(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là một nội dung đáng chú ý được đưa ra trong thông cáo báo chí hội nghị trực tuyến giữa Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Trưởng một số tổ chức như Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3, Quỹ Tiền tệ Ả Rập, Vụ Kinh tế Tài chính Ủy ban châu Âu, Cơ chế bình ổn châu Âu và một số cơ chế tài chính khu vực khác tổ chức ngày 21/4.
Thông cáo cho biết, IMF và các cơ chế tài chính khu vực trên thế giới thống nhất trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid-19 và mong muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất đến tất cả những người bị ảnh hưởng. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ nhằm đóng góp vào các hành động quyết định cần thiết trên toàn cầu để đối mặt với trường hợp đặc biệt chưa từng có này. Chúng tôi quyết tâm cung cấp hỗ trợ cần thiết để giảm thiểu tác động kinh tế và tài chính của đại dịch, đặc biệt là đối với những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Những trường hợp chưa từng có này đòi hỏi phải có những hành động ứng phó chưa từng có".
Để đối phó với tình huống này, IMF đã tăng gấp đôi khả năng tiếp cận các khoản tài chính khẩn cấp của mình, giảm nợ cho 25 nước có thu nhập thấp thông qua Cơ chế Ủy thác Giảm thiểu Ngăn chặn Thảm họa (CCRT) và thiết lập dòng thanh khoản ngắn hạn – Short term liquidity line - để cung cấp tài chính nhanh chóng nhằm tăng cường bộ đệm và giúp quản lý áp lực thanh khoản cho các quốc gia có chính sách kinh tế mạnh mẽ.
Thành viên IMF cho đến nay đã cam kết cung cấp 11,7 tỷ USD để tăng cường nguồn tín dụng ưu đãi lên gấp ba lần. Lần đầu tiên, G20 và Câu lạc bộ Paris, với sự ủng hộ của IMF và Ngân hàng Thế giới, đã đồng ý giãn nợ cho các nước nghèo nhất.
Về phần mình, các Thỏa thuận tài chính khu vực (RFA) đang hỗ trợ các thành viên của mình thông qua các hoạt động cho vay, điều chỉnh chính sách và bộ công cụ để phù hợp hơn với tính chất cấp bách của cuộc khủng hoảng Covid-19, cung cấp tư vấn chính sách và kỹ thuật để giúp các quốc gia thành viên vượt qua những thời điểm thách thức kinh tế. Các quỹ cứu hộ khu vực đang phối hợp chặt chẽ với đại diện IMF tại các quốc gia để trao đổi thông tin và chuyên môn cần thiết nhằm giải quyết nhanh chóng nhu cầu của các quốc gia đang phải đối mặt với nhu cầu tài chính cấp bách nhất.
Nhận thức được quy mô khủng hoảng của cuộc khủng hoảng này, IMF nhấn mạnh rằng, cách hiệu quả nhất để hỗ trợ các nền kinh tế toàn cầu là phản ứng toàn diện và huy động các nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn có sẵn ở tất cả các lớp của Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu (GFSN). Trong bối cảnh đó, IMF, với vai trò trung tâm của GFSN và RFA, nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu và góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. IMF và các đối tác duy trì cam kết hợp tác chặt chẽ, phù hợp với các nhiệm vụ và chính sách của mình, để trao đổi thông tin về nhu cầu của các thành viên và phối hợp hỗ trợ trên các khu vực khác nhau của thế giới. “Khi thích hợp và khả thi, chúng tôi sẽ hợp tác để tạo điều kiện cho các hoạt động đồng tài trợ nhằm giải quyết các nhu cầu của thành viên và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách” – thông cáo báo chí của IMF cho biết.