Hoa bưởi nở muộn

Lê Thị Thu Thanh| 08/04/2021 11:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chị tự nhận đời chị cũng như những chùm hoa bưởi nở muộn. Tuy muộn màng mà vẫn nồng nàn hương thơm hạnh phúc. Chị nhìn tôi khẽ cười, tự nhiên thấy lòng mình thanh thản.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Thị Thu Thanh, tỉnh Quảng Trị.

 

Từ khi tôi về làm dâu ở xóm này thì đã có mặt chị rồi. Tôi không biết chị đến ở đây từ khi nào nhưng tôi biết một điều người chị gầy gò, nước da đen sạm, khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Chị quần quật làm việc suốt ngày, chỉ thui thủi một mình ít nói chuyện với ai khiến tôi cứ ngỡ chị là Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ ” thời hiện đại. Do có cùng con nhỏ, con tôi hay chơi với con chị, từ chỗ đấy tôi và chị chơi thân với nhau như chị em và mọi nỗi buồn chị đều tâm sự với tôi. Tôi muốn nói đến người đàn bà ấy có cái tên là Nguyễn Thị Mơ, người hàng xóm của tôi.

Chị lấy chồng lúc 20 tuổi và có một đứa con gái, tưởng như số phận đã an bài cho chị một cuộc sống gia đình hạnh phúc, nào ngờ đâu sóng gió lại ập đến đầu chị. Chị lấy trúng người chồng nghiện rượu không lo làm ăn gì cả. Mỗi lần say rượu lại đánh đập chị và đuổi chị ra khỏi nhà. Cuộc hôn nhân đó chị chịu đựng trong hơn 10 năm thì ly hôn. Đứa con gái ở với chị nhưng vì mưu sinh cuộc sống chị phải gửi con cho bà ngoại để vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Vào đây, chị làm công nhân may xí nghiệp với đồng lương thấp chỉ đủ cuộc sống qua ngày và còn gửi tiền về nuôi con gái ở quê. Chị tự hứa với bản thân mình rằng là ở vậy nuôi con không đi thêm bước nữa. Nhưng từ khi gặp anh – người chồng thứ hai của chị bây giờ tên là Trần Văn Lý, chị đã động lòng thương cho hoàn cảnh của anh là anh cũng có một đời vợ và hai đứa con nhưng đã ly hôn và thương thay cho số phận của mình nên chị quyết định đi bước nữa kết hôn với anh Lý.

Hai người có một đứa con chung - cháu trai tròn 2 tuổi. Chị cố gắng vun đắp cho tổ ấm mới của mình vì cuộc hôn nhân thứ nhất như một vết dao cứa vào người chị. Vì vậy chị rất sợ khi nhắc đến hai từ “đổ vỡ” hay “ly hôn” lần nữa.

Hai mảnh đời ghép lại tưởng như là hạnh phúc bên nhau trọn đời. Nhưng số phận lại không mỉm cười với chị. Chị lấy anh này không nghiện rượu như người chồng trước thì lại nghiện cờ bạc, đề đóm. Lúc yêu chị trông anh thật thà chất phác lo làm ăn nhưng sau này theo bạn bè rủ rê đánh bạc để giải khuây trong những lúc đi làm công trình xa nhà. Lúc đầu đánh cho vui sau đâm ra nghiện. Bao năm sống ở đất Sài Gòn được đồng nào anh đều nướng vào đề đóm hết. Cuối cùng anh chị trắng tay quyết định về quê lập nghiệp.

 

Chị nghe anh về quê với những lời hứa đường mật là sẽ từ bỏ cờ bạc đề đóm quyết chí làm ăn. Chị nghĩ rằng thôi thì tạo cho anh cơ hội lần nữa để làm lại từ đầu “đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại”. Thế là chị vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của tỉnh theo chính sách hộ cận nghèo được 30 triệu đồng. Chị đầu tư vào nuôi cá, lợn, bò, gà vịt. Còn anh Lý làm phụ hồ để kiếm thu nhập thêm.

Nhưng cái tính mê đánh bạc, số đề trong con người anh không bao giờ từ bỏ. Anh làm phụ hồ mấy tháng trời nhưng không đem một đồng xu nào về cho chị cả, khi chị hỏi thì anh nói công trình làm chưa xong người ta chưa thanh toán nhưng thực ra anh đánh số đề hết. Một thân chị nuôi mấy miệng ăn trong nhà, thêm vào đó mẹ chồng già yếu hay đau ốm. Ngôi nhà xây mấy chục năm giờ đã xuống cấp trầm trọng mà không có tiền để sửa sang lại, nói là nhà nhưng thực ra là cái dại lợp tôn nền đất che nắng che mưa, xung quanh bao che bằng blo chưa tô. Mỗi  mùa mưa đến thì dột nát, mùa hè thì nóng bức chật chội.

Số tiền anh Lý nợ chủ lô đề mỗi ngày một nhiều, đến lúc thu hoạch ao cá chị cầm số tiền chưa kịp mừng thì chủ nợ đến đòi tiền do anh nợ đánh đề. Rồi lần lượt bò, lợn cũng lần lượt ra đi theo chủ nợ. Tiền lãi và tiền gốc ngân hàng chị phải còng lưng trả. Chị chỉ biết than trời kêu đất.

Trong lúc túng quẫn anh Lý lại uống rượu, về nhà kiếm cớ gây chuyện với chị, vốn có máu vũ phu vẫn thường hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, đánh đập chị một cách dã man, mặt mày tím bầm. Những vết thương cũ còn chưa liền da chằng chịt trên cánh tay thì chị phải chịu những trận “vũ phu” mới, chị phải bồng con chạy trong đêm tối.

Không những chịu đựng nỗi đau về thân xác mà chị còn chịu đựng nỗi đau về tinh thần. Anh còn chửi bới lăng mạ chị một cách thậm tệ, văng ra những lời nói thô thiển, tục tĩu . Không có đêm nào là chị ngủ được, người chị gầy như thân củi khô đen sạm. Bà con lối xóm họ hàng ai cũng thương chị và bảo vệ cho chị, can thiệp và góp ý cho anh Lý rất nhiều nhưng tính nào tật ấy cứ rượu vào là tái diễn cảnh ấy.

Một đêm bị anh Lý đánh, chị Mơ tâm sự với tôi rất nhiều, chị khóc nức nở:

- Tôi vô lại Sài Gòn thôi Thanh ơi! chứ cái cảnh này tôi sống không nổi nữa.

- Thế thằng bé thì sao? tôi hỏi.

- Tôi bồng nó theo vào gửi trẻ rồi đi làm, đến khi nào ông Lý thay đổi hoàn toàn tính nết lúc đó tôi có thể về” chị đáp.

 Tôi ôm chị vào lòng mà nước mắt cũng rơi theo, thương cho số phận người phụ nữ chịu nhiều cay đắng. Và tôi khuyên chị hãy mạnh mẽ lên để bảo vệ cho chính mình.

- Không được, cứ để anh Lý uống rượu hành hạ vợ con thế này là không được. Phải để pháp luật trị thì nó mới chừa.

- Thôi cô ạ, chuyện trong nhà đem ra nói rồi bà con cười chê, còn gặp gỡ, trò chuyện được với ai?

- Chị nghĩ vậy là sai rồi. Không lẽ, chị cứ cam chịu mãi sao. Phải để pháp luật can thiệp, giáo dục cho chồng chị biết: Đánh vợ cũng là có tội đấy. Chú ấy mà đánh nữa, chị phải báo chính quyền, công an xử phạt nó mới được. Chứ tiếp tục tình trạng này, rồi các cháu nhỏ nữa chứng kiến bạo lực trong gia đình thì tụi nó nghĩ sao? Chị phải biết thương mình trước chứ. Để công an, chính quyền can thiệp, chồng chị mới hiểu, hành vi đó sai trái đến đâu, rồi còn sửa. Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định rõ, đánh vợ, đánh con là có tội chị ạ. Một lần thì có thể nhắc nhở nhưng nhiều lần thì phải xử lý, cách ly gia đình, giáo dục.

- Cô nói đúng, từ nay trở đi em phải mạnh mẽ, chứ không thể bị anh ta hành hạ mãi được.

- Chị cứ tin tôi, hãy cứ mạnh mẽ lên có gì bà con lối xóm can thiệp, không bỏ rơi chị đâu.

Một buổi tối ngày hôm sau anh Lý vẫn cái tật ấy, nhậu say xỉn về chân bước xiêu vẹo vừa đi vừa chửi. Chị Mơ lần này nhẹ nhàng dìu chồng vào nhà và khuyên anh đi ngủ. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, mùi cháo hành bốc lên thơm nghi ngút. Chị đưa tô cháo cho anh húp sộp soạp ngon lành. Chị ân cần khẽ bảo:

- Này mình, mình hãy chăm chú làm ăn đừng rượu chè nữa vừa hại sức khỏe vừa ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Nghe tôi hãy bỏ rượu đi, vợ chồng mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Còn nếu mình cứ tiếp diễn tình trạng này và còn bạo hành với tôi nữa thì tôi sẽ báo công an, chính quyền. Lúc đó đừng nói đến tình nghĩa vợ chồng gì nữa.

Anh Lý nghe vậy như dần tỉnh ngộ, thì ra bấy lâu nay mình đối xử không phải với vợ con. Anh cảm thấy có lỗi với vợ con và thầm nhủ mình phải thay đổi. Hơn nữa anh nghĩ gốc rễ của sự mâu thuẫn suy cho cùng đều bắt nguồn từ khó khăn về kinh tế. Khi kinh tế chật vật vợ chồng dễ nảy sinh lục đục. Vì thế anh Lý quyết tâm thoát nghèo cho gia đình bằng việc chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt.

Thế là vợ chồng anh Lý tìm đến NHCSXH để tìm hiểu vay vốn. Được nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH huyện tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn đạt hiệu quả, nên anh quyết định vay 30 triệu đồng. Với số tiền trên gia đình anh Lý chị Mơ đầu tư mua 2 con bò vỗ béo, nuôi 2 con lợn nái.

Nhờ chịu khó chăm sóc, sau hơn một năm bò lớn, gia đình anh bán và đầu tư mua 2 con bò sinh sản, đến nay tổng số bò lớn nhỏ của gia đình anh là 6 con. Năm sau, gia đình anh chính thức thoát nghèo và được NHCSXH nâng mức vay lên 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình anh Lý đã chính thức thoát nghèo bền vững.

Sở dĩ vợ chồng anh Lý yên tâm khi vay vốn từ NHCSXH là vì lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài, từ đó tạo tâm lý khá thoải mái để phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, giúp họ thoát nghèo bền vững.

Có thể khẳng định, chương tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo đã đạt hiệu quả tích cực; phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ mới thoát nghèo đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo; góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn...

Một thời gian sau, vợ chồng chị Mơ đã tu sữa lại nhà cửa, kinh tế dần ổn định, vợ chồng không còn to tiếng cãi vả, chửi bới nữa. Cả thôn xóm ai cũng mừng cho vợ chồng chị. Giờ đây cuộc sống vợ chồng chị rất êm ấm.

Tôi chúc phúc cho người đàn bà với hai lần đò cuối cùng tìm được niềm hạnh phúc cho mình sau bao năm chịu tủi nhục, bị bạo hành. Có lẽ điều chị mong muốn lớn nhất đó là sự yêu thương của người chồng, những đứa con và có một cuộc sống gia đình hạnh phúc bình dị như những người phụ nữ khác. Nhưng muốn làm được điều đó, chị thầm nhủ mình phải mạnh mẽ lên để cùng chung tay xây đắp hạnh phúc gia đình và bảo vệ cho chính mình.

Đang ngồi nói chuyện với chị, bất chợt chị Mơ nhìn ra ngoài hiên nhà thấy hoa bưởi bung nở, gió đưa hương thơm ngát. Những chùm hoa trắng muốt đang bắt đầu xòe cánh. Vài chú ong đã bay về tìm nhụy. Chị nói to "lạ quá cô Thanh ơi! suốt bao nhiêu năm cây bưởi chẳng chịu ra hoa, dù hằng ngày vẫn được chăm sóc tốt”. Tôi cũng ngạc nhiên, cuối cùng cây cũng không phụ lòng người chăm sóc khi nở những chùm hoa thơm ngát. Mùi hoa bưởi phảng phất, dịu dàng rất quyến rũ. Chị tự nhận đời chị cũng như những chùm hoa bưởi nở muộn. Tuy muộn màng mà vẫn nồng nàn hương thơm hạnh phúc. Chị nhìn tôi khẽ cười, tự nhiên thấy lòng mình thanh thản. Cảm giác ấy lâu lắm rồi chị mới tìm lại được.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

 

       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa bưởi nở muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO