Vấn đề - Nhận định

Không thể xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345, cần lưu ý gì?

Minh Đức 29/06/2024 - 08:02

Tại sao điện thoại có tính năng đọc NFC nhưng vẫn không thể xác thực bằng căn cước công dân? Người nước ngoài hay người không có căn cước công dân gắn chip, không có điện thoại tích hợp NFC cần phải làm gì để có thể xác thực sinh trắc học bằng ứng dụng giao dịch trực tuyến?

Từ ngày 1/7, Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) sẽ chính thức có hiệu lực. Tất cả giao dịch chuyển khoản có giá trị từ 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt người giao dịch với người mở tài khoản ngân hàng. Khuôn mặt người mở tài khoản cũng phải được kiểm tra với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Các ngân hàng đều khẳng định đã sẵn sàng hạ tầng và các điều kiện để triển khai theo quy định. Tuy nhiên, về phía người dùng, bên cạnh những đánh giá các hướng dẫn của ngân hàng là tiện lợi, nhanh chóng thì cũng có một số người dùng không quan tâm việc xác thực hoặc chưa thể thực hiện do không có căn cước công dân gắn chip và điện thoại không tích hợp tính năng đọc NFC.

Theo thông báo của các ngân hàng, việc đăng ký sinh trắc học có thể tự thực hiện trực tiếp qua ứng dụng giao dịch trực tuyến bằng cách dùng CCCD gắn chip. Thiết bị phải có chức năng quét khuôn mặt hoặc vân tay và có tính năng đọc NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn).

Xác thực sinh trắc học: Dễ hay khó?

Thời gian qua, các thông tin về cập nhật dữ liệu sinh trắc học được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông. Các ngân hàng cũng hiển thị thông báo trên màn hình mỗi khi đăng nhập vào ứng dụng nếu khách hàng chưa thực hiện xác thực.

Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện trên smartphone theo 3 bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; quét NFC trên CCCD gắn chip; quét gương mặt và xác thực OTP.

Chia sẻ với tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, nhiều người dân nhận định quá trình này diễn ra dễ dàng và nhanh chóng. Là một người buôn bán về thiết bị phụ tùng ô tô, anh Thanh Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) rất đồng tình với việc yêu cầu xác thực này của ngân hàng.

"Chuyển khoản là hình thức thanh toán của đa số khách hàng của tôi. Với tôi, việc xác thực bằng CCCD này là rất cần thiết và an toàn hơn khi sử dụng tài khoản, tránh được trường hợp ấn nhầm link lừa đảo dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản. Việc xác thực theo các bước hướng dẫn của ngân hàng cũng vô cùng dễ dàng và nhanh chóng. Tôi chỉ làm trong một vài phút là xong rồi", anh Thanh Bình chia sẻ.

xac-thuc-thanh-cong.jpg
Thông báo khi khách hàng xác thực thành công

Vừa thực hiện xong các bước xác thực trên điện thoại iphone 12 của mình, chị Minh Lý (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đơn giản hơn so với những gì chị nghĩ trước đó.

"Tôi làm về bất động sản nên thường có những giao dịch khá lớn. Do vậy, khi nghe đến việc phải xác thực sinh trắc học mới chuyển khoản trên 10 triệu được làm tôi khá lo lắng. Vì không rành về công nghệ nên sau 2 lần xác thực không được ở khâu quét CCCD, tôi đã nghĩ phải xin nghỉ làm để ra ngân hàng nhờ giao dịch viên. Mà khi đọc kỹ lại các bước hướng dẫn của ngân hàng thì tôi đã làm được và thấy cũng khá đơn giản. Chỉ cần làm sao giữ CCCD ở đúng vị trí điện thoại đọc được là sẽ xác thực thành công", chị Minh Lý nói.

Lý giải về vấn đề này, là chuyên viên cài đặt, sửa chữa điện thoại của một cửa hàng laptop, điện thoại, anh Cao Tú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, mỗi dòng điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại. Vì vậy, người dùng cần di chuyển CCCD lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi 2 chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.

Anh Cao Tú cũng lưu ý người dùng cần kiểm tra điện thoại của mình đã bật tính năng NFC hay chưa. Ngoài ra, một số bao da và ốp lưng từ tính có ngăn đựng thẻ tín dụng và ID, có thể cản trở ăng-ten NFC, nên tháo các bao da này khi xác thực để đảm bảo quá trình đọc chip trên CCCD của điện thoại không bị gián đoạn.

bidv-thong-bao-xac-thuc.jpg
Thông báo thực hiện xác thực khi truy cập tài khoản ngân hàng của BIDV

Bên cạnh những người sốt sắng với việc xác thực như anh Thanh Bình, chị Minh Lý thì cũng có những người dân gần như không để tâm đến việc xác thực sinh trắc học. Khi được hỏi, chị Phạm Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị vẫn thấy thông báo của ngân hàng mỗi khi vào ứng dụng nhưng chị chưa có ý định xác thực căn cước của mình.

Nói về lý do chưa thực hiện xác thực, chị Phạm Trang cho hay: “Mình vẫn vào tài khoản ngân hàng mỗi ngày để chuyển khoản khi đi chợ và cũng đọc được thông báo thực hiện xác thực từ ngày 1/7 để chuyển tiền trên 10 triệu đồng nhưng mình thường ấn bỏ qua. Vì rất ít khi giao dịch trên 10 triệu đồng nên mình không quan tâm lắm. Khi nào cần thì mình sẽ xác thực sau”.

khong-xac-thuc-duoc.jpg
Trường hợp khách hàng không thể tự xác thực do điện thoại không hỗ trợ tính năng NFC

Ngoài ra, có một số trường hợp chưa thể thực hiện việc xác thực theo hướng dẫn của ngân hàng vì không có CCCD gắn chip, điện thoại không hỗ trợ thực hiện xác nhận sinh trắc học. Với những trường hợp này, người dùng không thể tự thực hiện xác thực bằng ứng dụng giao dịch trực tuyến mà cần tới trực tiếp ngân hàng để được hỗ trợ.

Đối với trường hợp là người nước ngoài, do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dùng cũng cần đến trực tiếp điểm giao dịch của các ngân hàng với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.

Ngân hàng hướng dẫn các bước xác thực đơn giản, nhanh chóng

Mới đây, NHNN ban hành công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, các ngân hàng không chỉ khẩn trương thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp mà còn có các hướng dẫn để khách hàng thực hiện xác thực dễ dàng, nhanh chóng.

vcb_anh-minh-hoa-2.jpg

Vietcombank vừa có hướng dẫn khách hàng đăng ký/cập nhật thông tin sinh trắc học theo 3 cách như sau:

Một là, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Với cách này, khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng VCB Digibank >> Tiện ích >> Cập nhật sinh trắc học >> Lựa chọn “Tài khoản định danh điện tử (VNeID)” và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.

Để thực hiện, khách hàng cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất.

Hai là, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối NFC giữa căn cước công dân (CCCD) gắn chip và điện thoại. Cụ thể, khách hàng đăng nhập ứng dụng VCB Digibank >> Tiện ích >> Cập nhật sinh trắc học >> Lựa chọn “Căn cước công dân gắn chip” và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.

Trong quá trình thực hiện, khách hàng chỉ cần “chạm” CCCD gắn chip vào mặt sau của điện thoại để cập nhật và xác thực thông tin, đồng thời trước đó khách hàng lưu ý để sử dụng ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất.

Ba là, cập nhật trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank. Trường hợp không có tài khoản định danh điện tử mức 2 hoặc điện thoại không có NFC hoặc chưa có CCCD gắn chip, hoặc vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện được online, khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của Vietcombank để cập nhật thông tin sinh trắc học.

"Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung (không hạn chế số lần cập nhật). Đồng thời, khách hàng lưu ý, chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng VCB Digibank hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo", đại diện Vietcombank lưu ý.

TPBank cũng hướng dẫn cách cài đặt xác thực khuôn mặt tiện lợi qua một trong những cách như: Thực hiện xác thực qua ứng dụng TPBank: Chuẩn bị CCCD gắn chip và điện thoại có hỗ trợ NFC; Cập nhật App TPBank phiên bản mới nhất, đăng nhập APP và làm theo hướng dẫn; Thực hiện qua LiveBank 24/7: Chuẩn bị CCCD gắn chip, tới LiveBank 24/7 gần nhất và chọn “Cập nhật CCCD, khuôn mặt” và làm theo hướng dẫn trên màn hình; Thực hiện tại Chi nhánh và PGD: Chuẩn bị CCCD gắn chip, tới quầy giao dịch gần nhất, GDV sẽ hỗ trợ khách hàng thực hiện cập nhật gương mặt trên hệ thống.

Ngoài Vietcombank, TPBank, các ngân hàng khác cũng đều đã có hướng dẫn cụ thể cho khách hàng về cách xác thực đối với ứng dụng của ngân hàng mình, đồng thời, khuyến nghị khách hàng cài đặt sinh trắc học và xác thực trước ngày 1/7 để đảm bảo giao dịch an toàn và không bị gián đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345, cần lưu ý gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO