Các Hiệp hội ngành, nghề

CPI tháng 5 tăng vẫn nằm trong kịch bản lạm phát Quốc hội đề ra

Minh Nhật 09/06/2024 08:24

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cho biết, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra với dư địa lạm phát còn lại mỗi tháng so tháng trước tăng từ 0,39-0,6% trong 7 tháng còn lại của năm 2024.

cpi.jpg

Số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%.

Đánh giá về các chỉ số này, ông Phạm Văn Bình cho biết, tháng 4 và tháng 5, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân không cao nên mặt bằng giá nhìn chung ít biến động. CPI tháng 4 và tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 cũng làm tăng nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, du lịch, tuy nhiên chỉ số giá các nhóm này cũng chỉ nhích tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước theo xu hướng giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4 cho đến nay góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, nếu so sánh CPI theo gốc phân tích khác, như chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2024 so với tháng trước cơ bản không biến động nhiều, chỉ tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước, đây là mức tăng phù hợp với diễn biến quy luật từ đầu năm.

Theo ông Phạm Văn Bình, nếu đánh giá theo tiêu chí CPI bình quân thì bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2024 ở mức 4-4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra với dư địa lạm phát còn lại mỗi tháng so tháng trước tăng từ 0,39-0,6% trong 7 tháng còn lại của năm 2024.

Nhận định về tình hình thị trường trong những tháng còn lại trong năm 2024, ông Phạm Văn Bình cho rằng có nhiều yếu tố thuận lợi giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, như sự kiên định chủ trương, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Đảng và Nhà nước giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát. Những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất vẫn tiếp tục được áp dụng góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, nước ta có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Đồng thời, hệ thống giao thông phát triển góp phần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông...

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cũng còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì được mức giá cao trên thị trường thế giới trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu lớn chưa có tín hiệu nới lỏng. Giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới. Giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển cũng đang có xu hướng tăng gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp...

Để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan để rà soát, nắm tình hình, đưa ra các giải pháp chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định; không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý.

Trước đó, tại Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ băn khoăn về áp lực lạm phát khi thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới đây.

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI tháng 5 tăng vẫn nằm trong kịch bản lạm phát Quốc hội đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO