Sáng ngày 20/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Tham dự và chủ trì hội nghị gồm có: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Cùng dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các ban, bộ, ngành đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cùng nhiều nhà báo lão thành.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phát động phong trào thi đua hướng đến dấu mốc kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Trước mắt, trung tuần tháng 3 tới, lần đầu tiên Hội báo toàn quốc sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; diễn đàn báo chí toàn quốc với quy mô lớn cũng sẽ được tổ chức.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn, các cơ quan báo chí cùng sát cánh, đồng hành trong việc bảo vệ bản quyền các sản phẩm báo chí; đồng thời kêu gọi các cơ quan báo chí đoàn kết hơn nữa để đẩy mạnh dòng báo chí chủ lưu; có biện pháp siết chặt đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Đây là việc sống còn của báo chí, cũng là vấn đề Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, đẩy mạnh thời gian qua, cũng như trong năm 2024.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, tình hình đất nước, cũng như thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này cũng sẽ tác động đến hoạt động của các cơ quan báo chí, trong đó, quảng cáo sụt giảm khiến kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, yêu cầu với các cơ quan báo chí ngày càng lớn hơn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo...
Vì vậy, để phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở, báo chí cần có những cách suy nghĩ, tiếp cận khác. Theo đó, các cơ quan báo chí cần trực tiếp đối mặt với khó khăn, thách thức, không né trách; hướng suy nghĩ mới để có những sản phẩm mới, mang tính hấp dẫn, cạnh tranh hơn; có sự quản lý người làm báo và sản phẩm báo chí tốt hơn. Cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí lớn đại diện cho tiếng nói của Đảng, Nhà nước phải đưa thông tin chuẩn mực, không thể chấp nhận sai sót; phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, lan tỏa mô hình tốt đẹp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, năm Giáp Thìn - 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách... của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội. Đồng thời, cần quyết tâm cao độ để xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng; không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn.
Với bề dày truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực và quyết tâm và khát vọng đổi mới, sáng tạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, những người làm báo cả nước sẽ làm tốt và rất tốt vai trò, sứ mệnh thông tin, tuyên truyền trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.