(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các nhà giao dịch ngoại hối dự đoán về sự suy yếu của đồng euro khi căng thẳng ở Ukraine và khủng hoảng chuỗi cung ứng làm gia tăng nguy cơ lạm phát đình trệ - khiến đồng tiền này lần đầu tiên sẽ ngang giá với đồng đô la Mỹ trong gần hai thập kỷ.
|
Theo khảo sát mới nhất của MLIV Pulse - một chương trình khảo sát trực tuyến của Bloomberg, 60% người tham gia cho rằng đồng euro sẽ ngang giá với đồng bạc xanh, và phần lớn trong số hơn 400 người tham gia cho rằng sau đó đồng tiền này sẽ phục hồi về mức 1,15 USD. Vào cuối tuần trước, đồng euro được giao dịch ở mức khoảng 1,05 USD, gần như là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017.
Khoảng 48% trong số những người được thăm dò ý kiến, bao gồm các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý danh mục đầu tư, dự đoán đồng euro sẽ giảm ở mức mới là 0,95 USD - một mức giảm đáng kinh ngạc so với các ngân hàng đầu tư Phố Wall dự kiến.
Mối quan tâm hiện hướng về chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi tìm cách hạ nhiệt áp lực về giá cả mà không phá vỡ chu kỳ kinh doanh, với 40% số người được hỏi lo ngại về suy thoái kinh tế trong khu vực hơn là lạm phát và tỷ lệ tương tự lo lắng về lạm phát đình trệ.
Hiện nay, trước cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự phụ thuộc vào thương mại xuyên biên giới, châu Âu đang là tâm điểm của thế giới về giá cả tăng cao và tăng trưởng kinh tế chững lại. Khu vực đồng euro chỉ tăng 0,2% trong quý đầu tiên, với sản lượng sản xuất và các đơn đặt hàng mới sụt giảm, còn niềm tin kinh doanh đang dần bốc hơi.
Khi tranh chấp của Liên minh châu Âu bùng lên với Nga về các khoản thanh toán khí đốt, những người trả lời khảo sát không thống nhất trong việc cho rằng bên nào sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn. Trong khi 51% ý kiến cho rằng Điện Kremlin yếu thế hơn, 49% còn lại nói châu Âu sẽ thua cuộc.
Đối với câu hỏi về các phương án giao dịch an toàn để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong năm nay, câu trả lời phổ biến nhất là bán khống đồng euro, tiếp theo là tăng cường tiếp cận nguồn năng lượng thông qua cổ phiếu hoặc hàng hóa, kế đến là đầu tư vào trái phiếu dài hạn và tiền mặt, cuối cùng là vàng và đô la.
Ngày 4/5, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co., Jamie Dimon nói. “Nếu chiến sự ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn, có thể châu Âu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế trong một vài quý, tôi giả định là như vậy.”
Đầu năm nay, trong cuộc khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro năm 2022 từ mức 4,2% xuống còn 2,8%. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng sau khi Nga ngừng dòng khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria. Các doanh nghiệp và người dân châu Âu cũng đang phải đối mặt với sức ép giá cả tăng lên khi Trung Quốc mở rộng các đợt phong tỏa hàng hóa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự đoán tỷ giá hối đoái tiền tệ trung bình hàng năm của đồng euro sẽ tăng lên mức 1,12 USD vào cuối năm.
Các chiến lược gia của Citigroup Inc. gần đây đã dự báo đồng euro-đô la sẽ ngang giá trong ba tháng, còn thị trường quyền chọn (Option markets) cho rằng khoảng 35% khả năng điều đó xảy ra trong sáu tháng tới.
Sự suy yếu của đồng euro được cho là bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của đồng đô la, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã hạ thấp khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, khiến đồng tiền của Mỹ có thể bắt đầu rơi vào tình trạng bị mua vào quá mức (Overbought). Trong khi đó, những động thái về chi phí bảo hiểm rủi ro tiền tệ có thể khiến các nhà đầu tư Nhật Bản thấy hấp dẫn khi sở hữu trái phiếu Kho bạc, điều này lại hỗ trợ cho đồng euro.
Vì vậy, trong khi phần bù lãi suất của đồng USD có nguy cơ mở rộng, thì ngoại hối vẫn là kỳ vọng. Và vẫn còn một trường hợp tăng giá cho đồng euro trong năm nay: việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ cuối cùng sẽ không đủ để thúc đẩy đồng USD hơn nữa - cũng như ECB có khả năng bắt đầu tăng lãi suất ngay sau tháng Bảy. Tất cả những điều đó có thể thúc đẩy đồng euro, trong khi các quỹ có đòn bẩy cũng đang cắt giảm các khoản đặt cược giảm giá.