(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tham gia Tọa đàm Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho rằng năm 2021 nếu có giải pháp đúng hướng và thực thi hiệu quả, thị trường sẽ có bước tiến.
|
Nhiều cơ hội tăng trưởng
Sau sự bứt phát năm 2020, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Lượng nhà đầu tư tham gia thị trường đã tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư mới, số lượng tài khoản tăng mạnh lên tới 2,8 triệu, tương đương gần 3% dân số Việt Nam. Chỉ số VN-Index sau khi chạm mốc 1.200 điểm đang có sự trồi sụt khó dự báo.
Đánh giá thị trường năm 2021, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) nhìn nhận triển vọng thị trường là khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng, được hỗ trợ tích cực từ một số yếu tố. Về vĩ mô, kinh tế Việt Nam được đánh giá có cơ hội phục hồi nhanh, hành lang pháp lý dần hoàn thiện, chuẩn hóa. Nội tại doanh nghiệp niêm yết tương đối tốt.
Bà Tạ Thanh Bình cho biết, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi, lợi nhuận sau thuế của các công ty đại chúng quy mô lớn, công ty niêm yết tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội và bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn.
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng năm 2021, dù chịu tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước nhưng thị trường vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020. Nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế là khá lớn trong khi nguồn vốn ngân hàng tập trung vào các dòng vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Những thách thức
Dù vậy, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận có nhiều thách thức đặt ra cho thị trường chứng khoán. Câu chuyện trước mắt là vấn đề nghẽn lệnh. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các nhà đầu tư đã làm cho sàn giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh thường xuyên bị quá tải, nghẽn lệnh, gây bức xúc cho nhà đầu tư. TS. Nguyễn Sơn cho rằng hệ thống công nghệ thông tin nghẽn lệnh, chậm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mới làm cản trở sự tăng trưởng của thị trường.
Bà Tạ Thanh Bình cho biết UBCK sẽ xử lý triệt để vấn đề, đảm bảo vận hành thị trường thông suốt, trật tự và ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư. UBCK phối hợp với Tập đoàn FPT trong việc triển khai áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới từ Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho toàn bộ thị trường chứng khoán.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, phân tích 4 hạn chế, thách thức chính đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Theo TS. Cấn Văn Lực, đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro bởi diễn biến dịch COVI-19 khó lường, từ đó thách thức đà tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán. Nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng, sức ép cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu… Quy mô, sức cạnh tranh của thị trường chứng khoán còn thấp so với khu vực trong khi xu hướng phát triển tài chính xanh, chứng khoán xanh đang tạo áp lực…
Giải pháp để phát triển nhanh, bền vững
Chia sẻ về các giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình cho biết, UBCK đề ra một số mục tiêu và giải pháp trọng tâm như tập trung vào công tác phổ biến pháp luật, đưa các quy định chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
Trong năm 2021, UBCK dự kiến giới thiệu thêm các sản phẩm giao dịch mới như hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm, nghiên cứu các sản phẩm hợp đồng tương lai trên các chỉ số cổ phiếu mới, các chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu xanh, số hóa các tài sản tài chính, áp dụng công nghệ tài chính mới.
UBCK tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách để sớm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường thông qua tăng quy mô đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài từ việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh…
TS. Nguyễn Sơn nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa, tăng tính thanh khoản và tăng nguồn cung cho thị trường.
Ở góc độ chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán. Việt Nam cần những bước tiến mạnh mẽ hơn về thể chế, công nghệ, nguồn nhân lực, mức độ chuyên nghiệp, minh bạch, khả năng chống chịu, ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Với giải pháp đúng hướng và thực thi hiệu quả, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững hơn về cả quy mô, thanh khoản, chất lượng và trở thành kênh huy động vốn, đầu tư quan trọng của nền kinh tế.