Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Chiến| 16/07/2019 14:19
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích một số kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua cũng như các tác động lan tỏa của vốn FDI, nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả FDI trong bối cảnh thực thi CPTPP.

Ngày nhận bài: 27/3/2019 - Ngày biên tập: 27/3/2019 - Ngày duyệt đăng: 22/4/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2019.

Tóm tắt:

Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn thông qua việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có 11 quốc gia thành viên. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng đầu tư trong nước.

Từ khóa: đầu tư nước ngoài, CPTPP, môi trường đầu tư

The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership and Foreign Direct Investment ATTRACTION in Vietnam

Abstract: On November 12th 2018, the Vietnamese National Assembly ratified joining the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), which has 11 members. Regarding investment attraction, commitments in CPTPP are expected to have positive effects in improving investment environment, attracting foreign investment and expanding domestic investment. The article analyzes some results of FDI attaction in Viet Nam during the past time as well as the spillover effects of FDI capital, raises several measures to increase FDI efficiency in the context of CPTPP implementation.

Keywords: foreign investment, CPTPP, investment environment

CPTPP và tác động đến FDI tại Việt Nam

Kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, Việt Nam đã từng bước thu hút các dòng vốn quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, giúp cho các doanh nghiệp FDI và nội địa thuận lợi trong đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việt Nam đã cùng ASEAN đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTAs) của ASEAN với các đối tác kinh tế lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; FTAs song phương với một số đối tác tiềm năng với Chile, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á- Âu.

Năm 2008, Việt Nam bắt đầu quan tâm tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (còn gọi là TPP) và bắt đầu đàm phán (TPP), được coi là một hiệp định thương mại tiến bộ nhất của thế kỷ 21 với nhiều tiêu chuẩn cao trong quan hệ thương mại quốc tế và kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các thành viên. Tuy nhiên, năm 2016, Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi TPP, khi đó 11 thành viên còn lại tiếp tục theo đuổi TPP theo phiên bản mới không có Hoa Kỳ, được đặt tên là CPTPP - Hiệp định toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 tại 6 nước Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Canada và Australia và có hiệu lực vào ngày 14/1/2019 với Việt Nam.

Là thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cải cách về luật pháp để mở cửa đầu tư, cải cách vấn đề lao động và công đoàn, về bảo vệ, bảo hộ bản quyền, về minh bạch, giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư, nhưng bù lại, lợi ích về tăng trưởng và xuất khẩu được dự đoán là rất to lớn.

Tham gia vào CPTPP dự tính mang lại cho Việt Nam 1,51% GDP cho tới năm 2030 khi không có Mỹ (Nikkei, 2017), thấp hơn so với dự đoán của Petri và Plummer (2016), GDP sẽ tăng ít nhất 10,5% nếu có Mỹ, hoặc khoảng 8% theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2015). Gia nhập CPTPP Việt Nam cũng gia tăng thêm xuất khẩu tới năm 2030, ở mức dự báo là 4%.

Ngoài ra, trong những năm gần đây môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện mạnh. Theo Doing Business 2019, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 69/190 nền kinh tế với 68,36/100 điểm. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam có tiến bộ trong cải cách kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép xây dựng, nộp thuế và thực thi hợp đồng. Do vậy, tác động của CPTPP tới đầu tư FDI vào Việt Nam có thể có sự thay đổi trong ngắn hạn, nhưng không quá lớn.

Song hành với tham gia CPTPP, Việt Nam mở rộng hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Việt Nam – EU, nhu cầu về cải cách vẫn diễn ra, thực tế giai đoạn 2011-2016 đang có làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ ba1, tính chung cả giai đoạn 2011-2016 vốn đầu tư FDI thực hiện đạt khoảng 143 tỷ USD, bình quân đạt được 20,4 tỷ USD/năm, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991-2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó (giai đoạn 2001-2010).

Một số kết quả thu hút FDI vào Việt Nam kể từ khi kết thúc đàm phán TPP cho tới nay

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ sau khi kết thúc đàm phán TPP đã có nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước, từ 2016 trở lại đây, vốn FDI đăng ký tăng lên mức kỷ lục 34-35 tỷ USD mỗi năm, tăng 60% so với giai đoạn từ 2010-2015 mỗi năm chỉ đón nhận khoảng 22-23 tỷ USD. Sau khi Việt Nam phê chuẩn CPTPP, dòng vốn FDI tiếp tục tăng cao, FDI quý I/2019 đạt kỷ lục 10,8 tỷ USD, so với 4,03 tỷ USD quý I/2016, 7,71 tỷ USD quý I/2017 và 5,8 tỷ USD quý I/2018.

 

Đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký còn hiệu lực khoảng 340 tỷ USD, dòng vốn chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Bắc Mỹ, châu Âu. Vốn FDI giải ngân đạt khoảng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Tuy nhiên, dù tỷ lệ giải ngân có sự cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp.

Các dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện, bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản.

 

Đáng chú ý, tuy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều nông sản ra thế giới nhưng FDI vào ngành này mới chỉ đạt 1% tổng số vốn đầu tư FDI. Do ngành nông lâm nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp nên khó có thể tận dụng được lợi thế của CPTPP trong ngắn hạn. Hiện nay, Việt Nam chưa thu hút được dự án FDI lớn vào ngành nông lâm nghiệp và thủy sản để hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn, giá trị đầu tư bình quân vào ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ 7 triệu USD/dự án, thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư bình quân chung là 12,4 triệu USD/dự án. Tính tới tháng 3/2019, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ thu hút được 493 dự án FDI, với số vốn ở mức 3,5 tỷ USD, tương ứng với 1,76% số dự án và 1% số vốn đầu tư vào Việt Nam tính từ thời kỳ đổi mới.

Kể từ sau khi kết thúc đàm phán CPTPP, các đối tác đầu tư chính của Việt Nam vẫn là các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan), thiên đường thuế Bristish Virgin Islands và Hoa Kỳ. Các quốc gia thành viên CPTPP, hầu hết là những quốc gia có quan hệ truyền thống, đối tác thương mại lớn với Việt Nam, gia nhập CPTPP kỳ vọng tạo thêm lợi thế trong đầu tư, đón nhiều dòng vốn hơn vào trong nước. Trong năm 2018 và quý I/2019, các đối tác trong CPTPP như Nhật Bản, Singapore đang gia tăng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Tác động lan tỏa của dòng vốn FDI tại Việt Nam trong những năm gần đây

Việt Nam đang thu hút nhiều dòng vốn FDI so với các quốc gia trong khu vực. Theo UNCTAD (2018), Đông Nam Á thu hút được khoảng 145 tỷ USD năm 2018, trong đó gần 19 tỷ USD giải ngân tại Việt Nam, chiếm 14% FDI khu vực, nhiều hơn Thái Lan với 11 tỷ USD, tương ứng với 7,5%. Tham gia CPTPP với mục tiêu hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư, khai thác lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa và gia tăng việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định song phương và đa phương, cùng với CPTPP nên sẽ phải thực hiện các cam kết, đó là cơ hội để Việt Nam thực hiện tốt hơn những cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 

Dòng vốn FDI vào Việt Nam là nguồn bổ sung vốn quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm gần đây, FDI đóng góp 23,7% lượng vốn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cao hơn so với mức 14,2% năm 2005. Khu vực FDI đã tạo ra khoảng 330.000 việc làm trực tiếp năm 1995 so với khoảng 3,6 triệu việc làm trực tiếp năm 2017, đồng thời cũng tạo ra khoảng 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Tham gia CPTPP giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng, thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội địa. CPTPP kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng trong nước thì sẽ kéo theo cầu hàng hóa tăng, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển và thu hút thêm dòng vốn FDI.

Tận dụng lợi thế về thị trường, CPTPP góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường lớn như: Mexico, Nhật Bản, Canada, Australia và thu hút đầu tư vào các ngành mà Việt Nam có nhu cầu. Trong lợi thế của mình, Việt Nam kỳ vọng vào sự mở rộng thị trường của ngành dệt may, thủy hải sản và gỗ khi thuế suất các ngành này giảm mạnh ngay trong năm 2019, các doanh nghiệp trong nước và FDI đủ sức cạnh tranh tại thị trường mới ở Peru, Mexico và Canada.

Tuy vậy, một số thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó là, để được hưởng ưu đãi này thì nguồn nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ từ các nước thành viên CPTPP. Khung chính sách đối với hiệp định CPTPP quy định rất rõ ràng về quá trình mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về giảm bảo hộ đầu tư; tự do hóa thương mại, dịch vụ, Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định, cũng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI trong CPTPP dễ dàng khai thác thị trường Việt Nam. CPTPP tạo ra áp lực bắt buộc phải cải cách, tạo cơ hội để hoàn thiện thể chế kinh tế, cơ hội đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tồn tại, hạn chế trong thu hút FDI của Việt Nam

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong thu hút FDI nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Thứ nhất, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP có tăng, nhưng vẫn thấp, vào khoảng 9,3% năm 1995 so với 19,6% năm 2018. Khu vực FDI đóng góp vào ngân sách quốc gia còn thấp, chỉ ở mức 14,1% tổng ngân sách quốc gia ở thời điểm hiện nay, so với mức 10,5% giai đoạn 2006 – 2010 và 6,6% giai đoạn 2001- 2005 (Nguyễn, 2018). Thứ hai, các luật và văn bản dưới luật hiện tạo ra nhiều ưu đãi cho khối FDI trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, về thuế thu nhập, hải quan và thuế xuất nhập khẩu, nhưng khối FDI đang bộc lộ nhiều quan ngại, ảnh hưởng tới nền kinh tế như: trốn thuế, chuyển giá, gây thất thu ngân sách và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo của Bộ Tài chính (2019), cả nước có khoảng 21.400 doanh nghiệp FDI, hầu hết được ưu đãi, nhưng có tới 52% số doanh nghiệp FDI thông báo lỗ, mặc dù lỗ nhưng doanh thu tăng 28%/ năm và nhiều doanh nghiệp liên tục mở rộng mạng lưới. Ngoài ra, mức thuế bình quân mà doanh nghiệp FDI đóng chỉ vào khoảng 10-10,6%, thấp hơn nhiều thuế suất 20% mà các doanh nghiệp trong nước phải đóng.

Kể từ khi thực hiện đổi mới, Việt Nam đã mở rộng hoạt động xuất khẩu liên tục, từ mức 823 triệu USD năm 1986 lên tới 1970 triệu USD năm 1990 với mức tăng 19,1%. Xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng 21,9% giai đoạn 1990 tới 2018, đạt 244 tỷ USD năm 2018. Sau khi Việt Nam phê chuẩn CPTPP, hoạt động xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2019 vẫn tiếp tục được mở rộng, đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu của khối đầu tư nước ngoài ngày càng tăng và xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối này, tăng từ mức 47,2% năm 2000 lên đến 54,2% năm 2010 và tăng trên 70% năm 2018 (Nguyễn, 2018). Tuy vậy, xuất khẩu phụ thuộc vào khối FDI, điều này đồng nghĩa khi quan hệ quốc tế thay đổi, sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với hàng hóa nước ngoài bằng các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại hoặc khi công ty FDI có sự biến động về hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đứng trên góc độ mỗi quốc gia, doanh nghiệp nội địa mạnh thì nền kinh tế phát triển và quốc gia mạnh, trường hợp Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư lớn, FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng, nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân trong nước cần thể hiện vai trò nhiều hơn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là doanh nghiệp tư nhân, được đánh giá là “đông nhưng không mạnh” khi chỉ đóng góp khoảng 7-9% GDP cả nước. Vì vậy, sau khi kết thúc đàm phán CPTPP, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã Ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, xác định kinh tế tư nhân phải trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về thực hiện chương trình hành động của Nghị quyết số 10, nhấn mạnh kinh tế tư nhân sẽ được tạo điều kiện phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác.

CPTPP kỳ vọng thúc đẩy nhiều hơn quá trình lan tỏa công nghệ và năng suất từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, khối doanh nghiệp nội địa như “đội quân thuyền thúng”, sự lan tỏa công nghệ và năng suất từ nước ngoài tới các doanh nghiệp nội địa diễn ra ở mức độ thấp (Phan Thị Vân và các tác giả, 2014). Đối với các doanh nghiệp quy mô trung bình, doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, tác động của FDI đối với năng suất doanh nghiệp nội địa là không có (Lê Thị Thu Hà, 2015), điều đó thể hiện rằng, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc có sự tham gia nhưng ở mức độ rất thấp. Thực tế trong ngành công nghiệp ô tô, thất bại trong nâng cao tỷ lệ nội địa hóa khi không có nhiều doanh nghiệp nội địa đủ khả năng trở thành nhà cung ứng cho Toyota, Huyndai…, chỉ có 5/33 nhà cung cấp của Toyota là doanh nghiệp Việt. Tỷ lệ nội địa hóa nhiều dòng xe rất thấp (chỉ trên dưới 10% đối với dòng xe ô tô cá nhân). Theo công bố của Samsung, tại thời điểm hiện tại họ có khoảng 308 nhà cung ứng, nhưng số nhà cung ứng Việt khá khiêm tốn. Số doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1 chỉ có 4 doanh nghiệp năm 2014,  tăng lên 29 doanh nghiệp vào năm 2017, nhưng trong số này nhiều doanh nghiệp là nước ngoài nhưng lập công ty ở Việt Nam nên được tính là doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư đối với FDI còn nhiều bất cập, giai đoạn 2010-2017, để thu hút đầu tư, nhiều tỉnh thành thực hiện xé rào đầu tư, giảm nhiều tiêu chuẩn về môi trường trong đầu tư, nhiều dự án còn chiếm diện tích lớn đất đai nhưng hiệu quả thấp, dẫn đến nhiều hệ lụy, phát sinh những “cuộc đua xuống đáy” của chính sách, ưu đãi. CPTPP đặt ra yêu cầu cao hơn về môi trường, quyền con người trong thu hút đầu tư, là động lực chính để Việt Nam thay đổi nhằm đón nhận dòng vốn FDI thế hệ mới có công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao, thay vì dòng vốn FDI thế hệ cũ mặc dù đón được Samsung, Hyundai, LG, Toyota… nhưng vẫn mãi phận gia công, giá trị gia tăng thấp.

CPTPP và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới

Thứ nhất, Việt Nam phải thực hiện các cam kết CPTPP, hướng tới thu hút dòng FDI chất lượng, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để thực hiện thu hút FDI, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa, giám sát chặt chẽ các địa phương trong nâng cao chất lượng dự án FDI, tránh tình trạng hạ thấp tiêu chuẩn đầu tư, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hoặc “trên rải thảm, dưới rải đinh” gây khó dễ cho nhà đầu tư FDI.

Trong dài hạn, CPTPP không chỉ mang lại lợi ích trong đầu tư và xuất khẩu, mà CPTPP còn là Hiệp định của thế kỷ 21 với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng. Để đạt được lợi ích to lớn đó, Việt Nam cần nỗ lực để cải thiện 3 điểm nghẽn về: thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Cải cách thể chế trên mục tiêu xây dựng Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ thị trường, các doanh nghiệp tự do kinh doanh và gia nhập thị trường, giảm giấy phép con và thực hiện cải cách môi trường kinh doanh một cách thực chất ở cả cấp trung ương và địa phương.

Cuối cùng, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển để các doanh nghiệp này đóng vai trò chủ chốt trong các ngành sản xuất chính của đất nước. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc không thể không nhắc tới các Chaebols được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tối đa, đã sản sinh ra Samsung, LG, Hyundai… dẫn dắt kinh tế Hàn Quốc cho tới tận ngày nay. Sự phát triển của Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp như Alibaba, Huawei, Baidu hay LeEco… được Chính phủ hỗ trợ và phát triển, dẫn tới năng suất và trình độ công nghệ của công ty nội địa này cao hơn nhiều doanh nghiệp FDI, xuất hiện sự lan tỏa năng suất ngược do các doanh nghiệp nội địa có năng suất cao hơn doanh nghiệp FDI (Wei và đ.t.g., 2008).

Chính phủ cần tăng cường thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhưng chính sách vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn. Khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, quá trình tương tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa sẽ xảy ra, đây là điều kiện tốt để giúp các doanh nghiệp nội địa cải thiện năng suất và công nghệ, thậm chí khi phát triển tới mức nào đó, doanh nghiệp nội địa có thể lan tỏa ngược lại tới các doanh nghiệp FDI.

Chú thích:

1 Làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ nhất giai đoạn 1995 tới 2006, lần thứ 2 là giai đoạn 2007-2011

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), ‘Kỷ yếu Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới’.

- Bộ Tài chính (2019), “Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi’.

- Lê Thị Thu Hà (2015), ‘Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới doanh nghiệp ngành nông nghiệp ở Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tháng 11/2015.

- Phan Thị Vân và các tác giả (2014), ‘Tác động lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tới các doanh nghiệp trong nước: Dẫn chứng từ ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 68/2014.

- Nikkei (2017). Vietnam and Malaysia play vital roles in making TPP 11 happen. Nikkei Asian Review.

- World Bank (2015). An Updated on Vietnam Recent Economic Developments: Special Focus on Trans Pacific Partnership Agreement.

- UNCTAD (2018), ‘ASEAN Investment Report 2018’.

- Wei, Y. (2006) and Liu, X. (2006).Productivity Spillovers from R&D, Exports and FDI in China’s Manufacturing Sector, Journal of International Business Studies.

- Các số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO