Tin tức

Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

TH 25/06/2023 07:41

Chiều ngày 24/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV bế mạc Kỳ họp thứ 5 sau 23 ngày làm việc tích cực, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm cao, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Tham dự phiên bế mạc kỳ họp có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khách mời và các đại biểu Quốc hội khóa XV.

Về phía Quốc hội có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước đó, cũng trong phiên bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, hôm nay, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.

240620230531-z4459795959917_04e0397e8b9bdc1a7e9adfd291a6e559.jpg
Toàn cảnh phiên bế mạc

Hoàn thành 81,8% nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo khái quát kết quả kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết về công tác lập pháptại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 08 luật, gồm 06 luật đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 02 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội cũng đã thông qua 03 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 08 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.

Nêu rõ, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch và nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

240620230530-z4459795868764_96915e93fce4b11053f237c62fbf5941.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV

Kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế trước mắt, vừa phải tạo chuyển biến thực chất, lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn

Về hoạt động giám sát , Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội trân trọng cảm ơn, biểu dương, ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 - là nhân tố quyết định giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ngặt nghèo, kiểm soát thành công đại dịch và nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng đã chỉ rõ và yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy nhanh việc chuẩn bị, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng; khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đầu tư hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng… để thực hiện mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới.

Quốc hội đã dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 04 nhóm lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Các vấn đề được chất vấn cùng nhiều vấn đề khác qua ý kiến của cử tri, Nhân dân, đại biểu Quốc hội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm thúc đẩy giải quyết, tạo bước chuyển biến ngay trước thềm phiên chất vấn, nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn. Đặc biệt, cần tập trung theo dõi, bám sát diễn biến của nền kinh tế và thị trường lao động để chủ động, kịp thời có giải pháp trong điều hành, hoạch định chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động; giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý dứt điểm trong năm 2023 các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT, hoạt động đăng kiểm; tách bạch và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giao thông, vận tải.

Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và một số báo cáo khác theo quy định; thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và các nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội đối với 02 nội dung rất quan trọng. Một là, Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Hai là, Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh,những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời, là cơ sở quan trọng để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, trong đó có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.  

240620230431-z4459636295948_d3ec6c5201d92f7014d3447425dbb1f3.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Quốc hội ban hành kịp thời nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 với mức tăng trưởng GDP cao (8,02%), chỉ số lạm phát CPI thấp (3,15%).

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch…

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các chủ trương nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có phản ứng chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, có tính khả thi cao để giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chọi của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường khoa học, công nghệ, thị trường lao động; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức.

Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới. Có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống; tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình  huống, chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Rà soát xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…; xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…, báo cáo kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với quy trình, thủ tục chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 01 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Định kỳ sau mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong Quý III/2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Với những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 5 đã tiếp nối và phát huy kết quả Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Điểm lại những số liệu “kỉ lục” đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong kỳ họp này, đã có 1533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 03 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặc biệt, khoảng thời gian một tuần giữa 02 đợt của Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp trong 04 ngày để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Với không khí làm việc rất sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, trong 23 ngày làm việc của Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 08 luật, 17 nghị quyết đều với tỷ lệ tán thành rất cao; đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu 08 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đại diện Hội đồng nhân dân của 63 tỉnh, thành phố dự thính để theo dõi trực tiếp một số phiên họp toàn thể của Quốc hội, tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp, gắn bó chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan dân cử ở trung ương và các địa phương.

Cho biết, trên cơ sở kết quả của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, được tiếp nối và phát huy qua thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO