Hoạt động ngân hàng

Vốn ngân hàng “tiếp sức” sản phẩm OCOP trên địa bàn An Giang

ThS. Trần Trọng Triết 14/02/2025 14:15

Nhằm “tiếp sức” cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) ở An Giang, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn để triển khai chương trình. Từ nguồn vốn vay, nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển nhiều sản phẩm OCOP chất lượng.

khach-hang-mua-san-pham-ocop-an-giang-tai-hoi-cho-ocop..jpg
Vốn ngân hàng “tiếp sức” sản phẩm O.COP trên địa bàn An Giang. Nguồn: Internet

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản xuất từ khâu tuyên truyền, quảng bá, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm đến mở rộng vùng nguyên liệu... Nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã mở rộng quy mô, phát triển các kênh tiêu thụ, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Các chủ thể OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm ổn định cho lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Qua đó, đã có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao, góp phần đưa sản phẩm OCOP An Giang phát triển bền vững.

Trên thực tế tại An Giang, chương trình OCOP đã giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Các sản phẩm tham gia chương trình được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.

Trong năm qua, toàn tỉnh An Giang đã có 165 sản phẩm được đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên (2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 146 sản phẩm 3 sao); của 115 chủ thể kinh tế (10 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 26 doanh nghiệp, 77 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

Trong 165 sản phẩm được đánh giá, có 144 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên của 102 chủ thể kinh tế (8 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 23 doanh nghiệp, 69 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh). Còn lại 21 sản phẩm hết thời hạn công nhận 36 tháng và đang thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lại theo quy định mới của Trung ương.

Cùng với đó, các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm; công tác giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ đến các thị trường trong, ngoài tỉnh và các kênh thương mại điện tử.

Với sự “tiếp sức” từ nhiều phía, các chủ thể trên địa bàn An Giang có điều kiện đầu tư phát triển mạnh sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế nông thôn.

Đáng chú ý, “tiếp sức” cho các sản phẩm OCOP ở An Giang, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn đạt dư nợ tín dụng 1.500 tỷ đồng để triển khai chương trình. Từ nguồn vốn vay, nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển nhiều sản phẩm OCOP chất lượng. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững. Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù của các địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy ngành nghề nông thôn, nhằm phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.

Đặc biệt là tiềm năng lợi thế phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn, xây dựng và thực hiện các giải pháp đặc thù đối với vùng khó khăn, đồng bào dân tộc; gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, quảng bá sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, An Giang phấn đấu có thêm 170 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên (trong đó phấn đấu có 11 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia) nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 220 sản phẩm.

OCOP là chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Nhằm tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định chất lượng nông nghiệp, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP An Giang vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước; ngành Ngân hàng An Giang tiếp tục thúc đẩy cho vay chương trình OCOP tăng trưởng dư nợ tín dụng để chủ thể OCOP có nguồn tài chính đầu tư thiết bị đổi mới sáng tạo sản phẩm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn ngân hàng “tiếp sức” sản phẩm OCOP trên địa bàn An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO