Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Quỳnh Dương| 19/08/2022 17:21
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng 19/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, Khoa học, Công nghệ và Môi trường …

Về phía NHNN có bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Thống đốc NHNN; các đồng chí trong Ban Cán sự đảng, Ban Lãnh đạo NHNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với NHNN.

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã báo cáo Đoàn công tác Quốc hội về công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng. Theo đó, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD được đảm bảo; trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ việc tăng mạnh lãi suất của các nước trên thế giới, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ tăng tương đối nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng quá trình phục hồi. Tỷ giá được điều hành chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung cho thị trường, hạn chế nhập khẩu lạm phát và giảm sức ép mất giá lên VND.

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ để góp phần kiểm soát lạm phát. Kết quả là, lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra (lạm phát bình quân là 2,54%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,44%), góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và là cơ sở quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ BB lên BB+ vào tháng 5/2022. 

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú báo cáo tại buổi làm việc.

Mặt khác, NHNN đã điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).

NHNN đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án; hiện đang chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của TCTD, đồng thời nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý để xây dựng phương án cơ cấu lại của từng TCTD. NHNN cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2023.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú báo cáo Đoàn công tác về tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai chương trình trong quý I/2022.

Theo đó, Phó Thống đốc đã nêu rõ tình hình thực hiện cụ thể về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM); giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do COVID-19.

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe báo cáo kết quả thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng; việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng. Trong đó, NHNN đã chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, rà soát, đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng…

Về định hướng, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, để cụ thể hóa các giải pháp triển khai quyết liệt Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, NHNN theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Nghị quyết số 32 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã rà soát kĩ và thấy được nhiệm vụ tổng quát của hai Nghị quyết này là thực hiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, đối với hoạt động ngân hàng là đảm bảo an toàn của thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc.

Mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều áp lực, song kết quả hoạt động của NHNN vẫn được đánh giá cao. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ. NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, tuy nhiên sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.

Chính vì vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở Nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai Nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung. Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định. Hoạt động ngân hàng có nhiều giải pháp nhưng sẽ không thực hiện nếu chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.

Các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của NHNN nhằm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, đáp ứng quá trình phục hồi của kinh tế - xã hội của đất nước sau giai đoạn xảy ra dịch bệnh COVID – 19. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tín dụng chủ động, đa dạng các sản phẩm tín dụng, ngân hàng, làm giảm lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng cường người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, cơ bản giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực cao kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng trong khi nền kinh tế trong nước mới đang dần phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Kết quả là lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Điều hành tín dụng đã hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Theo đề nghị của Chính phủ (NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo), ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã từng bước đi vào cuộc sống. Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, báo cáo của NHNN và ý kiến của các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là những áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải đề nghị NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do và sớm có giải pháp tháo gỡ; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất kịp thời. Điều hành tín dụng hợp lý, trong đó có việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN cũng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng. Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; nâng cao năng lực tài chính của TCTD, nhất là tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước và NHTM có vốn Nhà nước chi phối…

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen”. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO