(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ đầu năm đến nay, hàng loạt Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới đã tăng lãi suất chính sách để đối phó với lạm phát cao kỷ lục và có vẻ vẫn đang khó giảm về mức mục tiêu trong ngắn hạn. Trái ngược với xu hướng trên, giới chuyên môn dự báo lãi suất chính sách tại Việt Nam được dự báo sẽ khó tăng trong năm nay vì lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Nhận định trên vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) đưa ra trong báo cáo Tổng hợp kinh tế - tài chính tuần từ ngày 18 – 22/7/2022.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), MSB Research cho biết, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 - khi đó lạm phát lên tới 9,2%. Thực tế ở tất cả các quốc gia đặt mục tiêu lạm phát (nghĩa là tại gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển), lạm phát thực tế đều đã cao hơn mục tiêu. Trong đó, tính đến tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tại nước Anh tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; CPI tại Mỹ tăng 9,1%, Eurozone tăng 8,6%, Áo tăng 8,5%, Italy tăng 8,0%...
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có 5 nguyên nhân chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay, đó là:
Đầu tiên, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch;
Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa;
Thứ ba, mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển);
Thứ tư, thiếu hụt lao động: sự tham gia của lực lượng lao động ở một số quốc gia vẫn còn dưới mức trước đại dịch;
Cuối cùng, xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm: Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường này.
“Tất cả các yếu tố này tạo ra rủi ro đáng kể là lạm phát sẽ tiếp tục tăng và kéo dài hơn dự báo hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn”, IMF dự báo.
Báo cáo của MSB Research cũng chỉ ra 3 yếu tố cho thấy các nước giàu khó có thể sớm trở lại mức lạm phát thấp trước đại dịch, đó là:
Yếu tố thứ nhất, sức ép tăng lương, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và kỳ vọng lạm phát của doanh nghiệp tăng. Người lao động mặc cả để được trả lương cao hơn khi lạm phát tăng cao. Điều này có thể tạo ra một đợt tăng giá khác, khi các công ty cộng thêm các chi phí này vào giá hàng hóa, dịch vụ.
Yếu tố thứ hai, tăng trưởng tiền lương nhanh hơn một phần phản ánh dự báo của người tiêu dùng đối với lạm phát trong tương lai.
Yếu tố thứ ba liên quan đến dự báo của doanh nghiệp. Đơn cử, kỳ vọng lạm phát của các nhà bán lẻ đang ở mức kỷ lục tại 1/3 quốc gia châu Âu.
Về dự báo lạm phát, trong dự báo mới nhất của mình, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm từ 5,2% cuối năm nay xuống 2,6% cuối năm tới.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết, lạm phát có thể duy trì trên 9% trong vài tháng tới, trước khi chạm đỉnh trên 11% trong tháng 10/2022.
Chính phủ Đức dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 6,1%, do giá dầu, than và khí đốt tăng mạnh dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm về gần mức bình thường trong năm tới…
Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã lần lượt chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong đại dịch COVID-19 sang chính sách thắt chặt thông qua tăng lãi suất chính sách và dừng các chương trình mua trái phiếu. Theo thông báo của IMF, có tới trên 70 NHTW đã điều chỉnh chính sách tiền tệ. Điển hình là Fed đã tăng lãi suất cơ sở từ mức gần 0% lên mức 1,5 - 1,75% và được kỳ vọng sẽ tăng tiếp lên mức từ 2,25 – 2,5% trong cuộc họp diễn ra vào giữa tuần này.
Trong bốn cuộc họp còn lại trong năm nay, Fed dự kiến nâng lãi suất lên mức từ 3,25% - 3,5%, cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Fed khẳng định mạnh mẽ lập trường sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% và mức tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động có thể sẽ bị kìm hãm trong ngắn hạn.
Cuối tuần vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã bất ngờ tăng 50 điểm cơ bản đối với tất cả các loại lai suất cơ sở của cơ quan này. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 0,0% lên 0,50%; lãi suất cho vay cận biên tăng từ 0,25% lên 0,75% và lãi suất tiền gửi tăng từ -0,5% lên 0,0%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011.
Trước đó, BOE là NHTW lớn đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021 và liên tục tăng lãi suất kể từ đó từ mức 0,1% lên đến mức 1,25% hiện nay.
MSB Research cho rằng, việc hàng loạt NHTW trên thế giới cùng nâng lãi suất sẽ gây ra nhiều tác động tới kinh tế và thị trường tài chính thế giới. Thị trường có nguy cơ rối loạn hơn khi thời đại của lãi suất thấp kết thúc. Các quốc gia và công ty sẽ phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi với việc dòng vốn chuyển hướng, sự thay đổi của dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến khả năng các quốc gia và doanh nghiệp bán được trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn.
Còn với thị trường tài chính, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm trong dài hạn. Vì người gửi tiết kiệm có thể nhận được tiền lời cao hơn cho các khoản đầu tư ít rủi ro hơn như trái phiếu chính phủ.
Các tổ chức quốc tế dự báo một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi người tiêu dùng và các công ty giảm chi tiêu. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6/2022 vừa qua, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại mạnh trong năm nay nhưng vẫn ở mức tích cực. Tuy nhiên, WB cảnh báo vẫn có nguy cơ đáng kể về tình trạng tăng trưởng đình trệ và lạm phát vẫn ở mức cao.
Trái ngược với “làn sóng” tăng lãi suất của các NHTW thế giới, trong báo cáo mới đây của VinaCapital, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định, khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay.
Nhận định trên được đưa ra dự trên cơ sở lạm phát tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp so với thế giới. Cụ thể, trái với làn sóng lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu, VinaCapital cho rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn, chỉ 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6/2022. Mức lạm phát khiêm tốn này cung đã hỗ trợ một phần cho giá trị của đồng VND, vốn đã mất giá chỉ 3% so với đầu năm, trong khi giá trị của đồng Đô la Mỹ tăng 13% - dựa trên chỉ số DXY.
“Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có khả năng duy trì tốt trong phạm vi nhắm đến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lạm phát trung bình của năm không vượt quá 4%) - nên rất khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay - trái ngược với tất cả thị trường mới nổi trong khu vực đều đang tăng lãi suất”, ông Michael Kokalari dự báo.