Theo quy định hiện hành các ngân hàng có chức năng kinh doanh ngoại hối được phép bán ngoại tệ cho người cư trú là công dân Việt Nam có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 20/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ 15/2/2023 cho phép người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích học tập. Hạn mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh được căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
Trường hợp không có thông báo của nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, ngoài tiền học phí, viện phí và các chi phí khác đã được phía nước ngoài thông báo, các ngân hàng được phép quyết định mức mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ dựa trên thu nhập bình quân đầu người tại đất nước mà người du học đến học tập.
Theo đó, định kỳ hàng năm, ngân hàng được phép cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (WB) để làm cơ sở xác định mức ngoại tệ mua, chuyển cho mục đích trợ cấp thân nhân ở nước ngoài.
Trường hợp cá nhân đi qua cửa khẩu mang theo ngoại tệ tiền mặt quá 5.000 USD sẽ phải khai báo với hải quan cửa khẩu sân bay, bến cảng, cửa khẩu. Người mang ngoại tệ cần có giấy tờ hợp lệ của ngân hàng cấp đã bán ngoại tệ cho mang ngoại tệ theo và hộ chiếu du học sinh, visa, các giấy tờ tương đương; Nếu cơ sở đào tạo ở nước ngoài không thông báo cụ thể về mức sinh hoạt phí thì cung cấp thêm các giấy tờ khác chứng minh đang học tập ở cơ sở đào tạo ở nước ngoài và sẽ được chuyển theo hạn mức căn cứ vào quốc gia đến du học.
Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, ngân hàng nào cân đối được nguồn ngoại tệ sẽ cung ứng dịch vụ bán ngoại tệ cho cá nhân chuyển tiền một chiều ra nước ngoài.
Nhu cầu ngoại tệ cho cá nhân chuyển tiền một chiều ra nước ngoài hàng năm rất lớn. Đơn cử, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có hơn 190.000 du học sinh, hàng năm nhu cầu ngoại tệ đáp ứng cho đóng phí và sinh hoạt ở nước ngoài vào khoảng 3-4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, số liệu của Bộ Y tế cũng cho hay, hàng năm người Việt đi khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng tiêu hao hết khoảng 2-3 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong xu thế hội nhập, người Việt ra nước ngoài học tập ngày càng nhiều.
Tuy nhiên hàng năm một lượng du học sinh tốt nghiệp ở các quốc gia có cơ hội việc làm tại các công ty, tập đoàn quốc tế sẽ mang lại thu nhập và một nguồn lực kiều hối về cho đất nước. Theo đó, việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho cá nhân du học là một chính sách đầu tư cho người Việt tham gia vào vào thị trường lao động quốc tế, tạo nguồn ngoại tệ bền vững cho quốc gia.y