Nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Đồng Nai đang có sự phục hồi, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 6,8%. Trong đó, từ quý II/2024, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng có sự tăng trưởng cao hơn.
Đáng chú ý, Đồng Nai đang tập trung giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện, bộ tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, đối thoại doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ về chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt hơn 390,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,86% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ xấu chỉ chiếm 1,86% trên tổng dư nợ cho vay.
Đặc biệt, dư nợ cho vay xuất, nhập khẩu của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 48,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,5% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, cho vay xuất khẩu đạt hơn 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm nay.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn triển khai cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp… đặc biệt tiếp tục thúc đẩy tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi hợp lý để chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh tín dụng thương mại, hoạt động tiền tệ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh tín dụng chính sách để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng Nai hiện là một trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Đồng thời, chất lượng tín dụng chính sách luôn duy trì và đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh ở mức dưới 0,2% và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước…
Theo báo cáo thống kê từ NHCSXH Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 2,55 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn. 99,9% số vốn của NHCSXH Đồng Nai quản lý đang được ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể để trực tiếp cho đoàn viên, hội viên vay. Hệ thống các tổ chức hội, đoàn thể này có mặt ở từng khu dân cư. Do vậy, việc xác minh thông tin thực tế từng hộ vay, quá trình sử dụng vốn diễn ra chặt chẽ.
Hiện tổng dư nợ NHCSXH Đồng Nai đang cho vay và quản lý là hơn 5,3 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có 1,45 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH. So với năm 2014, số vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác sang NHCSXH tăng 1,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị cấp huyện đều chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH hàng năm từ 4-10 tỷ đồng/đơn vị.
Chính nhờ sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ này mà 10 năm qua, đã có 366,8 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay số tiền 11,7 nghìn tỷ đồng, góp phần duy trì, tạo việc làm cho trên 116 nghìn lao động; hơn 18 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 353 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 55,7 nghìn lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn… Điều này đóng góp tích cực vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh từ 4,01% vào cuối năm 2014 xuống còn 1,36% vào đầu năm 2024.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ để Đồng Nai thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, ở những thời điểm đặc biệt, NHCSXH Đồng Nai cũng chủ động trợ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Theo ông Long, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát vi mô; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại thời hạn trả nợ gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn…
Ngoài ra, thời điểm này đang cận kề năm học mới, do vậy NHCSXH Đồng Nai, các tổ chức nhận vốn ủy thác, các địa phương cần tuyên truyền giúp người dân nắm chính sách cho vay tín dụng chính sách đối với học sinh, sinh viên để bà con tiếp cận. Đồng thời, NHCSXH Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan cần tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính sách thuận lợi, đúng quy định.