Hoạt động ngân hàng

An Giang: Dư nợ tín dụng thủy sản đạt 12.405 tỷ đồng

ThS. Trần Trọng Triết 26/09/2024 - 09:18

Từ đầu năm 2024 đến nay, vốn tín dụng tại tỉnh An Giang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực các sản phẩm chủ lực có thể mạnh của tỉnh An Giang là cá tra đã có bước phục hồi. Đến nay, thủy sản xuất khẩu đạt hơn 81.000 tấn (chủ yếu là cá tra), tương đương 152,7 triệu USD, tăng 1,2% về sản lượng và tăng 2,1% về kim ngạch.

z5867792365601_1f7733d22223e06b88d1224ba003cded.jpg
Vốn tín dụng tại tỉnh An Giang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực các sản phẩm chủ lực có thể mạnh của tỉnh

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang chia sẻ, dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến nay đạt 119.996 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2023. Vốn tín dụng tại địa phương tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực lúa gạo và thủy sản. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt khoảng trên 19.786 tỷ đồng, tăng 19,02% so với cuối năm 2023.

Riêng tín dụng lĩnh vực thủy sản đạt 12.405 tỷ đồng, chiếm 10,34% trong tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng cấp tín dụng lĩnh vực thủy sản. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản là 1.016 tỷ đồng, cho vay thu mua tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản là 9.484 tỷ đồng, cho vay chế biến, bảo quản thủy sản là 1.905 tỷ đồng.

Về đối tượng khách hàng vay lĩnh vực thủy sản doanh nghiệp còn dư nợ tín dụng là 11.389 tỷ đồng, khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 1.016 tỷ đồng. Lãi suất cho vay lĩnh vực thủy sản từ 4,5-10%/năm.

Điển hình trường hợp Agribank An Giang cho vay phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt, rồi tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất khô của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tiền ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đến nay, sản phẩm khô cá lóc của gia đình anh Tiền đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ rộng…

Trước đây, kinh tế gia đình anh Tiền gặp khó khăn do ít đất sản xuất. Đến năm 2014, anh Tiền và một số bà con trong xóm được ngân hàng Agribank An Giang tạo điều kiện cho vay vốn nuôi cá lóc trong bể bạt. Nhờ những đồng vốn tín dụng ngân hàng được tiếp cận đã tạo tiền đề giúp anh Tiền phát triển mô hình nuôi cá lóc tại địa phương. Từ đó, mạnh dạn đầu tư xây thêm bể để nuôi. Đồng thời, chủ động mua thêm cá giống, tận dụng diện tích vườn tạp gần nhà để cải tạo xây bể bạt để phát triển nuôi cá” - anh Tiền chia sẻ.

Với đà phát triển của nghề nuôi cá lóc, năm 2016 ngoài việc bán cá lóc thương phẩm, gia đình anh Tiền còn tận dụng nguồn cá đảm bảo chất lượng của mình để làm khô cung cấp cho thị trường nội địa. Đây cũng là một bước ngoặt rất quan trọng trong quá trình phát triển của nhãn hiệu khô cá lóc Kim Loan đến ngày nay đã đạt chuẩn “sản phẩm OCOP 3 sao”.

Chia sẻ về quá trình phát triển sản phẩm khô cá lóc, anh Tiền cho biết, năm 2015, thị trường cá lóc gặp rất nhiều khó khăn, giá cá thương phẩm xuống thấp, nông dân thường xuyên bị thương lái chèn ép về đầu ra. Từ thực trạng trên, gia đình anh Tiền trăn trở tìm lối đi mới. Sau thời gian suy nghĩ, anh Tiền quyết định sản xuất khô cá để bán ra thị trường, thay vì chỉ nuôi cá như trước đây. “Gia đình tôi mua khô từ nhiều cơ sở uy tín ở địa phương để sử dụng thử. Từ đó, nghiên cứu công thức làm khô theo gia đình” - anh Tiền chia sẻ thêm.

Những nỗ lực của gia đình anh Tiền đã thu về “quả ngọt”, sản phẩm khô cá lóc với thương hiệu Kim Loan đã “phủ sóng” ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Các loại khô do cơ sở sản xuất được người tiêu dùng đón nhận như: Lóc nguyên con, khô cá lóc cắt sợi, khô má cá lóc, khô lưỡi cá lóc… giá dao động từ 150.000-350.000 đồng/kg tùy loại. Từ việc sản xuất khô đã giúp gia đình anh Tiền thu về lợi nhuận gần 800 triệu đồng/năm.

Nhờ mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và sản xuất khô mà cuộc sống gia đình anh Tiền được cải thiện. Nhà cửa được sửa sang, mua phương tiện đi lại, chi phí đầu tư cho con đi học, tích cực đóng góp tiền làm phúc lợi xã hội. Ngoài ra, gia đình anh Tiền còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương, với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Công việc không đòi hỏi thời gian cố định, nên người lao động có thể chủ động quán xuyến việc nhà.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Dư nợ tín dụng thủy sản đạt 12.405 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO