Với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, UOB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024.
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2024, vừa được Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB công bố. Báo cáo đánh giá, GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong quý I/2024, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và vượt xa mức tăng 3,41% trong quý I/2023.
UOB đánh giá đây là kết quả quý I tốt nhất kể từ năm 2020 đến năm 2023. Kết quả khả quan vào đầu năm 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau một năm 2023 đầy thử thách.
Triển vọng vẫn tích cực trong năm 2024
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực trong quý I/2024 được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ các ngành có tỷ trọng lớn như công nghiệp và xây dựng, tăng 6,28% so với cùng kỳ và dịch vụ tăng 6,12%, trong khi sản lượng của ngành nông nghiệp tăng 2,98% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực này lần lượt chiếm 41,68%, 52,23% và 6,09% trong mức tăng trưởng chung trong quý I/2024, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình khuyến khích du lịch, đồng thời kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực ghi nhận một xu hướng đi lên.
Áp lực lạm phát đã giảm bớt, CPI lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp, khi đã giảm từ mức 3,19% trong quý IV/2023 xuống 2,81% trong quý I/2024.
Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát trong quý I/2024 được thúc đẩy bởi mức tăng CPI chung trong tháng 2 và tháng 3, tăng gần 4% so với cùng kỳ trong hai tháng đó, so với tốc độ trung bình là 3,3% vào năm 2023. Những nguyên nhân chính trong quý là chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao (5,4% so với cùng kỳ), giáo dục (9,0%) và chi phí y tế (6,5% so với cùng kỳ). UOB cho rằng, nếu giá năng lượng tiếp tục ở mức cao, điều đó có thể tạo thêm áp lực tăng giá chung.
Một yếu tố khác có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5,88% vào tháng 7/2022.
Theo UOB, một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 là hoạt động ngoại thương, với cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm như điện tử và điện thoại. Doanh số ngành bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023 cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong các quý tới.
Trong quý I/2024, cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mạnh mẽ, với DI đăng ký đạt 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ so với mức 5,4 tỷ USD trong quý I/2023. Như trong quý I/2023, lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm phần lớn đầu tư trong quý I/2024 với 64% thị phần, tiếp theo là bất động sản (32%) và bán buôn & bán lẻ (3%).
Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam lên tới 4,6 tỷ USD trong quý I/2024, cao hơn 6% so với cùng kỳ so với 4,3 tỷ USD trong quý I/2023. Dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.
Những dữ liệu FDI này cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong những quý tới, bao gồm cả tăng trưởng việc làm và xây dựng.
“Với kết quả hoạt động trong quý I/2024 đạt được như kỳ vọng của chúng tôi và là sự khởi đầu tích cực cho năm nay, chúng tôi dự báo triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu”, các chuyên giá UOB nhận định.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trong năm nay. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính Phủ là 6,0-6,5%.
Lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại
Trong báo cáo, các chuyên gia UOB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.
“Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn”, UOB nhận định và dự báo: “Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%”.
Một lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khá mờ nhạt vào đầu năm 2024, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25/3, giảm mạnh so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.
Theo UOB, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Một yếu tố là do số lượng doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2023. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2023 (dữ liệu mới nhất có được), số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 60.200, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có thêm 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng lần lượt 28,9% và 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng trong nửa đầu năm 2023, có 16.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đồng thời, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã khiến số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sụt giảm 7,7%, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này giảm 45% vào năm 2023.
Tuy nhiên, sẽ có thêm công cụ để NHNN triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần đẩy nhanh dòng vốn ra nền kinh tế.