Các Hiệp hội ngành, nghề

Giải pháp nào giúp kiểm soát ổn định giá thức ăn thủy sản?

Nguyễn Huyền 26/06/2023 06:25

Ngành tôm đang đối mặt với thách thức đó là nhu cầu tiêu thụ giảm, nguồn cung giá cạnh tranh đến từ Ecuador và Ấn Độ dồi dào. Để tăng tính cạnh tranh, chiến lược lâu dài là nuôi tôm thương phẩm giá thành thấp. Muốn vậy trước tiên phải kiểm soát được giá thức ăn thủy sản.

Giá thành tôm thương phẩm Việt Nam cao gấp đôi Ecuador

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú Seafood Corp) cho biết, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn thì Ecuador, Ấn Độ giảm giá bán tôm liên tục nhưng vẫn có lời vì giá thành sản xuất của họ thấp. Trong nước, hàng hóa tiêu thụ khó, dòng tiền tắc nghẽn, doanh nghiệp buộc lòng giảm giá mua tôm. Với tình trạng giá tôm xuống thấp từ đầu năm đến nay, đa số nông dân từ hoà vốn tới lỗ đến treo ao.

So sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 nước: Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ, ông Quang cho biết, hiện giá thành nuôi tôm khoảng 50 con/kg của Ecuador chỉ 2,2-2,4 USD/kg, Ấn Độ từ 3,4-3,8 USD/kg, Việt Nam lên tới 4,8-5,0 USD/kg. Chi phí thức ăn chiếm đến 70% giá thành nuôi tôm ở Việt Nam là yếu tố chính đẩy giá thành tôm Việt Nam cao hơn đối thủ.

ong-le-van-quang.png
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Minh Phú Seafood Corp

Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp bỏ ao sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục không còn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

“Thực trạng mà ngành tôm Việt Nam đang đối mặt là tỷ lệ nuôi thành công thấp; giá thành sản xuất cao.… Giá thành cao làm giảm khả năng cạnh tranh khiến ngành tôm Việt Nam đang mất dần vị thế trên thị trường quốc tế, nếu không thay đổi nhanh chóng và triệt để, ngành tôm sẽ tiếp tục suy thoái và thậm chí không thể tồn tại”, ông Quang nhấn mạnh.

Kiểm soát ổn định giá thức ăn thủy sản giúp giảm giá thành sản xuất

Để nuôi tôm thương phẩm giá thành thấp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trước tiên phải ổn định giá thức ăn nuôi tôm.

Theo ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Kinh doanh - Thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam, bên cạnh kiểm soát môi trường, chất lượng con giống, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là phải kiểm soát ổn định giá thức ăn nuôi tôm. Mục tiêu này không chỉ người nuôi, doanh nghiệp mà chính phủ cũng đang hướng đến.

Bởi trong thời gian tới, tôm và cá tra vẫn là hai sản phẩm quốc gia của Việt Nam và đang chiếm trên 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, sẽ khó tăng thậm chí còn khó giữ được kim ngạch xuất khẩu vì hiện nay giá bán tôm Việt Nam đã thấp hơn so với giá bán hồi đầu năm khoảng 40% và đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador.

ong-nguyen-duy-hai.png
Ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Kinh doanh -Thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam

"Trước 2 đối thủ mạnh như Ecuador và Ấn Độ mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2023 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn là khá tham vọng vì hiện tại ngành tôm Việt Nam đang làm rất tốt, nhưng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt được 4,3 tỷ USD, còn cách khá xa mục tiêu đặt ra. Tuy vậy, không có nghĩa là không thể thực hiện được.

Sắp tới, nếu có sự tham gia nhiều hơn nữa của công nghệ trong đó có công nghệ sản xuất thức ăn sẽ kiểm soát ổn định được giá thức ăn trong điều kiện nguồn nguyên liệu liên tục thay đổi, từ đó kéo giảm giá thành tôm thương phẩm, tăng tính cạnh tranh thì kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng”, ông Hải phân tích.

Ở góc độ nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thị trường toàn cầu, Giám đốc Kinh doanh - Thức ăn chăn nuôi, đại diện Công ty Buhler Asia Việt Nam cho rằng, chi phí thức ăn chiếm trên dưới 70% tổng chi phí sản xuất tôm của nông dân khiến cho giá tôm thương phẩm của Việt Nam đang cao hơn các nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất thức ăn thủy sản cao do nguồn nguyên liệu không ổn định và phụ thuộc vào nhập khẩu. Muốn hạ giá thức ăn thủy sản phải đến từ rất nhiều mắt xích trong chuỗi này. Cần có các giải pháp công nghệ tập trung hạ chi phí sản xuất đưa giá thức ăn về mức hợp lý.

Đầu tiên là khâu nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu nên không chủ động được nhưng các khâu khác thì có thể.

Đơn cử như việc tối ưu hóa công thức chế biến thức ăn thủy sản hay định hướng cải tiến máy móc thiết bị để có thể vận hành được nhiều loại nguyên liệu khác nhau, đáp ứng yêu cầu về công suất và vẫn giữ được chất lượng sản phẩm; Thiết kế máy móc theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm hao hụt, chạy lại và giảm thời gian dừng máy bảo dưỡng sửa; Kiểm soát dây chuyền sản xuất bằng công nghệ cảm biến thông minh và thu thập dữ liệu.

“Nếu việc vận hành chỉ dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm của người vận hành thì có thể kinh nghiệm đó chỉ đúng trong một thời gian với một số nguyên liệu, công thức nhất định. Nhưng khi nguyên liệu đầu vào thay đổi thì chỉ có thể giải quyết bằng công nghệ dựa trên nguồn dữ liệu đủ lớn để phân tích. Vận hành thông minh và chuyển đổi số là định hướng cần phải hướng tới”, ông Hải khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào giúp kiểm soát ổn định giá thức ăn thủy sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO