(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau hai ngày nhóm họp, ngày 19/6/2019, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện hành, nhưng có thể sẽ sớm tiến hành giảm lãi suất nhằm chủ động đối phó với những rủi ro ngày càng tăng cao.
Những thông tin từ sau cuộc họp tháng 5/2019 cho thấy, thị trường lao động vẫn vững chắc và hoạt động kinh tế tăng nhẹ. Trong những tháng gần đây, số lượng việc làm mới nhìn chung đều tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư kinh doanh còn yếu ớt, mặc dù chi tiêu của các hộ gia đình cải thiện mạnh so với đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản và lạm phát lõi (lạm phát không tính giá năng lượng và thực phẩm) tiếp tục dao động ở mức thấp, dự báo lạm phát dài hạn về cơ bản không có nhiều thay đổi.
Phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) quyết định duy trì mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 2,25-2,5%. Các thành viên FOMC tiếp tục kỳ vọng GDP sẽ tăng vững, điều kiện thị trường lao động thuận lợi, lạm phát sẽ tăng dần theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, rủi ro có xu hướng ngày càng tăng cao. Trong môi trường bất ổn và áp lực lạm phát thấp, FOMC sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến đối với triển vọng kinh tế và sẽ có động thái kịp thời để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thị trường lao động vững chắc và thúc đẩy lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Mặc dù Fed vẫn giữ nguyên lãi suất, nhưng tâm trạng thị trường bắt đầu thay đổi, khi các nhà tạo lập chính sách tại Fed đã hạ triển vọng lãi suất trong năm nay với mức giảm khoảng 0,5%. Tại cuộc họp này, Fed đã từ bỏ cụm từ “kiên nhẫn” trước khi hành động với tín hiệu là đang xem xét, quyết định. Đây là thay đổi quan trọng, trái với quan điểm trước đó là chưa giảm lãi suất trước năm 2020.
Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Fed - Jerome H. Powell cho biết, trong 7 tuần lễ qua, hoạt động kinh tế và chính sách vẫn đang đi đúng hướng, thông tin về thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng trong lúc này. Chúng tôi hiểu rõ những rủi ro về triển vọng và chủ động sử dụng các công cụ khi cần thiết, khi kinh tế Mỹ đã tăng trưởng cao và bền vững trong gần 10 năm qua.
Dự báo kinh tế mới của Fed về cơ bản không có nhiều thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng ba, nhưng điều chỉnh giảm lạm phát cơ bản năm 2019 xuống 1,5%, thấp hơn dự báo trước đó là tăng 1,8%. Sau nhiều năm thất bại, lạm phát trong năm tới cũng không đạt mục tiêu 2,0% đề ra. Mặc dù mức lương và thu nhập được cải thiện, nhưng không đủ để kích thích tăng lạm phát, GDP năm 2019 được dự báo tăng 2,1%. Fed cũng điều chỉnh giảm dự báo lạm phát dài hạn xuống 2,5%, giảm 0,3% so với dự báo trước đây.
Mặc dù GDP được kỳ vọng tiếp tục tăng, song những lo ngại của Fed ngày càng tăng cao, nhất là từ sau cuộc họp tháng 5, nguyên nhân là do khó dự báo về kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng thấp.
Theo dự báo kinh tế mới đưa ra, khoảng một nửa số thành viên trong số 17 thành viên FOMC bày tỏ ý kiến sẵn sàng giảm lãi suất trong sáu tháng tới đây, 7 thành viên đề xuất giảm 0,5%, gần với mức lãi suất mà các nhà đầu tư mong đợi.
Chủ tịch Powell nhấn mạnh, mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn thuận lợi, song rủi ro tiếp tục tăng cao, căng thẳng thương mại kéo dài sẽ hưởng đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, trong khi kinh tế thế giới đang tăng chậm lại. Fed sẽ hành động khi cần thiết và nếu thấy phù hợp, sử dụng các công cụ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu Fed hạ lãi suất, nỗ lực thu hẹp bảng cân đối tài sản sẽ chậm lại.
Theo nhận định của các chuyên gia và nhà đầu tư, những dấu hiệu về khả năng điều chỉnh giảm lãi suất thay đổi cũng bắt nguồn từ áp lực của Tổng thống Donald Trump, khi tiếp tục buộc tội Chủ tịch Jerome Powell là đánh giá thấp những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp tục yêu cầu Fed phải giảm lãi suất. Thị trường kỳ vọng, Fed có thể sẽ quyết định giảm lãi suất ngay tại cuộc thường kỳ tháng 7 và tiến hành thêm hai đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Trước những triển vọng lạc quan về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tới đây, cộng thêm một vài tia hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 38,46 điểm (0,2%) lên 26.504 điểm, chỉ số doanh nghiệp S&P 500 tăng 8,71 điểm (0,3%) lên 2.926,46 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq composite tăng 33,44 điểm (0,4%) lên 7.987,32 điểm. Bên ngoài nước Mỹ, phần lớn các thị trường chứng khoán cũng phủ đầy sắc xanh. Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm sâu xuống 1,75%, mức thấp nhất trong hai năm qua; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,983%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Giá vàng giao tháng 8 tăng 33,5 USD (2,5%) lên 1.382,20 USD/oz, mức giá cao nhất kể từ năm 2013; chỉ số USD dollar vẫn ở mức cao, mặc dù giảm 0,46 điểm xuống 96,65 điểm.
Nguồn: Fed, Market Watch, Reuters