Đầu tư cho tương lai

Tống Thị Thanh| 09/04/2021 20:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đợt này chị quyết mở một khoản tiết kiệm trong ngân hàng, chị đã hỏi nhân viên ngân hàng rồi, muộn còn hơn không, số tiền trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng sẽ đứng tên con chị, để cháu làm vốn và có cơ sở pháp luật vay vốn khi muốn đi du học.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Tống Thị Thanh, Hà Nội

Ngoan về đến nhà, trời đã gần trưa. Ngoan vừa ra ngân hàng gần nhà, chị gửi tháng lương vừa lĩnh cho đứa con gái đang học đại học năm thứ tư, năm cuối. Con bé đóng học phí và vài tháng nữa là làm khoá luận ra trường.

Mấy con gà kêu oang oác ngoài vườn, con gà mẹ tha một lũ gà con, con gà trống choai nhảy lên cành bưởi gáy o o, mấy thằng gà chọi thì ăn phổng mồm, đùi to chân chắc nịch. Hết nhẵn số tiền lương giáo viên tiểu học cho con, chị đang tính bắt mấy chú gà chọi đổi cho mấy ông trong xóm mê đá gà để có tiền chi tiêu trong tháng.

Cái anh chồng giời đánh nhà chị, học thì dốt nát, đúp hai năm lớp một, chị có đồng ý lấy đâu, thế mà năm ấy, thấy anh ta đi xuất khẩu lao động về theo dạng con liệt sĩ, thế là mẹ chị giục vội, chị vừa tốt nghiệp khoá đào tạo sư phạm trên tỉnh, chưa xin được việc, cũng tính lập gia đình rồi hãy hay, thế rồi đám cưới diễn ra.

Vợ chồng trẻ, như thế là cũng khá đàng hoàng ở nông thôn thời bấy giờ, may thay anh có chút vốn khi lao động 5 năm bên nước bạn, khi có chế độ công chức giáo viên toàn tỉnh, người ta xếp chị dạy ngay tại ngôi trường tiểu học xã nhà. Chị lấy cái áo măng tô chồng mua bên nước ngoài để dưới đáy thùng hàng và biếu ông hiệu trưởng. Năm đó, trời rét và lạnh căm căm, ông hiệu trưởng  diện cái áo măng tô dài quá gối, chiếc mũ lông trùm cao, nếu bán ra thị trường chỉ khách sang mới mua, tặng món quà cho vị hiệu trưởng, chị chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn và mong ông nhẹ tay với người còn non nớt và thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy như chị.

Mọi việc coi như ổn thỏa, công việc ở trường của chị dễ dàng, là người không giỏi nhưng nhiệt tình và tiến thủ, chị nhanh chóng được học sinh tin yêu và đồng nghiệp tin cậy. Chị sinh đứa con gái đầu lòng, anh chồng thì ra thị xã gần làng học lấy nghề lái xe.

Về chuyện này, vợ chồng chị cũng đã suy nghĩ nát óc, đêm đêm hai vợ chồng nằm trong buồng, chồng chị bảo: Hay mở quán bán hàng!

  • Thôi - chị cắt ngay. Chị bận trường lớp, lấy thời gian đâu mà mở đại lý kinh doanh nữa, tính việc gì chủ động mà lương tháng đều đặn là tốt nhất.

  • Hay xin vào công ty thủy lợi làm công nhân?

Chả là có ông bác họ làm bên thủy lợi, đang thiếu công nhân, nên muốn anh xin vào cơ quan, nhưng lương bên thủy lợi rất thấp, không có tương lai, lại xa nhà, nên chị cũng không quyết.

Số vốn anh dành dụm và số thùng hàng gửi từ nước bạn đã cạn dần, một phần chi phí cho cuộc sống, hai vợ chồng, con mọn, bố mẹ già, các anh các chị em nội ngoại rồi cô em gái ruột anh cũng sắp sửa lấy chồng nữa chứ.

Tiền tưởng nhiều, tiêu vèo cái hết. Xây cái nhà, cho anh trai chồng dăm triệu, hỗ trợ chị gái chồng mua cái xe máy, con gái mới sinh của anh chị thì cũng ốm đau hay phải đi viện.

Cuối cùng, cả vợ cả chồng đồng ý để anh chồng đi học nghề lái xe, trung tâm dạy nghề cách nhà có 5 cây, học xong có bằng lái xe tải, muốn chuyển đổi lái xe con, xe tắc xi cũng tiện. Thế mà cũng đúng như anh chị tính, sau thời gian lái xe khách Bắc – Nam, giờ anh là nhân viên của công ty xe bus thị xã, hai vợ chồng cứ đều đều như thế, lương tháng, con gái của anh chị đã là sinh viên năm thứ tư.

Chuyện về nuôi con cũng lắm muộn phiền và âu lo, lúc nhỏ cháu phải đi viện nhiều lần do hay bị viêm phế quản, may thay, y tế tiến bộ nhiều và anh chị dốc lòng chăm sóc nên cháu phổng phao, tài giỏi và không để anh chị phụ lòng. Cháu là sinh viên giỏi, là người con ngoan, là người rất nết na và xởi lởi. Tuy cháu còn ít tuổi, nhưng anh chị vô cùng hài lòng và hãnh diện về con mình. Tiền nuôi cháu đi học đại học rất tốn, hết cả tháng lương chị. Cháu phấn đấu ở lại thủ đô và sau này sẽ sang nước ngoài du học để nâng cao trình độ và mở mang kiến thức. Thôi thì đấy là ước vọng của cháu và anh chị đành chiều, chỉ có điều, nghĩ đến giờ chị hơi ân hận, giá hồi đấy cứ đóng báo hiểm hàng tháng cho cháu theo hợp đồng của công ty bảo hiểm nhà nước, thì bây giờ cháu đã có số vốn kha khá, trường hợp cháu đi du học, có sẵn một khoản tiền tiết kiệm mà công ty bảo hiểm gửi trong ngân hàng, họ sẽ chi trả theo số năm mua bảo hiểm.

Mỗi lần ra ngân hàng gửi tiền cho con, chị luống ngậm ngùi, mình chả có khoản đầu tư cho tương lai gì cả, con chị giờ phụ thuộc vào kinh tế gia đình, mà nhà chị, như biết đấy, chỉ dựa vào đồng lương, nuôi con học đại học đã đành, bố mẹ chồng chị đều già cả rồi, không khỏe như mấy năm trước nữa, trong nội ngoài ngoại, bà con, bạn bè xa gần, hàng trăm cái đám cưới, tất cả khiến chị nhiều khi lú lẫn đi vì tiền, chồng chị thì chỉ là dân lao động, ăn khỏe làm khỏe nhưng không nhanh nhẹn và nghĩ lâu dài như chị.

Đợt này chị quyết mở một khoản tiết kiệm trong ngân hàng, chị đã hỏi nhân viên ngân hàng rồi, muộn còn hơn không, số tiền trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng sẽ đứng tên con chị, để cháu làm vốn và có cơ sở pháp luật vay vốn khi muốn đi du học.

Cô nhân viên nói với chị:

  • Em sẽ làm hợp đồng theo sổ lương nhé!

Chị hiểu rất nhanh và đồng ý:

  • Chị sẽ phô tô và công chứng sổ lương nộp cho em.

Thế là hai bên đã thỏa thuận, con chị đã có tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nếu chị không đáp ứng được yêu cầu, sổ lương có thể bị ngừng chi trả ngay lập tức, và chị sẽ càng cố gắng, để là người giáo viên tiên tiến, được tăng lương định kì theo quy định của ngành, của nhà nước. Chị cố không chỉ vì chị, mà vì con chị, nếu chị gục giữa chừng khi chưa kịp về hưu, con chị sẽ bơ vơ. Nó mồ côi và không có tiền, không có cả mẹ nữa.

Tương lai của con chị là đây, là những gì mà chị gửi gắm trong cuốn sổ tiết kiệm nhỏ bé tại ngân hàng, nó không chỉ là tiền, mà là tình thương bao la, là khát vọng, mong mỏi của một người mẹ dành cho tương lai của mình.

Mải nghĩ ngợi lung tung như vậy, chị quên nồi cơm đang sôi trên bếp may chạy kịp vào, mấy con gà có mồi đã im tiếng, con mèo đầu góc hè meo meo ngáp vặt cùng tia nắng tháng tư, cây xoan trà là đà thả bóng mát xuống sân nhà, Ngoan thấy nhẹ một việc và khẽ mỉm cười một mình, tiền rồi sẽ làm ra thôi.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO