Ngày 4/4, tại Luang Prabang (Lào), trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMGM) đã diễn ra Phiên Đối thoại chính sách giữa Thống đốc NHTW ASEAN và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) các Định chế tài chính.
Tham dự Đối thoại gồm có các Thống đốc NHTW các nước ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, đại diện các Hiệp hội Ngân hàng của các nước thành viên ASEAN và các định chế tài chính quốc tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự Hội nghị.
Nội dung phiên đối thoại xoay quanh chủ đề: (i) Cập nhật về Khuôn khổ liên thông dữ liệu (IDF); (ii) Chuyển đổi khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) An ninh mạng và khả năng phục hồi; và (iv) Thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực.
Phát biểu tại phiên Đối thoại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng ghi nhận và hoan nghênh các sáng kiến khu vực về: (i) Mạng lưới chia sẻ thông tin và tăng cường an ninh mạng (CRISP) để các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và phát triển các hành động hợp tác giảm nhẹ; (ii) IDF nhằm thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới an toàn cho các tổ chức tài chính ngân hàng trong khu vực ASEAN.
Phó Thống đốc cho rằng, các sáng kiến này cho phép thiết lập kết nối kỹ thuật số giữa các tổ chức tài chính ASEAN và các bên tham gia thị trường, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số ngành Ngân hàng trong khu vực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế cũng như phát triển xã hội.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các sáng kiến này cũng như các sáng kiến kết nối kỹ thuật số trong tương lai, Phó Thống đốc đề nghị khu vực tư nhân tham gia chặt chẽ trong việc đề xuất các giải pháp mang tính kỹ thuật và nguồn lực cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy hơn nữa khả năng kết nối trong khu vực.
Về vấn đề tài chính bền vững, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng ghi nhận các nỗ lực của Ủy ban Taxonomy ASEAN trong việc phát triển và đưa ra các cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa để đánh giá về các hoạt động kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực, hỗ trợ của khu vực ASEAN đối với ngành Ngân hàng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 (net zero economy) bền vững.