Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

Một số vấn đề về ngân hàng chính sách theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024

N.C.H 02/02/2024 07:58

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (sau đây gọi là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024), ngân hàng chính sách là loại hình ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, thay thế Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14, trong đó có một chương riêng (Chương II) với 11 điều (từ Điều 16 đến Điều 26) quy định về ngân hàng chính sách.

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua (sau đây gọi là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024), ngân hàng chính sách là loại hình ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Khác với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, trong đó giao Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định khá nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của loại hình ngân hàng này.

Theo đó, ngân hàng chính sách là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng chính sách, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ. Việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với nhà nước chính sách do Chính phủ thống nhất quản lý.

Về cơ cấu tổ chức quản lý, ngân hàng chính sách có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cơ cấu quản trị khác theo quy định của Chính phủ, trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Ngân hàng chính sách cũng được thành lập chi nhánh, sở giao dịch, phòng giao dịch và đơn vị trực thuộc khác theo quy định của pháp luật.

Về nguồn lực, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định ngân hàng chính sách được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng cho phép ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Về hoạt động, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giao Chính phủ quy định nội dung hoạt động của ngân hàng chính sách. Tuy nhiên, tại Luật này, ngân hàng chính sách được yêu cầu thực hiện một số công việc bắt buộc tương tự như các tổ chức tín dụng khác, như: phải thực hiện kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; xây dựng, ban hành quy trình nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng cho phép ngân hàng chính sách được áp dụng quy định của Luật này để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách.

Bên cạnh các nội dung được quy định cụ thể như trên, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng giao Chính phủ quy định về nội dung hoạt động của ngân hàng chính sách và một số nội dung khác được Luật đề cập nhưng chưa quy định cụ thể, như: nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc; cơ cấu, số lượng, thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc; cơ chế tài chính, tiền lương, tổ chức lại, giải thể, kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng chính sách…

Như vậy, có thể thấy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã có khá nhiều điều khoản quy định cụ thể về các vấn đề cơ bản của ngân hàng chính sách. Đây là một sự thay đổi rất lớn về khung khổ pháp lý nếu so với Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành trước đây, trong đó chỉ có 01 điều gồm 03 khoản quy định về loại hình ngân hàng này. Đáng nói là, những quy định được áp dụng ổn định và được kiểm nghiệm thực tiễn tại các văn bản dưới luật có liên quan của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (mục tiêu hoạt động, chủ sở hữu, cơ cấu tổ chức quản lý, đảm bảo khả năng thanh toán…) đã được nghiên cứu luật hoá nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về ngân hàng chính sách. Điều này cũng phù hợp với đề xuất của các ngân hàng chính sách xã hội trong thời gian qua cũng như yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23, diễn ra vào tháng 5/2023.

Bên cạnh việc luật hoá một số quy định tại các Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam như trên, quy định về ngân hàng chính sách tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có một số điều chỉnh quan trọng so với các quy định hiện hành. Trong đó, đáng chú ý, cùng với việc cho phép ngân hàng chính sách được áp dụng quy định của Luật này để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách - như đã đề cập ở trên,

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 còn quy định Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng chính sách, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ. Đây có thể coi là một bước thay đổi lớn nếu so với điều lệ tổ chức và hoạt động hiện hành của các ngân hàng chính sách mà theo đó, tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính, còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì chưa có cơ quan nào được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Những thay đổi quan trọng này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nghiệp vụ cũng như nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách.

Tuy nhiên, để những quy định nói trên sớm phát huy được tác dụng thực tế, trước mắt, các ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật quy định về nội dung hoạt động cũng như các nội dung khác có liên quan đến ngân hàng chính sách để trình Chính phủ xem xét ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của ngân hàng chính sách, một loại hình ngân hàng rất đặc thù nhưng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16/6/2010
  2. Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18/01/2024
  3. Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội
  4. Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
  5. Thông báo số 2287/TB-TTKQH ngày 16/5/2023 của Văn phòng Quốc hội về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 23, tháng 5/2023
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề về ngân hàng chính sách theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO