Kết nối

Cần Thơ: Bố trí, huy động nguồn vốn hiệu quả cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Đinh Tấn Phong 11/03/2024 - 10:42

Mặc dù không thuộc diện được nhận hỗ trợ vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia từ ngân sách Trung ương nhưng Cần Thơ lại luôn chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

can-tho.jpg
Cần Thơ: Bố trí, huy động nguồn vốn hiệu quả cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Bố trí và huy động hiệu quả nguồn vốn

Theo Chương trình, trong giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, TP. Cần Thơ là một trong các địa phương không thuộc danh sách nhận hỗ trợ từ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ 100% ngân sách địa phương theo quy định.

Theo đó, việc bố trí vốn ngân sách hằng năm luôn được tuân thủ theo những nguyên tắc, tiêu chí được quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố và các quy định hiện hành có liên quan.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, khi phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách của thành phố trong giai đoạn 2021 – 2025 dựa trên nguyên tắc: ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung; thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu, các khâu đột phá của thành phố, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, TP. Cần Thơ luôn tuân thủ việc bố trí vốn cho từng dự án đúng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên, mức vốn giao cho từng dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân, đảm bảo tập trung, không dàn trãi, tuân thủ thời gian bố trí vốn theo quy định; lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình.

Công tác huy động, quản lý, lồng ghép nguồn vốn đầu tư công để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố luôn được ưu tiên, tập trung vào một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông,… Đồng thời, công tác bố trí vốn được thực hiện hằng năm, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Bên cạnh việc bố trí nguồn vốn ngân sách, thành phố còn vận động tốt nguồn lực xã hội trong thực hiện các mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình, thành phố đã vận động thành lập “Quỹ vì người nghèo” và vận động xã hội hóa hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ Tết Nguyên đán, hỗ trợ vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình, trợ cấp và tặng quà, cấp học bổng, dụng cụ học tập, khám và cấp thuốc điều trị miễn phí,… Thông qua các hoạt động hỗ trợ này đã tác động rất lớn trong nỗ lực nâng cao mức sống của hộ nghèo và góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đóng góp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu kinh tế tại các địa bàn triển khai chương trình chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập người nông dân không cao và thiếu bền vững; cùng với đó là ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến nguồn lực kinh tế của các hộ gia đình nông thôn.

Giải ngân đạt và vượt kế hoạch

Để thực hiện tốt công tác giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2565/QĐ-UBND ngày 27/10/2023 về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch được giao để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố. Cụ thể, kết quả giải ngân năm 2023 đối với từng chương trình như sau:

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính riêng vốn đầu tư công thì kết quả phân bổ vốn từ ngân sách là 671.401 triệu đồng. Theo đó, đến cuối năm 2023, kết quả giải ngân đạt tỷ lệ 97,4% so với kế hoạch được giao.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, thành phố không bố trí riêng kinh phí thực hiện chương trình này từ nguồn chi thường xuyên mà các cơ quan, đơn vị, địa phương lồng ghép nội dung này trong thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên hàng năm.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2023, vốn ngân sách chi cho đầu tư cho 1 dự án là Dự án Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, với kinh phí được bố trí là 6.000 triệu đồng, kết quả giải ngân đạt 100% vốn bố trí. Bên cạnh đó, vốn sự nghiệp được giao là 3.032 triệu đồng cũng giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn bố trí. Ngoài ra, số vốn huy động được là 450 triệu đồng, vượt xa so với mục tiêu 60 triệu đồng theo kế hoạch vốn huy động, đạt tỷ lệ 750% kế hoạch.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Nhằm tiếp tục tăng cường nguồn lực phục vụ quá trình triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2024, UBND thành phố xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như:

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh huy động và phân bố nguồn lực xã hội trong xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Cụ thể, tập trung triển khai nguồn kinh phí địa phương cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thông đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các công trình thực hiện tại các xã, huyện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và từ vốn doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau như: ngân sách thành phố, quận, huyện, vốn vay ưu đãi,… Trong đó, cần tập trung huy động sự hỗ trợ từ khu vực doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hỗ trợ hộ nghèo khó khăn, hộ nghèo người dân tộc thiểu số,…

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép tổ chức thực hiện một số Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia như: Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”; Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”,…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Bố trí, huy động nguồn vốn hiệu quả cho các chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO