Hiện thực hóa các cam kết tại COP 26: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Thanh Thanh| 12/10/2022 08:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương, thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN).

Vai trò quan trọng của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các DN” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ KH&ĐT tổ chức sáng ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng DN, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Thứ trưởng khẳng định, cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. DN vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

“Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững DN”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cơ hội tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.

Ông Tấn chỉ rõ, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi là rất lớn và thế giới đã đưa ra đòi hỏi “Chuyển đổi công bằng - Just transition” đối với quá trình này.

“Chuyển đổi công bằng nhằm đưa ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền và sinh kế của người lao động khi nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất bền vững nhằm mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học”- ông Tấn chia sẻ quan điểm.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

“Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho DN và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn”, ông Tấn nêu rõ và nhấn mạnh, các DN cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của DN.

Luận giải về thị trường carbon, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.

“Khi tham gia vào thị trường carbon không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các DN từ Nhà nước.

Ông cũng nêu một số kiến nghị nhằm phát triển thị triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của DN. Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường carbon. Thứ hai, vai trò chủ động của DN. Thứ ba, sự vào cuộc các bên liên quan. Thứ tư, công tác truyền thông. Thứ năm, sự vào cuộc của chính quyền.

“Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của DN có một vai trò hết sức quan trọng, muốn vậy DN phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của DN để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”, vị chuyên gia này đề xuất.

Các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các DN tại Hội thảo cũng đã phân tích những cơ hội và thách thức, các giải pháp hỗ trợ DN về vốn, công nghệ, đào tạo… nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính; Phân tích kinh nghiệm và một số ý tưởng sáng tạo/công nghệ mới đang giúp các chuỗi sản xuất tiên tiến chuyển mình theo hướng giảm phát thải; Những nỗ lực/khó khăn, thách thức/kiến nghị từ các DN trong thực thi giảm phát thải nhà kính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa các cam kết tại COP 26: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO