Hoạt động ngân hàng

Agribank An Giang ưu tiên vốn tín dụng cho vay “tam nông”

ThS. Trần Trọng Triết 08/11/2024 - 10:02

Đồng hành với bà con nông dân, Agribank An Giang luôn chú trọng đầu tư vốn vào lĩnh vực tam nông và thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…

Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh An Giang là lúa gạo, cá tra phi-lê xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. An Giang có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (297.000ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Nông dân có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là thế mạnh kinh tế nông nghiệp địa phương.

Ứng dụng một số nền tảng số, phần mềm vào ghi nhật ký nông vụ, nhật ký trồng trọt, truy xuất nguồn gốc cho nông sản từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng của nông sản, đặc biệt trong xuất khẩu. Toàn tỉnh An Giang đã cấp 514 mã số, tổng diện tích vùng trồng gần 18.00 ha.

agribank.jpg
Agribank An Giang ưu tiên vốn tín dụng cho vay “tam nông”. Nguồn: Internet

Đơn cử Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng có 35 thành viên áp dụng nhật ký điện tử trong sản xuất 200ha; ứng dụng tưới nhỏ giọt trên diện tích 5ha, giúp tiết kiệm nước trong sản xuất và dinh dưỡng cây trồng. Việc áp dụng nhật ký điện tử giúp nông dân ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chăm sóc, bón phân, đến thu hoạch một cách chi tiết và chính xác. Thay vì ghi chép thủ công, việc sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp việc quản lý trở nên dễ dàng hơn, thông tin được lưu trữ khoa học và không lo bị mất. Nhờ vào việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, toàn tỉnh An Giang ứng dụng được 265 drone phục vụ sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và phục vụ trên 40% diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp giảm lượng giống lúa gieo sạ từ 120-150kg/ha xuống còn 80- 100kg/ha.

Doanh nghiệp thủy sản đang áp dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh. Đơn cử Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số thông qua đo lường tự động, hệ thống thiết bị thu mẫu tự động hoàn toàn; hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi tự động; chip điện tử định danh cá… Nhờ vậy, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế; hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất… thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Thời gian gần đây, cùng với cả nước An Giang có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy hiệu quả mang lại cao hơn so với cách làm nông nghiệp truyền thống, song do vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nên nhiều hộ nông dân gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao.

Thấu hiểu những khó khăn của bà con, là ngân hàng chủ lực trên địa bàn, Agribank An Giang đã và đang có nhiều nỗ lực tiếp vốn cho bà con làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mang lại lợi nhuận kinh tế, góp phần giúp nhiều nhà nông vươn lên trở thành những tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương.

Ưu tiên vốn tín dụng cho tam nông

Là ngân hàng cho vay chủ lực trong lĩnh vực tam nông, Agribank An Giang luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm trên 80% tổng dư nợ cho vay.

Vốn tín dụng Agribank chi nhánh An Giang đã phủ kín đến 100% số xã trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 12.428 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2023, trong đó: chủ yếu là do tăng huy động vốn từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế, chiếm tỷ lệ 74% tổng nguồn vốn.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 10/2024 là 18.521 tỷ đồng, tăng 8,38% so với cuối năm 2023 (17.089 tỷ đồng) và chiếm tỷ lệ 96,43% tổng nguồn vốn.

Về cơ cấu dư nợ tín dụng, cho vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao (chiếm tỷ lệ 73,86%/tổng dư nợ), dư nợ cho vay trung và dài hạn (chiếm tỷ lệ 26,13%/tổng dư nợ và chiếm tỷ lệ 25,20% tổng nguồn vốn). Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tập trung cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

untitled-1.jpg
Nguồn: Tác giả tính toán tổng hợp từ số liệu thống kê của NHNN tỉnh

Agribank An Giang đã tích cực phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm ứng dụng công nghệ số, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình lên đến 200 triệu đồng góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân (nhất là vùng sâu, vùng xa). Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, nguồn vốn của Agribank An Giang đã góp phần tích cực cùng với địa phương làm chuyển biến bộ mặt nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh, ngành nông nghiệp cũng từng bước chuyển hướng sang tập trung đầu tư vào nhóm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…

Với góp sức từ ngành Ngân hàng, từ một nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp, đến nay An Giang đã chuyển sang nền nông nghiệp mang yếu tố sản xuất hàng hóa. Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác tiềm năng du lịch…

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2024, trên địa bàn đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực hình thành vùng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao… Có thể khẳng định, kinh tế An Giang trên đà tăng trưởng ổn định, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao, một làn gió mới mới trù phú, thanh bình thực sự đã và đang hiện hữu trên quê hương Bác Tôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank An Giang ưu tiên vốn tín dụng cho vay “tam nông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO