Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục mua ngoại tệ khi có điều kiện, và "các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", lãnh đạo NHNN khẳng định.
Gia tăng "bộ đệm"
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động, nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Ngân hàng UOB nhận định đồng VND là một trong những đồng tiền nổi bật, ổn định nhất châu Á, bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ. Tính đến ngày 14/4/2023, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng ở mức 23.446 đồng/USD - dưới cả mức giá mua vào (23.450 đồng/USD) của Sở Giao dịch NHNN cho thấy, thị trường ngoại hối đang có những chuyển động khá tích cực.
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài dịu bớt là những yếu tố giúp cho tỷ giá ổn định trong một thế giới bất định. Ở bên ngoài, lạm phát dù còn dai dẳng nhưng áp lực tăng cũng đã giảm. Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với các đồng tiền của một số quốc gia phát triển khác, cũng đã giảm mạnh sau khi Fed đưa ra thông điệp mang tính bớt “diều hâu” về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lo ngại về sự khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong nước, lạm phát trong tầm kiểm soát; thanh khoản được cải thiện rõ rệt nhờ nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong thời gian qua đến từ dòng vốn FDI giải ngân, sự phục hồi của lĩnh vực du lịch sau đại dịch, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư... Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay dòng ngoại tệ đến từ các thương vụ bán vốn, giải ngân các khoản vay ngoại tệ diễn ra khá tích cực, như Vietcombank, SHB, SeABank… lần lượt ký loạt hợp đồng tín dụng quốc tế. Riêng VPBank hoàn tất thương vụ bán vốn lên tới khoảng 1,5 tỷ USD cho đối tác ngoại…
Diễn biến trên cũng đã tạo thuận lợi cho nhà điều hành mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. "Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt, trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tiệm cận về mức giá mua trên Sở giao dịch kích hoạt hoạt động mua ngoại tệ từ NHNN", Công ty chứng khoán SSI nhận định. Thực tế, chia sẻ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý I/2023, NHNN đã điều tiết mua vào 4 tỷ USD.
Việc NHNN đang tiếp tục mua vào ngoại tệ để củng cố Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng. "Gia tăng dự trữ ngoại hối giúp cho NHNN có nhiều dư địa trong điều hành chính sách linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài... Nhất là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, việc có "bộ đệm" dày dặn hơn giúp NHNN chủ động, mạnh tay hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết", một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định.
Sẵn sàng cung ứng ngoại tệ, ổn định tỷ giá
Dự báo diễn biến tỷ giá giai đoạn sắp tới, nhóm phân tích của Ngân hàng UOB đánh giá, tiền đồng vẫn có khả năng giữ ổn định dù NHNN đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành, nhờ vào sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm. Còn theo kết quả dự báo tháng 4 của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng sẽ ổn định quanh mức 23.476 VND/USD, trong khi con số bình quân của tháng 3 là 23.592 VND/USD.
Dù đang thuận lợi, nhưng thực tế, công tác điều hành chính sách tỷ giá vẫn còn thách thức phía trước. Đơn cử, đó là kỳ tăng lãi suất tiếp theo của Fed trong tháng 5 tới. Áp lực lạm phát dù đã giảm nhưng không thể chủ quan, bởi lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý I; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn được dự báo sẽ còn tăng thêm lãi suất và khi dừng tăng, vẫn sẽ neo giữ lãi suất ở mức cao. Đây sẽ là rào cản cho nỗ lực giữ ổn định tỷ giá vào cuối năm, chưa tính đến những biến động rủi ro mang tính toàn cầu không thể lường trước, cũng như những bài toán nội tại trong nền kinh tế Việt Nam như tiền đâu để đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2023 điều hành tỷ giá không phải là bài toán đau đầu của NHNN mà là bài toán hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, TS. Huân lưu ý, thời gian tới, điều hành chính sách nhất là lãi suất nên thận trọng hơn. Bởi trong vòng 1 tháng qua, NHNN đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu giảm lãi suất mạnh, dòng vốn ngoại rất dễ đảo chiều, lại gây khó khăn cho tỷ giá.
"Hiện tại, khá nhiều kiều bào ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư vì lãi suất trong nước đang tương đối ổn định. Ngoài ra, giá cả các loại hàng hóa đang ở mức rẻ như bất động sản, cổ phiếu... Do đó, nếu điều chỉnh giảm lãi suất nhanh quá, người đầu tư họ không thấy có lợi nhiều sẽ rút vốn đầu tư", TS. Huân chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong điều kiện dư địa dù đỡ eo hẹp hơn, nhưng điều hành chính sách tiền tệ bên cạnh sự linh hoạt vẫn cần thận trọng. Theo đó, NHNN chưa nên thay đổi điều hành chính sách tỷ giá, mà tiếp tục duy trì như hiện tại. Với diễn biến hiện tại cùng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, TS. Võ Trí Thành dự báo, tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.
Cũng kỳ vọng sự ổn định của tỷ giá kéo dài đến cuối năm, theo tính toán của VIRA, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bình quân cả năm 2023 sẽ ở mức khoảng 23.626 VND/USD. Thậm chí, theo báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu Ngân hàng Maybank về Việt Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên dự báo tỷ giá USD/VND năm 2023 sẽ "hạ nhiệt" về 22.900 đồng vào cuối năm 2023 và về mức 22.700 đồng trong năm 2024.
Ở góc độ cơ quan điều hành, lãnh đạo NHNN cho biết, mục tiêu cuối năm vẫn là ổn định giá trị đồng tiền. NHNN sẽ tiếp tục mua ngoại tệ khi có điều kiện, và "các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", lãnh đạo NHNN khẳng định.