Tin Hiệp hội Ngân hàng

Xây dựng Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo

Minh Ngọc 03/07/2024 18:30

Ngày 3/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Xây dựng Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo”.

z5598450196546_85abe271b065f1a6b2ec97b16810e337.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

Về phía VNBA, có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; cùng đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên.

Về phía Bộ Công an, có: Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).

Về phía NAPAS có: ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc.

z5598450196658_ef66fc5a7b681c44bc36d0d61253d08c.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng đã và đang mang đến những trải nghiệm và tiện ích hết sức thuận lợi, được người dân ủng hộ và hào hứng tham gia. Tuy nhiên, lợi dụng chuyển đổi số, cũng như nhu cầu trải nghiệm của người dân, kẻ gian đã thực hiện hành vi giả mạo, gian lận, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản/thẻ, luân chuyển dòng tiền tới mức báo động.

Trước tình trạng đó, với mục tiêu “khách hàng của ngân hàng là khách hàng của cả hệ thống”, VNBA đã làm việc với các ngân hàng, TCTD nhằm rà soát quy trình, báo cáo hàng quý về các vấn đề liên quan đến gian lận, giả mạo tài khoản và cảnh báo hành vi lừa đảo rộng rãi tới người dân.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phòng, chống gian lận, giả mạo tài khoản ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các TCTD cần tăng cường trao đổi, phối hợp, hỗ trợ nhau trong xây dựng Quy trình phối hợp xử lý tài khoản trong gian lận, lừa đảo, giả mạo, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật và thống nhất quy trình.

"Hiệp hội ngân hàng Việt Nam mong muốn các TCTD tham gia đóng góp ý kiến một cách đầy đủ, trách nhiệm. Các quy trình đưa ra cần tuân theo quy định của pháp luật và NAPAS sẽ là đầu mối tiếp nhận, xử lý", ông Nguyễn Quốc Hùng.

z5598450196483_8fcf6f426564a258319ad0246644e5d7.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết, chủ đề bảo vệ khách hàng và mạng lưới hệ thống ngân hàng an toàn đang rất được quan tâm. Mỗi ngày hệ thống của NAPAS xử lý 25 triệu giao dịch, tuy nhiên, bên cạnh những giao dịch an toàn thì hệ thống vẫn phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Tội phạm đã lợi dụng mạng lưới thanh toán của các ngân hàng, cũng như của NAPAS để thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo.

Ông Nguyễn Quang Hưng cho rằng, câu chuyện giả mạo luôn song hành cùng thanh toán. Do đó, việc phối hợp với A05 trong truy vết dòng tiền là rất quan trọng, đặc biệt từ ngày 1/7, các ngân hàng đã triển khai sinh trắc học đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ và tin tưởng: “Với quy trình này, chúng ta sẽ đáp ứng thanh toán an toàn hơn, phục vụ tốt nhất cho người dân”.

z5598450196652_7a91bb415d58e7b23877fa0e1502d606.jpg
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT, phát biểu tại hội thảo

Trình bày về dự thảo “Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo”, bà Lê Hồng Nhung, chuyên gia NAPAS, cho biết, mục tiêu của quy trình nhằm xây dựng các quy định về cách thức phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng trong công tác xử lý các yêu cầu hỗ trợ có liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo của khách hàng. Đồng thời loại trừ, hạn chế được các tài khoản sử dụng cho mục đích lừa đảo khỏi hệ thống, ngăn chặn rủi ro gian lận lừa đảo cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ do NAPAS cung cấp. Thông qua việc kiểm tra và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, tăng khả năng thu hồi, giảm bớt tổn thất cho chủ tài khoản khi cơ quan công an vào cuộc điều tra và xử lý.

Dự thảo nêu rõ quy trình phối hợp xử lý; trách nhiệm của các bên như tổ chức yêu cầu, tổ chức nhận yêu cầu và trách nhiệm của NAPAS; giải quyết hồ sơ chứng từ cũng như cơ sở pháp lý về Quyết định liên quan áp dụng ngăn chặn tài khoản và Quyết định để ngân hàng thỏa thuận, bổ sung áp dụng ngăn chặn tài khoản và chia sẻ thông tin.

Bà Nhung cũng thông tin, trong quá trình xây dựng dự thảo, NAPAS đã khảo sát ý kiến của 69 ngân hàng đối với bản dự thảo, trong đó, có 48/69 ngân hàng đồng thuận với nội dung quy trình, 21/69 ngân hàng vẫn tiếp tục gửi ý kiến về cơ sở pháp lý, vướng mắc khi làm việc với cơ quan công an, cơ chế phối hợp xử lý 24/7 và tiêu chí nhận diện giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo.

Sau khi lắng nghe trình bày dự thảo, ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ sự hoan nghênh về nội dung mà VNBA và NAPAS tổ chức hôm nay, đó là xây dựng một quy trình đồng thuận giữa các thành viên trong việc xử lý tra soát khiếu nại, vướng mắc liên quan đến lừa đảo, gian lận. Đây là vấn đề “nhức nhối” và NHNN hết sức đồng cảm với các ngân hàng.

Thời gian qua, NHNN đã ký ban hành 3 Thông tư và có hiệu lực từ ngày 1/7, đó là: Thông tư số 15/2024/TT-NHNN quy định cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Như vậy, về cơ sở pháp lý, NHNN đã có những quy định hết sức chặt chẽ trong các Thông tư này, đặc biệt là thời gian hiệu lực của giấy tờ nhằm làm sạch hơn cơ sở dữ liệu.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, mục tiêu năm 2025, NHNN sẽ xây dựng quản lý toàn bộ hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... trong toàn quốc. Qua đó, NHNN sẽ cung cấp đánh giá tổng thể về từng tài khoản cho các TCTD theo trạng thái có vấn đề hoặc chưa có vấn đề, nhằm hỗ trợ các TCTD làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo.

z5598938610654_6607ea6665fedbf56cbfafc4f9e61694.jpg
Hội thảo “Xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo”

Đánh giá về tình hình gian lận, lừa đảo qua tài khoản thẻ hiện nay, đại diện A05 cho biết, lừa đảo qua mạng là vấn đề vô cùng "nhức nhối", chỉ có triển khai, phối hợp liên ngành mới giải quyết được vấn nạn này.

Đại diện A05 đánh giá cao vai trò của Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo. Đồng thời đề xuất các TCTD cần làm rõ quy định về biện pháp ngăn chặn, quy trình xử lý chung, cơ sở pháp lý để phối hợp cùng thực hiện.

Trong phiên thảo luận, các TCTD đã có những trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung như: Xây dựng cơ sở dữ liệu chung, các vấn đề liên quan tới bộ tiêu chí, cơ chế nội bộ giữa các ngân hàng, các biện pháp xử lý, phong tỏa tài khoản, các thỏa thuận liên quan giải quyết với khách hàng…

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao trách nhiệm của NAPAS, cũng như những ý kiến đóng góp của các TCTD trong việc xây dựng Quy trình phối kết hợp xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho rằng, các TCTD cần thống nhất quy trình, có trách nhiệm chung và cùng vận động thực hiện quy trình nhằm hạn chế rủi ro trong công tác phòng chống tội phạm. Đồng thời, bày tỏ lòng cảm ơn với những chia sẻ, giải đáp vướng mắc của NHNN, Bộ Công an và NAPAS, cũng như sự phối hợp chặt chẽ và tham gia đóng góp nhiệt tình vào dự thảo để hoàn thiện việc xây dựng quy trình, quy định trước khi triển khai trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO