(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 22/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2021 của các tổ chức hội viên nhóm ngân hàng, đồng thời đón nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp về thành tích trong hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2021 tại đầu cầu Trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Tham dự hội nghị có: ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thành viên HĐQT VietinBank; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Vụ Thanh toán, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Truyền thông… thuộc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch Quốc gia Giao dịch bảo đảm; đại diện Ủy ban, Câu lạc bộ, các Ban, đơn vị trực thuộc Hiệp hội; và đại diện các tổ chức hội viên (TCHV) là ngân hàng của Hiệp hội Ngân hàng…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động, đổi mới toàn diện các mặt công tác, chấn chỉnh lại tác phong, lề lối làm việc, với ý chí quyết tâm cao, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng vừa tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII, đồng thời nỗ lực, xử lý kịp thời những công việc phát sinh, hoàn thành một khối lượng lớn công việc, được các cơ quan quản lý và TCHV ghi nhận đánh giá tích cực.
Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thành viên HĐQT VietinBank phát biểu |
Điểm lại những công việc cơ quan thường trực Hiệp hội đã làm từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nêu bật 6 điểm, cụ thể:
(i) Làm tốt công tác cầu nối, hỗ trợ TCHV tham gia xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý; Tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải đáp pháp luật; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách, hỗ trợ về nghiệp vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV;
(ii) Hỗ trợ thiết thực cho các TCHV trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề liên quan hoạt đến khởi kiện và thi hành án,...;
(iii) Cơ chế hợp tác, kết nối, hỗ trợ, chăm sóc hội viên trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ VII từng bước được củng cố và nâng cao;
(iv) Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
(v) Tăng cường hỗ trợ các TCHV phát triển nguồn nhân lực;
(vi) Quan tâm và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với Hiệp hội Ngân hàng các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời đang khởi động quá trình gia nhập Hiệp hội Ngân hàng châu Á...
Định hướng cho những tháng còn lại của năm 2021, ông Trần Văn Tần đề nghị, các TCHV tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận làm rõ thêm các công việc đã làm được, đặc biệt là các tồn tại, vướng mắc và các đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, vừa đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của từng đơn vị, của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào kết quả hoạt động chung của ngành.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch Quốc gia Giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đã thay mặt lãnh đạo Bộ trao bằng khen cho Tập thể Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thành tích trong hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. |
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết Hiệp hội Ngân hàng hiện có tổng số 74 hội viên (bao gồm 61 hội viên chính thức, 9 hội viên liên kết và 4 hội viên danh dự) trong đó 42 tổ chức hội viên là ngân hàng
Tính đến ngày 7/10/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ước đạt 10.915 nghìn tỷ đồng, tăng 5,37% so với cuối năm 2020 và tăng 11,24% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 9.913 nghìn tỷ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2020, tăng 14,01% so với cùng kỳ. Quy mô và chất lượng hoạt động của các ngân hàng hội viên cũng tiếp tục tăng đáng kể, luôn giữ vị trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (khoảng gần 13 triệu tỷ đồng).
Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các TCTD đã đưa ra nhiều phương án, giải pháp kịp thời như triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên (hàng không, thu mua lúa gạo ĐBSCL...), gói hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Đến ngày 27/9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 531.000 tỷ đồng. Các TCTD chủ động miễn giảm các loại phí, lãi vay đến nay là lần thứ tư, mức giảm lãi cao nhất đến 3%/năm, giảm 1% trong năm 2020 và giảm thêm 0,66% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Đến cuối tháng 9/2021 các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng. Đặc biệt 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng đã giảm lãi lũy kế từ ngày 15/7 đến 30/9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Riêng 4 ngân hàng thương mại (NMTM) Nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay và thực hiện miễn toàn bộ phí dịch vụ ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16; Đồng thời triển khai đồng loạt việc miễn, giảm nhiều các loại phí với số số tiền đã giảm khoảng 1.759 tỷ đồng.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu nhiều khó khăn của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trong đó đáng chú ý nhất là nguy cơ nợ xấu gia tăng khi khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng việc trả nợ và áp lực trích lập dự phòng rủi ro (năm 2021 trích tối thiểu 30% và đến cuối năm 2023 phải trích lập 100%). Bên cạnh đó, nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không thể thực hiện các thủ tục theo quy định, các cán bộ ngân hàng phải làm việc luân phiên hoặc “3 tại chỗ” ảnh hưởng tới giao dịch với khách hàng, công tác xử lý nợ. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp nhiều khó khăn do khách hàng không hợp tác, thiếu sự hướng dẫn của ngành Tòa án, vướng mắc về thủ tục thi hành án, bàn giao tài sản bảo đảm… Ngoài ra, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào 15/8/2022 mà nợ xấu có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là một thách thức lớn với ngành Ngân hàng..
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song vẫn nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí.... nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tham dự Hội nghị, đại diện các TCTD đều bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng năm 2021 của Hiệp hội Ngân hàng. Đại diện các TCTD đánh giá cao kết quả hoạt động của Hiệp hội, trong đó đã làm tốt vai trò kết nối giữa hội viên và cơ quan quản lý trong công tác xây dựng hành lang pháp lý, tạo môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi.
Đại diện các TCHV cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét những vướng mắc, bất cập của các ngân hàng hiện nay trong thực tiễn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN để có giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng và ngân hàng. Kiến nghị NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn; tiếp tục nới “room” hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; điều chỉnh quy định về tỷ lệ an toàn theo Thông tư 22/2019 (khi tính tỷ lệ LDR (dư nợ/tổng tiền gửi)..
Đề nghị NHNN kiến nghị Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu hoặc văn bản gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 và tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu. Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14. Sửa đổi Luật các TCTD nhằm tạo môi trường pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các TCTD.
Các ý kiến của hội viên Hiệp hội Ngân hàng cũng đề xuất được xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHTM Nhà nước để nâng cao hệ số an toàn vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, có cơ hội mở rộng tín dụng đối với các ngành chiến lược, trọng điểm quốc gia. Kiến nghị cơ quan quản lý đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ hành lang pháp lý công nghệ số, sớm trình Chính phủ ban hành luật giao dịch điện tử sửa đổi; ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; cơ chế chia sẻ thông tin - dữ liệu giữa ngân hàng, Fintech và các trung gian thanh toán khác…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Truyền thông… đều ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ, đóng góp trong hoạt động của Hiệp hội và TCHV đối với ngành Ngân hàng, nhất là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách. Các ý kiến đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cầu thị với Hiệp hội, TCTD để cùng nhau làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, nhiều ý kiến góp ý của Hiệp hội Ngân hàng đã được ghi nhận để có những chỉnh sửa phù hợp với thực tế.
Kết luận Hội nghị, ông Trần Văn Tần cho rằng thời gian qua ngành Ngân hàng đã cố gắng đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, ngân hàng vẫn hoạt động thông suốt nhờ thành công của chuyển đổi số. Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng với tinh thần đổi mới, tích cực đã triển khai nhiều công việc, tổ chức thành công Hội nghị thường niên, hoạt động đào tạo, hội nghị, tọa đàm. Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội mong các hội viên và Cơ quan Thường trực tiếp tục triển khai các công việc cấp bách, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021. Hiệp hội Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, chia sẻ các vấn đề của ngành ngân hàng để các cơ quan quản lý, xã hội hiểu hơn về ngành ngân hàng.