Góp ý để sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính

Hoàng Duy| 15/12/2020 21:11
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 15/12/2020, Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Natec) tổ chức Tọa đàm góp ý đề nghị xây dựng Nghị định "Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, sự phát triển của công nghệ tài chính nhận được sự quan tâm hàng đầu của các tổ chức tài chính quốc tế, các chính phủ, định chế tài chính, các công ty công nghệ và đặc biệt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công nghệ tài chính tạo ra tác động mang tính đột phá, là động lực chính tạo ra các mô hình kinh doanh mới liên quan đến dịch vụ tài chính. Nhưng đồng thời, công nghệ tài chính cũng đem lại các rủi ro và thách thức mới về nguồn nhân lực, hệ thống đảm bảo an ninh mạng, hệ thống pháp lý.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành Dự thảo Nghị định - “Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng” và Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách liên quan đến Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để trình Chính phủ xem xét, đánh giá và phê duyệt.

Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung chính gồm: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Cơ chế thử nghiệm sandbox, tiêu chí đánh giá, phê duyệt và cấp giấy phép đối với các đối tượng tham gia sandbox. Cùng với đó là khuôn khổ cho Cơ chế thử nghiệm cần đáp ứng các yêu cầu xử lý các rủi ro, yêu cầu ổn định để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính. Kinh nghiệm của việc ban hành chính sách Cơ chế thử nghiệm ngành Ngân hàng liệu có thể áp dụng cho ngành khác. Đồng thời, cung cấp thông tin về sự đổi mới quy trình trong việc ban hành chính sách Việt Nam đang hướng tới.

Được biết, Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc rà soát, lấy ý kiến của các bên liên quan, đánh giá các văn bản này từ góc độ pháp lý để đệ trình Chính phủ thực hiện các bước tiếp theo của quá trình ban hành.

Bởi vậy, tại tọa đàm ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, bày tỏ mong đợi được lắng nghe những đóng góp trên tinh thần xây dựng chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và các ý kiến chuyên gia để Bộ Tư pháp có thể đề xuất chính sách phù hợp.

4 mô hình Cơ chế thử nghiệm sandbox

Chia sẻ về cách tiếp cận xây dựng Cơ chế thử nghiệm sandbox công nghệ tài chính, TS. Lương Thái Bảo (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết có nhiều rủi ro liên quan đến công nghệ tài chính như rủi ro về pháp lý, sự thiếu phối hợp, vấn đề bảo vệ và năng lực người tiêu dùng, giám sát quản lý rủi ro, rủi ro không gian mạng, dữ liệu, cạnh tranh... Cơ chế thử nghiệm sandbox cho phép các “chủ thể” kiểm thử sản phẩm, dịch vụ hay giải pháp của họ trên thị trường dưới một môi trường quy định nới lỏng hơn nhưng trong một không gian và khoảng thời gian được định nghĩa rõ ràng và được thống nhất với cơ quan quản lý

TS. Lương Thái Bảo cho rằng Cơ chế thử nghiệm sandbox là mô hình hợp lý nhưng cấp độ như thế nào thì cần xem xét đánh giá tính hợp lý.

Trong đó, TS. Lương Thái ảo đề cập đến 4 loại sandbox để điều chỉnh. Các loại Cơ chế thử nghiệm sandbox này không mang tính chất loại trừ nhau và có ưu tiên khác nhau. Đó có thể là Cơ chế thử nghiệm sandbox tập trung vào chính sách – loại bỏ rào cản đối với đổi mới sáng tạo; sanbox tập trung vào đổi mới sáng tạo – khuyến khích đổi mới sáng tạo và giảm chi phí gia nhập thị trường; sanbox theo chủ đề - giúp tăng tốc việc đưa vào ứng dụng chính sách, đổi mới hoặc hỗ trợ phát triển một ngành, một sản phẩm, một phân khúc cư dân cụ thể; sanbox xuyên biên giới - tập trung vào việc khuyến khích và hỗ trợ dịch chuyển xuyên biên giới và vận hành của công ty với sự hợp tác quản lý giữa các quốc gia.

Kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Nexttech phát biểu tại buổi Tọa đàm

Ý kiến một số doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm đều nhấn mạnh vào vấn đề “tốc độ”. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ tài chính đều mong chờ khung pháp lý Cơ chế thử nghiệm nhanh chóng được ban hành và đi vào thực tiễn.

ThS. Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT và doanh nhân trưởng của Nexttech nhìn nhận chúng ta rất nhạy bén trong việc vận dụng các mô hình kinh doanh mới để bán hàng ví dụ như mô hình bán hàng đa cấp, mô hình livestream, cho vay ngang hàng P2P... Tuy nhiên, do khuôn khổ quản lý ban hành chậm dẫn đến thực tiễn áp dụng có nhiều hình thức biến tướng gây ra một số vấn đề xã hội. Điều này khiến cho “cây dại” phát triển nhanh mà các doanh nghiệp bài bản khó phát triển. Chưa kể, khi thiếu khung chính sách, doanh nghiệp start up trong lĩnh vực công nghệ tài chính rất khó thu hút đầu tư bởi nhà đầu tư e ngại rủi ro.

Sự chậm trễ của khung chính sách còn khiến cho Nhà nước thất thu ngân sách. Khi hợp tác chính thức chưa thể phát triển do hạn chế khung chính sách thì việc thanh toán lậu, thanh toán bằng đồng tiền nước ngoài tại Việt Nam thông qua các app trở nên phổ biến và không thể kiểm soát.

“Đã có 4 đơn vị ở Singapore được cấp phép digital bank. Những ngân hàng này hoàn toàn có thể xin cấp phép chi nhánh tại Việt Nam. Như vậy doanh nghiệp Việt có thể mất ưu thế tiên phong nếu chính sách pháp lý không được ban hành nhanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với Nexttech, đại diện Công ty cổ phần One Mount Group cho rằng từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 67 công ty lên 136 công ty với dịch vụ như thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, định danh khách hàng, quản lý tài chính cá nhân... Với thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ và thay đổi nhanh như công nghệ tài chính, khung pháp lý cho một Cơ chế thử nghiệm nên sớm được ban hành. Nhờ đó doanh nghiệp có được môi trường tuy khép kín nhưng đủ tự do trong khuôn khổ để thúc đẩy sáng tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá.

Góp ý cụ thể hơn về các quy định, đại diện One Mount cho rằng quy định thời gian thử nghiệm trong vòng 1 – 2 năm, doanh nghiệp khó xây dựng kế hoạch. “Có lẽ nên quy định thời hạn là 5 năm, có cơ chế kết thúc thử nghiệm sớm để chính thức cung ứng dịch vụ", đại diện One Mount nói.

Ngoài ra, đại diện One Mount cho rằng việc giới hạn số lượng tối đa tổ chức được xét duyệt tham gia cơ chế thử nghiệm cũng dẫn đến nhiều băn khoăn chẳng hạn có hay không việc phê duyệt chủ trương, tình trạng chạy đua cấp phép...

Khép lại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết ở góc độ của Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp để cân nhắc trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định và tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp ý để sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO