Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW luôn được các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Vĩnh Long xác định là nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên. Qua đó, huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Đáng chú ý, trong gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Long triển khai trên địa bàn TP. Vĩnh Long đã có trên 500 lượt hộ vay tiếp cận nguồn vốn hộ nghèo; hơn 1.000 lượt hộ vay tiếp cận nguồn vốn hộ cận nghèo; 2.000 lượt hộ vay vốn hộ mới thoát nghèo; gần 6.000 học sinh, sinh viên vay vốn dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 6.900 lao động vay vốn chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;...
Trong gần 10 năm qua, TP. Vĩnh Long đã bố trí ngân sách chuyển sang NHCSXH tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn là hơn 18,1 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh, sửa nhà, cho con đi học,...
Đến nay, TP. Vĩnh Long đang triển khai 12 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ trên 341 tỷ đồng, với 6.850 khách hàng còn dư nợ.
Còn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Long Hồ, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn.
Được biết, đến nay đã có hơn 1.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, thu hút tạo việc làm cho trên 14.000 lao động; giúp cho 2.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 20.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ sống trong vùng thường xuyên ngập lũ...
Đồng thời, hoạt động tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên; từng bước thay đổi nhận thức giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.
Nguồn vốn của 11 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại huyện hơn 487 tỷ đồng với hơn 13.600 khách hàng vay vốn của 271 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 Hội đoàn thể nhận ủy thác (Nông dân, Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
Trước đây, hộ ông Võ Văn Tám, ở ấp An Hiệp, xã Long An, huyện Long Hồ rất khó khăn do không có vốn cải tạo vườn, mở rộng chăn nuôi nên gia đình thiếu trước hụt sau. Nhờ tiếp cận chương trình Hộ mới thoát nghèo từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng, ông Tám đã mạnh dạn đầu tư chuồng nuôi bò sinh sản.
Từ nguồn vốn mua 2 con bò nái, hiện đàn bò đã tăng 5 con; ông Tám còn đầu tư thêm 700m2 diện tích mặt ao nuôi cá, ếch và cải tạo vườn trồng trên 50 gốc mai vàng. Nhờ đó, nguồn thu nhập cho gia đình tăng thêm và ổn định hơn.
Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương, ông Cao Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Long Hồ chia sẻ: “đơn vị quan tâm giải pháp huy động tiết kiệm, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình nắm bắt thông tin và thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi tiền vay”.
Riêng tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình có doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 76 tỷ đồng với trên 2.300 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 Hội đoàn thể huyện: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đạt hơn 496,5 tỷ đồng, chiếm 98,6% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, qua rà soát khảo sát nhu cầu vay, kiểm tra và thẩm định mô hình của các đối tượng ở địa phương, giữa tháng 3/2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 2 món vay cho người chấp hành xong án phạt tù ở xã Ngãi Tứ với tổng số tiền 150 triệu đồng (một hộ vay 50 triệu đồng, một hộ vay 100 triệu đồng) để đầu tư chăn nuôi heo sinh sản, cải tạo vườn trồng mít.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ngãi Tứ cho biết, lúc đầu chưa đi tới trực tiếp hộ gia đình có nhu cầu vay vốn theo chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù ở xã. Nhưng đến lúc vào khảo sát, được nghe vợ chồng anh Đức định hướng mô hình và cách thực hiện thì đoàn thể quyết định giới thiệu phân bổ vốn tối đa 100 triệu đồng/hộ vay.
Chị Nguyễn Thị Hường - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Phong kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, chia sẻ cảm thấy rất phấn khởi và tin tưởng vào tính cần cù, chí thú làm ăn của gia đình hộ vay là chị Thu, anh Đức để sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách đạt hiệu quả, để gầy dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chỉ vào 2 con heo giống gần 20 triệu đồng đang cho lứa tiếp theo để bán heo con hoặc nuôi heo lứa, chị Trần Thị Lệ Thu - vợ anh Đức, phấn khởi: “Chúng tôi cố gắng nỗ lực để công sức mình bỏ ra cộng với nguồn vốn vay tín dụng này làm sao đem lại hiệu quả tốt nhất, đó là phát triển kinh tế”.
Như được tiếp thêm nguồn động lực, anh chị kể cán bộ hội thường xuyên tới lui để hỗ trợ, động viên gia đình mình mần ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Luân, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình khẳng định, có thể thấy chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện giúp hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Chính sách còn giúp kết nối tự tạo việc làm, tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.