cần thống kê chính xác dư nợ tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh có mua bảo hiểm để phối hợp với các công ty bảo hiểm giải quyết nhanh thủ tục bồi thường cho khách hàng và thu nợ, đồng thời, xem xét cho khách hàng được ưu tiên vay nợ mới để phục hồi sản xuất. Các tổ chức tín dụng cũng có thể nghiên cứu cơ chế yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm hoặc chia sẻ với người vay phí bảo hiểm đối với các ngành nghề kinh doanh dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Thứ hai, bên cạnh giải pháp cơ cấu lại nợ, Chính phủ và NHNN cũng nên xem xét chính sách khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, cần nhiều thời gian phục hồi thay vì cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ như trước đây. Khoanh nợ là việc cho phép người vay được tạm dừng không phải trả nợ gốc hoặc lãi cho các tổ chức tín dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Để thực hiện chính sách khoanh nợ, Chính phủ cần phải tạo ra cơ chế để xử lý trong trường trong trường hợp hết thời gian khoanh nợ mà người vay vẫn không thể trả nợ cho các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần áp dụng chính sách miễn giảm thuế theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc Hội miễn giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh cũng như các TCTD bị ảnh hưởng để giảm bớt thiệt hại cho các TCTD, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Khắc Hiếu (2017), Phân tích tác động của thiên tai đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam, UEH.

Nguyễn Khắc Hiếu & Nguyễn Hoàng Bảo (2018), Tác động của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình VAR, Tạp chí phát triển kinh tế.

Duy Hưng (2021), Rủi ro thiên tai đe dọa kinh tế khu vực ven biển Việt Nam, Tạp chí con số và sự kiện.

Lương Thị Quỳnh Mai (2016), Phát triển bền vững: Mối liên kết giữa biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, Tạp chí tài chính.

Vũ Thị Nhung (2022), Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí môi trường và xây dựng.

Nguyễn Phan Yến Phương (2024), Ảnh hưởng rủi ro biến đổi khí hậu tại Việt Nam đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ.

Phạm Tất Thắng (2017), Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế, Tạp chí cộng sản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tín dụng hậu bão Yagi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO