Còn mãi một tình yêu

Nguyễn Thị Tố Uyên| 15/04/2021 16:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam, năm 2016 là lần đầu tiên tôi thực sự được làm nghề theo đúng nghĩa sau gần 20 năm chung thủy với tình yêu dành cho thiết kế mẫu tiền....

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của hoạ sỹ thiết kế mẫu tiền Nguyễn Thị Tố Uyên công tác tại Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Sau 3 tháng rời giảng đường đại học, tôi trở thành “người nhà nước” như một cơ duyên định trước. Tôi không ngờ mình đã có hẹn với ngân hàng vào những ngày giữa thu nắng vàng rực rỡ mầu hoa cúc năm ấy. Chỉ biết rằng từ đó, tôi trở thành một cô nhân viên ngân hàng trẻ trung, đầy sức sống, tràn trề nhiệt huyết tuổi trẻ, mong ngóng từng ngày được ứng dụng kiến thức trong trường đại học vào công việc rất mới mẻ mà tôi không  biết là mình sẽ gắn bó và yêu nó đến bây giờ.

Duyên đến thật tình cờ, qua một người bạn của mẹ tôi, tôi biết rằng có nghề vẽ mẫu giấy bạc ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cũng đúng thời điểm cơ quan này chuẩn bị tuyển dụng thêm họa sỹ, ngành mà tôi vừa tốt nghiệp sau 6 năm học tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Dù hình dung về công việc mình sẽ làm còn rất ít nhưng tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ tuyển dụng sau khi nghe mẹ phân tích - phụ nữ thì cần công việc ổn định, bao nhiêu năm họ mới tuyển người một lần, bla bla… Nghề vẽ mẫu giấy bạc, sau này được gọi bằng tên “kêu” hơn là thiết kế mẫu tiền đã chọn tôi vậy đó.

Ký ức về những ngày đầu đi làm thật tươi đẹp. Phòng làm việc của tôi chỉ có một mình tôi là nữ và cho đến nay tôi vẫn giữ danh hiệu độc quyền là nữ họa sỹ thiết kế mẫu tiền duy nhất của Ngân hàng Nhà nước. Các bậc tiền bối trong nghề đều là nam giới và đã cao tuổi, là khoảng cách giữa hai thế hệ nhưng cảm nhận đầu tiên về các bác là những người rất vui vẻ, yêu nghề, giỏi nghề và tận tâm với nghề. Bài kiểm tra trong ngày đầu tiên đi làm thật bất ngờ, tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ phải trả lời những câu hỏi về chuyên môn, nhưng không, đó là yêu cầu phải kể một câu chuyện hài hước. Tôi đã xuất sắc vượt qua bài kiểm tra đầu tiên với tràng cười nghiêng ngả và tôi được gọi là sư phụ.

Thấm thoát đã gần 24 năm tôi gắn bó với nghề, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khi làm nghề mới thấy, công việc này thật “lắm công phu” nhưng vô cùng thầm lặng. Công việc đòi hỏi tính bảo mật cao nên không có chuyện khoe khoang tôi đang làm cái này, tôi đang làm cái kia với bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Việc phải giữ trong lòng những bí mật đòi hỏi bản lĩnh vững vàng của người làm công việc này. Thậm chí, đôi khi phải trả lời những câu hỏi tò mò bằng câu trả lời không vừa lòng người hỏi nhưng đành phải vậy thôi, là tính chất công việc mà.

Ngoài bản lĩnh vững vàng, nghề này còn đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ song hành với óc sáng tạo và khả năng am hiểu kỹ thuật công nghệ in tiền. Các kiến thức được đào tạo trong trường đại học chỉ là nền tảng cơ bản về mỹ thuật, còn thiết kế mẫu tiền trên thực tế đòi hỏi nhiều kỹ năng mà chỉ học được trong khi thiết kế mẫu tiền thực sự, bao gồm cả việc tham gia chế bản, in ấn ra sản phẩm cuối cùng là những đồng tiền mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.

Sau thời gian học nghề bằng các bài vẽ, chép lại hoa văn cổ, chép lại các mẫu tiền cũ bằng bút chì hay mầu nước, tôi may mắn được tham gia thiết kế khá nhiều mẫu ngân phiếu thanh toán những năm cuối thập niên 90 đến đầu những năm 2000. Mỗi lần làm ngân phiếu là mỗi kỷ niệm khác nhau, chúng tôi vẽ mẫu bằng tay rồi chuyển đến nhà in để chế bản, làm quen với những con người mới, công việc mới đều mang lại những trải nghiệm thú vị, mệt mỏi có nhưng cũng có rất nhiều niềm vui.

Tôi nhớ những lần đi theo máy in đến tận nửa đêm, khá mệt nhưng vẫn kiên trì điều chỉnh từng chút một đến khi mẫu in ra thật đẹp mới thôi, mặc dù ngày đó công nghệ in ngân phiếu chỉ có in offset, đơn giản hơn nhiều in tiền polymer ngày nay. Tôi vô cùng trân trọng những bậc tiền bối đã dìu dắt tôi trong thời kỳ làm ngân phiếu, rất nhiều bài học quý giá đã được tôi bỏ túi làm hành trang vào nghề thiết kế mẫu tiền sau này.

Dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam, năm 2016 là lần đầu tiên tôi thực sự được làm nghề theo đúng nghĩa sau gần 20 năm chung thủy với tình yêu dành cho thiết kế mẫu tiền. Với tay nghề chuyên môn vững vàng, mẫu thiết kế của tôi và một đồng nghiệp khác được Thống đốc chọn để kết hợp thành mẫu sẽ in và phát hành nhân dịp ngày lễ trọng đại của ngành. Niềm đam mê, tâm huyết với nghề cuối cùng cũng đến lúc thu được thành quả, nó là câu trả lời rõ nhất cho những nỗ lực học tập thầm lặng không ngừng suốt một thời gian dài của tôi và đồng nghiệp.

Khi thực sự bắt tay vào việc mới thấy, không chỉ đơn giản là một từ “thiết kế mẫu tiền”, nó là rất nhiều các công việc khác kèm theo nằm ngoài sách vở và những gì ta được học nhưng nó cũng là cơ hội tuyệt vời để được mở mang tầm mắt, học thêm kiến thức và cùng nhau trải nghiệm những kỷ niệm khó phai. An ninh nghiêm ngặt của nhà máy, tiếng máy in chạy xoành xoạch không nghỉ, hương vị đặc trưng là mùi xăng trong phân xưởng in hay những bữa cơm tối phải ăn từ lúc 5h30 chiều với anh em công nhân khi công việc phải kéo dài đến đêm đã trở nên thân quen và là những ký ức không thể nào quên về những ngày làm làm tiền lưu niệm năm ấy.

Một kỷ niệm cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in vào đêm 28 Tết âm lịch, trong khi mọi người đang tấp nập mua sắm chuẩn bị đón một năm mới đến thì chúng tôi vẫn đang cùng các bác thợ in in những tờ tiền cuối cùng, khi tôi về đến nhà thì đồng hồ đã điểm sang giờ đầu tiên của ngày 29. Tuy vất vả nhưng công việc hoàn thành tốt đẹp trước kỳ nghỉ để mọi người yên tâm đón Xuân làm niềm vui trong tôi được nhân lên gấp bội.

 

Đồng tiền lưu niệm 100 đồng kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam. Ảnh tác giả cung cấp

Đồng tiền lưu niệm 100 đồng kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam đã tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Hội nghị In bảo an châu Á -Thái Bình Dương năm 2016 đã tôn vinh đồng tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Giải thưởng Special Archivement Award.

Vào dịp Ngân hàng Nhà nước phát hành đồng tiền lưu niệm, mỗi sáng đến cơ quan nhìn thấy dòng người xếp hàng dài chờ mua được những tờ tiền mầu đỏ xinh xắn mà tôi thấy tâm trạng thật khác lạ, có chút bâng khuâng xen lẫn tự hào vì mình đã đóng góp một phần vào thành công chung đó. Thậm chí khi có người giới thiệu tôi là tác giả và muốn chữ ký lên tờ tiền tôi còn thấy một chút ngượng ngùng vì công việc của mình lâu nay vốn âm thầm lặng lẽ không được nhiều người biết đến.

Công việc thiết kế mẫu tiền không phải là việc sự vụ hàng ngày như các công việc khác ở Ngân hàng Nhà nước, đây là công việc thường kéo dài từ năm này sang năm khác, lặng lẽ nghiên cứu, chắt chiu từng chút một cảm xúc để gom góp vào một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, để biến từ tờ giấy trắng thành tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, có sức sống và tâm hồn. Mỗi đồng tiền kim loại, mỗi tờ tiền giấy tuy nhỏ bé vậy thôi nhưng ẩn sau nó là tâm huyết, là đam mê, là tình yêu nghề đến tận tụy như vậy đó. Với tôi, tình yêu này có lẽ sẽ còn mãi và ngày càng sâu đậm hơn.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn mãi một tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO