Hoạt động ngân hàng

Bạc Liêu: Nỗ lực kích cầu tăng trưởng tín dụng

ThS. Trần Trọng Triết 24/05/2024 - 16:26

Trước những khó khăn, như: tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thiếu lao động có kỹ năng, nhằm nỗ lực kích cầu tín dụng, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã cấp bách triển khai các giải pháp kích cầu tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế địa phương.

z5471538535923_c20868a10118f1f10899c2f5bf8a316d.jpg
Bạc Liêu: Nỗ lực kích cầu tăng trưởng tín dụng

Với những giải pháp quyết liệt kích cầu tín dụng, các tổ chức tín dụng đã tạo môi trường thuận lợi để khách hàng doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đặc biệt hướng dòng chảy tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Đáng chú ý, đến nay mặt bằng lãi suất trên địa bàn ổn định, trong đó có những lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, chỉ dao động từ 6 - 8%/năm. Kết quả, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 29.975 tỷ đồng, tăng 9,81% so với cùng kỳ và các tổ chức tín dụng đã đầu tư cho vay với tổng dư nợ cho vay đạt 41.339 tỷ đồng, tăng 5,16% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu cho vay vào các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh, như: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn với dư nợ đạt 16.029 tỷ đồng, chiếm 38,99%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 3.103 tỷ đồng, chiếm 7,55%/tổng dư nợ (chủ yếu là dư nợ cho vay xuất khẩu tôm nguyên liệu); cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt 8.423 tỷ đồng, chiếm 20,49%/tổng dư nợ…

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn cho vay chính sách hỗ trợ và các chương trình tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ như: cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68; cho vay chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói 30.000 tỷ đồng) và cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu Lê Văn Măng cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các Chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo có liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng để các tổ chức tín dụng trên địa bàn nắm và thực hiện. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cũng như giám sát các tổ chức tín dụng trong việc tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và tổ chức đối thoại, chia sẻ với khách hàng hiệp hội, bàn bạc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu…

Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động tiếp cận, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng và kịp thời có các giải pháp phù hợp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn, mặn để khách hàng an tâm, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh và tham gia giải quyết nhiều việc làm cho người lao động…

Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc Điều hành Nhà máy thủy sản Việt - Úc chia sẻ: “tuy thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng với kinh nghiệm và sự linh động trong giải quyết hạn mức cấp tín dụng của ngành Ngân hàng trên địa bàn, chúng tôi đã tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Song song đó là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu”.

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu còn đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như: tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch... Qua đó, góp phần vào sự phục hồi và phát triển kinh tế địa phương…

Bên cạnh những nỗ lực giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn kích cầu tín dụng bằng cách tăng các tiện ích dịch vụ đi kèm, như: giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng lập hồ sơ online, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng…

Để tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng để kích cầu tín dụng thành công, chính quyền địa phương cũng cần có thêm những cơ chế, chính sách tạo lực đẩy cho doanh nghiệp phát triển kinh tế, tạo thuận lợi, cơ hội để nguồn vốn ngân hàng hấp thụ vào nền kinh tế một cách hiệu quả. Còn về phía cộng đồng doanh nghiệp, để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng của ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện cho vay như có dự án tốt, kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ ràng, minh bạch…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Nỗ lực kích cầu tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO