(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tất cả những câu “Ờ…thì…” là những lời độc thoại, khi mẹ vô tình đọc những dòng chữ nhật ký của con. Đó là những điều mẹ chưa một lần giải thích với con. Vì mẹ biết, con tự hào về mẹ biết bao, càng tự hào về nghề ngân hàng của mẹ.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Thị Kim Ngân công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) - Vietcombank Long An.
|
Mẹ ơi, sao trên ti vi không có bạn nào hát mơ ước làm nghề ngân hàng như ba mẹ?
Ờ…thì…chắc các chú nhạc sĩ chưa nghĩ ra ca từ nào thật hay, thật xứng đáng để viết về nghề ngân hàng của ba mẹ.
Ngẫm lại cũng đúng, những bài hát về ước mơ nghề nghiệp cho trẻ nhỏ như “Cháu yêu cô chú công nhân”, “Em làm bác sĩ”, “Bố em là phi công”, “Em tập lái ô tô”, “Cháu yêu cô thợ dệt”, “Bé làm họa sĩ”, hay thậm chí những bài hát có tên “mở” như “Lớn lên em sẽ làm gì?” hay “Ước mơ của bé” vẫn không có một nghề gọi là “bankers” xuất hiện.
Trong ký ức tuổi thơ của các bạn, các bạn không biết đến hình ảnh “cô nhân viên ngân hàng”, bởi “cô” không xuất hiện trên ti vi trong mỗi bữa ăn. Con gái của mẹ lại khác, hình ảnh “cô nhân viên ngân hàng xinh đẹp, duyên dáng” ngày ngày vẫn đưa con đến lớp. Có lẽ, vì thế mà con xem mẹ như một thần tượng trong làng ngân hàng, qua những dòng nhật ký của con mà mẹ vô tình tìm thấy.
Mẹ mình làm ở ngân hàng, trong tòa nhà màu vàng cao nhất thế giới đấy!
Ờ…thì…chỉ cao nhất tỉnh Long An mình thôi con ạ!
Bé tự hào về trụ sở của Vietcombank Long An, với mười tầng khang trang mà bé từng được mẹ dẫn vào mỗi khi có dịp.
………………
Bạn biết gì chưa? Mẹ mình là người trả lương cho tất cả mọi người, ai đi làm việc cũng chờ mẹ mình trả lương.
Ờ…thì…mẹ làm kế toán, vả lại ngân hàng của mẹ cũng làm dịch vụ trả lương qua tài khoản cho các cơ quan, tổ chức.
Cuối tháng, mẹ về muộn, con không những không phiền, trái lại con cảm thấy rất vui khi biết được bí mật “lý do hôm nay mẹ về muộn”.
………………
Hôm nay, cơ quan mẹ mình lại tặng sữa cho mình.
Ờ…thì…đó là phụ cấp độc hại trong những ngày mẹ “giữ kho”.
Đó là món quà nhỏ, mẹ bù đắp để con có sức khỏe tốt hơn trong những ngày con phải dậy thật sớm đến trường để mẹ kịp giờ mở kho giao dịch.
………………
Bé Tô Thùy Anh - Nhân vật Người Con trong viết. Ảnh tác giả cung cấp |
Bạn biết sao mẹ mình về trễ dữ vậy không? Vì mẹ mình “giữ kho”, “giữ kho” là chờ người ta về hết mẹ mình khóa cửa rồi về, nhưng mẹ mình không phải bảo vệ đâu nha? Mà là “Sup”, như “SupperMan” vậy đó…
Ờ…thì…mẹ đâu phải bảo vệ, mẹ là “Sup” mà.
Thật ra, mẹ cũng là một bảo vệ nhưng là người bảo vệ không sử dụng vũ khí bằng súng hay roi điện, mà vũ khí tối cao của mẹ là tinh thần trách nhiệm và ý thức bản thân.
………………
Hôm nay, nhà mình có nhiều xe ô tô. Đó là xe của các cô chú trong cơ quan mẹ, có cả sếp của mẹ đến thăm mẹ mình, còn mang theo rất nhiều quà nữa đấy.
Ờ…thì…là vì mẹ vừa phẫu thuật, cô chú đến nhà thăm hỏi, động viên mẹ.
Con vẫn hồn nhiên không biết về sức khỏe của mẹ, con chỉ khóc khi phát hiện mẹ nói dối là đi công tác nhưng khi trở về trên cổ lại có vết thương.
Sinh nhật của con đúng ngày 1 tháng 1, là ngày nghỉ lễ, là ngày đáng lẽ ra con được mẹ tổ chức sinh nhật thật vui, thật chu đáo. Nhưng cũng đã rất lâu rồi, sinh nhật của con đã không có mẹ. Đấy là những ngày mẹ tất bật với công việc quyết toán cuối năm, mẹ đi từ sáng sớm và lúc trở về con đã say giấc ngủ. Thế mà, con vẫn tự hào khi có ai đó hỏi vì sao sinh nhật không có mẹ:
Mẹ con đang làm nhiệm vụ quyết toán, quyết toán chỉ có phòng của mẹ con mới làm được luôn á. Mẹ không có nhà, nhưng dì Hai và mợ Ba mua quà và bánh kem cho con, con còn nhận được quà của cô (cô giáo của con từ lớp 4) và dì Na…
Ờ…thì… quyết toán rất quan trọng. Nhưng nếu chỉ có phòng kế toán của mẹ cũng chẳng làm được gì đâu.
Tất cả những câu “Ờ…thì…” là những lời độc thoại, khi mẹ vô tình đọc những dòng chữ nhật ký của con. Đó là những điều mẹ chưa một lần giải thích với con. Vì mẹ biết, con tự hào về mẹ biết bao, càng tự hào về nghề ngân hàng của mẹ.
Tình yêu của con dành cho Vietcombank thể hiện rất rõ khi hàng năm con đều nhiệt tình tham gia cuộc thi sáng tác tranh “Con cũng yêu Vietcombank”. Tuy không được theo học vẽ chuyên nghiệp trường lớp, nhưng với tình cảm của con dành cho Vietcombank, nét vẻ ngây thơ của con đã chạm vào trái tim của Ban giám khảo. Vì thế, đã hai lần bon vinh dự đạt giải của cuộc thi.
Con có biết không? Người lớn kỳ lắm. Người lớn không suy nghĩ đơn giản được như trẻ con, người lớn luôn nhìn nhận mọi vấn đề rất phức tạp. Những hôm, người lớn được giao nhiệm vụ quản lý kho, là những hôm người lớn cảm thấy cắn rứt vì con phải thức học bài rất khuya vì phải chờ người lớn về dạy những bài con chưa hiểu; là những buổi sáng, con phải dậy thật sớm để người lớn cùng con không phải trễ giờ. Người lớn cảm thấy có lỗi vì mỗi mùa quyết toán đi qua, là mỗi lần sinh nhật con không được vui trọn vẹn vì vắng mẹ. Có những lần điện thoại cá nhân reo, người lớn vẫn thản nhiên “Dạ, Vietcombank xin nghe”. Xin lỗi con vì những lần người lớn vô tâm, mất tập trung khi con gái gọi…
Cám ơn con đã nhắc cho người lớn nhớ về những đến những lúc khó khăn, người lớn luôn được đồng nghiệp bên cạnh động viên, hỗ trợ. Mở lại dòng tin nhắn “Quyết toán ổn không em?”, - “Cảm ơn sếp!..”. Người lớn cảm thấy rất vui, chỉ bằng những điều nhỏ nhoi như thế.
Nếu như ví Vietcombank là một chàng trai thì những ai được “làm dâu” tại đây, hẳn rất đỗi tự hào vì họ được là thành viên của một gia đình danh gia vọng tộc, được sống trong những căn nhà khang trang, hiện đại, với đầy đủ tiện nghi, được giáo dục bằng truyền thống văn hóa của gia đình Vietcombank. Gia đình Vietcombank không những chăm lo cho họ mà cha mẹ, con cái của họ cũng được quan tâm chu đáo. Những điều may mắn đó, không phải người lớn, ai cũng cảm nhận được và trân quý nó.
Cám ơn con, đã truyền cho người lớn những suy nghĩ tích cực. Hãy mãi như thế con nhé! Hãy cùng suy nghĩ khác đi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ thật tuyệt vời, thậm chí có những điều không như ta mơ ước.
Mẹ hứa sẽ luôn tự hào và chung thủy với tình yêu “ngân hàng” của mẹ! Hy vọng rằng, chúng ta có thể góp phần lan tỏa tình yêu và niềm tự hào cho tất cả mọi người, những ai đã từng, đang là và mơ ước được trở thành một “công dân” của vương quốc “Ngân hàng”.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |