Tỷ trọng tôm chế biến bảo quản xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU đang có xu hướng tăng và trội hơn so với tôm nguyên liệu, cho thấy tôm Việt Nam đang phát huy được thế mạnh của mình và đang có hướng đi đúng.
Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới
Hiện nay 5 nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới lần lượt là: Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia; những quốc gia này chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu vào năm 2023 (ước khoảng 4,1 triệu tấn). Các nhà sản xuất quan trọng khác ở châu Á bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar và các nước khác đóng góp khoảng 840.000 tấn. Dự báo năm 2024 sẽ tăng khoảng 4,8%. Sản lượng tôm của hai nước lớn là Ecuador và Ấn Độ vẫn dư thừa để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong năm 2024.
Năm 2023, nhập khẩu tôm vào Trung Quốc vượt 1 triệu tấn, trong đó Ecuador chiếm 70%, tương đương 697.102 tấn, tăng 23% so với năm trước đó. Xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ trong năm 2023 tăng mạnh so với các năm trước đó.
Năm 2022, thị trường tôm Mỹ đã đạt điểm bão hòa nhưng năm 2023 xuất khẩu tôm Ecuador vào Mỹ vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi giá bán trung bình giảm mạnh.
Những tháng đầu năm 2024, trước khó khăn ở thị trường Mỹ, Ecuador tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản. Để phát triển thị trường tôm tại đây, nước này đã trở lại tham gia các triển lãm thương mại như FOODEX và hợp tác với Mitsui & Co. Seafoods của Nhật Bản. Công ty này cho biết sẽ tập trung vào việc bán tôm Ecuador trong thị trường nội địa Nhật Bản.
Năm 2023, Mỹ nhập khẩu hơn 463 triệu pound tôm thịt từ Ấn Độ, trị giá khoảng 1,6 tỷ USD. Nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm 56% tổng khối lượng nhập khẩu tôm thịt của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Trong đó, Mỹ chiếm từ 26-30% giá trị nhập khẩu tôm, Trung Quốc chiếm từ 16-22%. Hiện 2 thị trường này đang phải “gánh” phần lớn số tôm dư thừa của các nước sản xuất lớn, nhất là Ấn Độ và Ecuador, gây ra cạnh tranh dữ dội không chỉ giữa các nước xuất khẩu tôm và cả với các nhà sản xuất và kinh doanh tôm nội địa.
Phản ứng của Mỹ và Trung Quốc đối với các nguồn cung tôm chính Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam
Trước tình hình này, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái phản ứng nhằm bảo hộ ngành tôm nội địa, siết chặt nhập khẩu. Cụ thể, Mỹ có động thái điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) từ các nguồn cung tôm chính là Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và đã công bố thuế CVD sơ bộ đối với tôm của 3 nước.
Ngày 25/3, SSA - cơ quan đại diện cho ngành tôm nội địa Hoa Kỳ, gửi thư đến Cục Lao động Quốc tế của Bộ Lao động Hoa Kỳ, yêu cầu đưa tôm Ấn Độ vào Danh sách năm 2024 của Bộ Lao động Hoa Kỳ gồm các sản phẩm được sản xuất bởi lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức.
Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ecuador – cũng cảnh báo và tăng cường kiểm soát ATTP đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador. Tháng đầu năm nay, tôm Ecuador bị “soi” tại Trung Quốc sau khi blogger Wang Hai - vốn được mệnh danh là chuyên gia chống hàng giả, đã “vạch trần” tôm Ecuador được bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
Mô hình nuôi và xuất khẩu tôm sú và tôm lúa có thể là một hướng tốt trong bối cảnh hiện nay
TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT FIMEX VN cho biết, kết quả hoạt động ngành tôm trong quý I/2024 tuy có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên được điều gì trong bối cảnh chung đầy bất trắc như nêu trên. Tất cả đều trông chờ vào thiện chí của việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm an toàn và bền vững hơn.
“Thật ra thiện chí đã có nhưng khó khăn khách quan lại quá lớn. Vậy ngoài thiện chí, các bên liên quan không thể chần chừ, không ỷ lại, mà phải nhanh chóng tự cứu mình, phải thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ hơn bao giờ hết để cùng nhau vượt qua khúc quanh đầy cam go này”, ông Lực nói.
Theo bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường ngành Tôm VASEP, tỷ trọng tôm chế biến bảo quản xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU đang có xu hướng tăng và trội hơn so với tôm nguyên liệu, cho thấy tôm Việt Nam đang phát huy được thế mạnh của mình và đang có hướng đi đúng. Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm chế biến sâu để thu về giá trị tốt hơn, chấp nhận xuất khẩu sản lượng thấp nhưng giảm được nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Mỹ.
Từ đầu năm 2023, nhiều bà con đã chuyển từ nuôi tôm thẻ sang nuôi sú hoặc nuôi cả tôm thẻ và sú, đặc biệt đầu tư hơn cho mô hình nuôi và xuất khẩu tôm sú và tôm lúa cũng có thể là một hướng tốt trong bối cảnh hiện nay.
“Đầu tư cho mô hình nuôi và xuất khẩu tôm sú và tôm lúa có thể là một hướng tốt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, phân khúc nào cũng sẽ có cạnh tranh. Do vậy, tôm sú hay tôm lúa thì cũng cần đầu tư về chất lượng để thể hiện được sự nổi trội và thế mạnh của tôm Việt: Size cỡ lớn, màu tôm đẹp mắt, thịt tôm ngon, chắc… để thu hút khách hàng”, bà Thu nói.