(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong tháng 10/2021, các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9/2021. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2021 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 4,1%.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/10 hằng năm. (Đơn vị tính: Tỷ USD - Nguồn. Tổng cục Thống kê) |
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước tính đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 7,7 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5%; vốn địa phương quản lý 34 nghìn tỷ đồng, giảm 16,9%. Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 318,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 67,8% và tăng 31,6%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, giảm 34,5% về số dự án và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,82 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,16 tỷ USD, chiếm 39,7%; các ngành còn lại đạt 2,04 tỷ USD, chiếm 15,6%. Trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,17 tỷ USD, chiếm 39,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 2,43 tỷ USD, chiếm 18,7%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ) 1,5 tỷ USD, chiếm 11,5%; Trung Quốc 1,49 tỷ USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 920,1 triệu USD, chiếm 7,1%; Hoa Kỳ 371,5 triệu USD, chiếm 2,9%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 776 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,88 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,42 tỷ USD, chiếm 27%; các ngành còn lại đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 13,9%.
CƠ CẤU VỐN FDI THEO QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ TÍNH ĐẾN THÁNG 10/2021
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.063 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,63 tỷ USD, giảm 40,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.229 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,37 tỷ USD và 1.834 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,26 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 911,8 triệu USD, chiếm 25,1% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 864,7 triệu USD, chiếm 23,8%; các ngành còn lại 1,85 tỷ USD, chiếm 51,1%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2021, ước tính đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,94 tỷ USD, chiếm 72,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,08 tỷ USD, chiếm 13,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 7,6%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2021 có 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 218,3 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 427,7 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước . Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 646 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270,8 triệu USD, chiếm 41,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt gần 152 triệu USD, chiếm 23,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 98,4 triệu USD, chiếm 15,2%. Trong 10 tháng năm 2021 có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 305,3 triệu USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư; Campuchia 89,4 triệu USD, chiếm 13,8%; Ixraren 66,6 triệu USD, chiếm 10,3%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 7,4%; Canada 32,1 triệu USD, chiếm 5%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm khoảng 4,95%.
Ngày 2/11, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike. Tại buổi tiếp, ông Noel Kinder đã thông báo việc toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do COVID-19 đã quay lại sản xuất. Thay mặt Tập đoàn Nike, ông Noel Kinder cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. |