(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo công bố từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Chiều ngày 29/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022 để thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác trong 9 tháng năm 2022.
Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022, ông Dương Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân của số thu tăng là do Bộ Tài chính đã bám sát chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ đã chủ động nắm bắt tình hình, ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa (miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí,...) hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế... Qua đó, góp phần tăng thu cho NSNN.
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đã góp phần tăng thu về NSNN. Tính đến hết tháng 9, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 157,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 97,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi NSNN 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định, chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Bộ Tài chính cho biết, chi giải ngân cho đầu tư phát triển 9 tháng năm nay tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước (+13%) nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỉ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.
“Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 26/9, đã thực hiện phát hành 114.800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm”, Bộ Tài chính cho biết.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, vẫn còn dư địa trong điều hành để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.
Với các kết quả nêu trên, ông Nguyễn Văn Truyền nhận định, chỉ tiêu lạm phát Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4%. “Bình quân 9 tháng mới đạt 2,73%, nghĩa là dư địa còn tương đối lớn”, ông Truyền nhận định.
Phát biểu làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu của Chính phủ vẫn là nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra hàng năm. 9 tháng vừa qua, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ và các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Trong đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng...
“Bộ Tài chính luôn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế VAT, thuế TTĐB, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.