(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ cũng như các bên cung cấp dịch vụ tài chính. Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” do Tạp chí Ngân hàng và Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với các chủ thể tham gia giao dịch cũng như cả nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, vai trò của thanh toán điện tử càng thể hiện rõ.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết thời gian qua hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều chuyển biến tích cực, hành lang pháp lý được hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm dịch vụ phát triển đa dạng; số lượng, giá trị các giao dịch tăng trưởng mạnh mẽ; hệ sinh thái thanh toán số được hình thành cho phép kết nối tích hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng, giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng, tương ứng 75% và 30% so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130%.
Chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết với vai trò tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, NHNN chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ tại hội thảo |
Nhờ đó, các dịch vụ thanh toán đều có sự tăng trưởng khá mạnh. Tính đến cuối tháng 8/2020, số lượng tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu tài khoản; giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 17,4 triệu tỷ đồng; số lượng thanh toán đạt 282,4 triệu món; giá trị thanh toán qua ATM đạt 1.818 tỷ đồng, số lượng thanh toán đạt 660 triệu món…
Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 239 triệu giao dịch với giá trị đạt 547 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 28,9% và 15,8%. Toàn thị trường có 75 tổ chức có dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Trong khu vực hành chính công, Chính phủ đã vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia có tích hợp thanh toán trực truyến giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện. NHNN đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực trên.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
“Hệ sinh thái số với sự kết nối, tích hợp đa dạng các loại ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau đã được hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 hệ sinh thái thanh toán số đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận dân cư trong xã hội” – ông Phạm Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng còn nhiều thách thức trong thời gian tới. Với sự xuất hiện của các công ty Fintech, các mô hình, dịch vụ thanh toán mới, cần có sự hoàn thiện quy định pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hệ thống, phương tiện, dịch vụ thanh toán mới vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo quản lý Nhà nước.
Đến nay, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Nhiều người dân còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại vấn đề về an ninh, an toàn… Chưa kể, các vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt tốn kém, tội phạm trong lĩnh vực thanh toán điện tử…
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trình bày tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đề cập đến thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam còn phổ biến đặc biệt khu vực nông thôn. Cùng với đó là mối lo ngại tính an toàn, bảo mật, tội phạm. Theo TS.Cấn Văn Lực, hành lang pháp lý cho các phương thức hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thực sự đầy đủ, kể cả những quy định mang tính khuyến khích thử nghiệm.
Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường chính xác tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để có thể theo dõi và dễ đưa ra chính sách, giải pháp hiệu quả. Đối với hoạt động fintech, bigtech, ví điện tử và mobile money nên đưa ra quy định quản lý hoạt động theo hướng mở, cần quy định về chữ ký số, phương thức xác thực khách hàng điện tử (e-KYC). Cần xây dựng cơ sở liên kết giữa các ngân hàng, fintech, bigtech và chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… Đồng thời, quy định chuẩn hóa các nền tảng, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo tính đồng bộ, chia sẻ. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của các định chế tài chính…
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận 1 tại hội thảo |
Phát triển hạ tầng công nghệ tạo điều kiện cho hệ sinh thái số
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ một số kinh nghiệm của TPBank trong việc chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hưng đánh giá, thực tế hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt chưa được khai thác triệt để so với tiềm năng vì tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), năm 2019, gần 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng còn 80% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank trình bày tham luận tại hội thảo |
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt TPBank và một số ngân hàng khác đã triển khai phương thức xác thực khách hàng điện tử (e-KYC) trong đó ứng dụng nhiều giải pháp AI, nhận dạng ký tự quang học và sinh trắc học cho phép ngân hàng mở tài khoản và thực hiện giao dịch online. Số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán đạt gần 93,7 triệu (tháng 6/2020) tăng 11,6% so với cùng kỳ 2019. TPBank đã vận hành 300 điểm LiveBank phục vụ khách hàng bất cứ lúc nào. Khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán 100% trực tuyến để thực hiện giao dịch ngay và trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số mà không cần chờ đợi. Hiện Live Bank của ngân hàng này phục vụ 2 triệu khách hàng, xử lý giao dịch đạt giá trị 1.200 tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Nguyễn Hưng đánh giá, với 63% dân số có tài khoản ngân hàng, hơn 127 triệu thuê bao di động, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng để các ngân hàng triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng cho rằng cần có những hỗ trợ lớn hơn nữa từ cơ chế chính sách. Chẳng hạn, cần thí điểm, hoặc thiết lập cơ chế thử nghiệm cho các ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phát, có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đó có thể bổ sung, điều chỉnh hành lang pháp lý hoặc thiết kế chính sách phù hợp.
Đáng chú ý, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho rằng, còn nhiều việc phải làm trong quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. "Chẳng hạn, khi chúng ta mở rộng diện phát triển và thể chế hóa thành chính sách, để cho máy móc thực hiện, cho AI tham gia nếu có sai sót thì ai chịu trách nhiệm. Trước đây cá nhân ký, cá nhân chịu trách nhiệm. Đây là vấn đề pháp lý mới xuất hiện đòi hòi cơ quan quản lý phải cân nhắc”, ông Lê Mạnh Hùng nêu vấn đề.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại Hội thảo Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 (Bộ Công an) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng cũng thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận thấy có nhiều phương thức tấn công mạng, gián điệp mạng đánh cắp thông tin dữ liệu khách hàng tại ngân hàng, truy cập trái phép vào dữ liệu khách hàng. Riêng trong năm 2020, có khoảng 5.000 cuộc tấn công vào các cơ quan nhà nước, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, ngân hàng… truy cập trái phép vào thông tin dữ liệu quan trọng của các đơn vị này.
“Tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến tinh vi đặc biệt trong bối cảnh cách ly xã hội vì COVID-19. Nhiều đối tượng lắp đặt thiết bị để đánh cắp thông tin khách hàng từ cây ATM, sử dụng thông tin khách hàng để chiếm đoạt, thanh toán khống dịch vụ hàng hóa qua máy POS. Lập giả mạo các web của ngân hàng, gửi link đánh cắp thông tin…”, Đại tá Trương Sơn Lâm cho biết.
Cũng theo Đại tá Trương Sơn Lâm, vừa rồi xảy ra vụ việc nhiều đối tượng sử dụng 500 - 700 tài khoản cá nhân, thẻ ATM phục vụ mục đích vi phạm pháp luật, rửa tiền. Các đối tượng đều có tính nặc danh, không khai báo đúng tên của người sử dụng.
Đại tá Trương Sơn Lâm cũng nhấn mạnh nguy cơ rửa tiền bằng thủ đoạn sử dụng nhiều tài khoản, chuyển tiền qua nhiều tài khoản ra nước ngoài, chuyển đổi tài sản ảo rồi quay về Việt Nam rửa tiền và cho rằng chính sách pháp lý còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, hệ thống về công nghệ, con người còn chưa theo kịp sự phát triển chung của xã hội.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận 2 tại hội thảo |
“Theo tôi, cần một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, cán bộ ngân hàng, các ngân hàng tăng cường biện pháp nghiệp vụ phòng chống rủi ro, phát hiện nghi vấn và phối hợp trao đổi với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Vấn đề phối hợp cũng cần cơ chế đảm bảo thuận tiện bởi giao dịch điện tử rất nhanh, nếu thực hiện đúng thủ tục hành chính qua văn bản thì không kịp ngăn chặn”, Đại tá Trương Sơn Lâm nhấn mạnh.
Nhân dịp này, ông Phạm Tiến Dũng đề xuất nghiên cứu một số giải pháp đồng bộ như bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử...; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0...
Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Điều này không chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mà trong dài hạn sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái phục vụ hoạt động mua bán, tiêu dùng của người dân.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo |