Xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính. Người dân cần hoàn tất xác thực này trước ngày 1/1/2025 để tránh nguy cơ gián đoạn giao dịch.
Kéo dài giờ làm việc trong tuần và làm thêm cả cuối tuần
Theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ tạm dừng/hạn chế giao dịch khi chưa cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân.
Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến hạn xác thực sinh trắc học. Theo ghi nhận, trong tuần qua, các phòng giao dịch ngân hàng tiếp nhận lượng khách hàng tăng cao so với mọi năm, chủ yếu là chủ tài khoản đem theo căn cước công dân gắn chip, để được hỗ trợ định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.
Để hỗ trợ người dân kịp thời hoàn thành xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trước khi đến hạn, nhiều ngân hàng kéo dài giờ làm việc trong tuần và làm thêm cả cuối tuần.
Chẳng hạn, từ nay đến hết ngày 15/1/2024, Vietcombank sẽ mở cửa các điểm giao dịch ngoài giờ hành chính để tăng cường hỗ trợ khách hàng thu thập sinh trắc học. Cụ thể, thứ Hai đến thứ Sáu, mở cửa giao dịch từ 8h00 đến 18h30; Cuối tuần: mở cửa giao dịch từ 8h00 đến 17h30.
Đại diện Vietcombank cho biết, sau khi triển khai làm việc ngoài giờ, lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công tăng gấp đôi so với trước đó. Tại một số địa bàn khu công nghiệp, lượng khách hàng là nhân viên các nhà máy, công ty đến cập nhật sinh trắc học tăng đột biến, đặc biệt là vào cuối tuần.
Tương tự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong thực hiện giao dịch tài chính thông suốt, Agribank đã và đang giao dịch ngoài giờ hành chính phục vụ khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và sinh trắc học.
Nhằm đảm bảo các giao dịch của khách hàng được thông suốt, VPBank điều chỉnh thời gian làm việc của chi nhánh để tăng cường hỗ trợ cập nhật sinh trắc học ngoài giờ giao dịch.
Sát thềm năm mới 2025, BIDV cũng thông báo làm việc tăng cường cuối tuần ngày thứ Bảy và Chủ Nhật (28 và 29/12/2024) để hỗ trợ khách hàng.
TPBank làm việc xuyên buổi trưa các ngày trong tuần và sáng thứ Bảy để hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân.
Phần lớn, khách hàng sẽ tự xác thực sinh trắc học tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng gặp khó khăn do sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC.
Anh Tường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do điện thoại của anh không hỗ trợ NFC nên anh cần ra quầy giao dịch trực tiếp để được được hỗ trợ xác thực định danh. Trong tuần, anh đã xác thực tài khoản ngân hàng TPBank, cuối tuần, anh tranh thủ xác thực thêm tài khoản tại BIDV để tránh gián đoạn giao dịch khi tuần sau là đã bước sang năm 2025.
Ông Nguyễn Võ Duy Khương, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Bình Dương chia sẻ, gần đây lượng khách tới xác thực sinh trắc học tăng cao so với ngày thường. Tuy vậy, nhiều khách hàng sử dụng điện thoại không có chức năng NFC và chưa định danh mức độ 2, chủ yếu là công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp nên việc xác thực sinh trắc học tốn nhiều thời gian.
Ông Ðỗ Thanh Tịnh, Giám đốc Agribank Cà Mau cũng cho biết, rào cản lớn nhất đối với việc hoàn thành mục tiêu thu thập dữ liệu sinh trắc học (ngày 1/1/2025) là lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank Cà Mau rất lớn, điện thoại cần phải có sự hỗ trợ NFC thì người dùng mới có thể tự mình thực hiện việc xác thực dữ liệu sinh trắc học được.
Bên cạnh đó, dù Agribank Cà Mau đã thu thập dữ liệu cho gần 50 nghìn khách hàng nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, như giấy tờ tuỳ thân không khớp, CCCD gắn chip bị lỗi, hoặc khách hàng có khiếm khuyết trên khuôn mặt cũng khó khăn trong việc thu thập dữ liệu sinh trắc học...
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng tiếp tục "chạy" các chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn.
Điển hình như tại ACB, ngân hàng này vừa tung ra chương trình tặng ưu đãi lãi suất cộng thêm lên đến 1,6%/năm khi gửi tiết kiệm online từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 1-3 tháng, sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 31/12 dành cho khách hàng cá nhân đăng ký xác thực sinh trắc học. Với mức lãi suất cộng thêm đến 1,6%/năm, người dùng có thể biến khoản tiền nhàn rỗi thành lợi nhuận chỉ trong thời gian ngắn.
"Ban đầu, tôi định đợi gần đến hạn ngày 1/1/2025 mới đăng ký xác thực sinh trắc học, nhưng khi thấy chương trình ưu đãi này của ACB, tôi quyết định thực hiện ngay để tránh nghẽn lúc cao điểm và tranh thủ hưởng lợi ích tối đa của chương trình", chị Bích Hồng, một khách hàng tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Quyết liệt hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng
Ngày 23/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Công điện số 139/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Trong đó, Công điện 139/CĐ-TT nêu rõ, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.
Bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xử lý các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoạt động vi phạm pháp luật. Nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (hoàn thành trong quý I/2025).
Đồng thời, chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch…
Trước đó, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm, bám sát nhiệm vụ chung của Đề án 06 và Kế hoạch phối hợp số 1 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 20/12/2024, ngành Ngân hàng đã có trên 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản online, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học.
Về phía các ngân hàng, đại diện Ngân hàng SHB cho biết, tất cả các bước thu thập, đối chiếu khớp thông tin sinh trắc học đều được SHB nghiêm túc chấp hành theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, việc áp dụng Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN, ngân hàng sẽ không gặp khó khăn gì bởi hệ thống dữ liệu đều được xử lý nhanh chóng. Điều quan trọng là khách hàng cần chủ động thực hiện bổ sung thông tin sinh trắc học để việc giao dịch tài chính không bị gián đoạn trong tương lai.
Trước đó, nhằm đảm bảo tất cả khách hàng là người Việt Nam và người nước ngoài đang sử dụng dịch vụ SHB đều cập nhật được dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, SHB đã liên tục truyền thông hướng dẫn đa kênh (báo chí, truyền hình, email, sms, push app….) kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện. Nếu khách hàng không tự thao tác được, các tư vấn viên tại quầy giao dịch hay chuyên viên khách hàng cùng các thiết bị đọc chip chuyên dụng sẵn sàng đáp ứng và hỗ trợ khách hàng.
“SHB đánh giá những quy định mới về việc thực hiện sinh trắc học được xem là một trong những phương thức hiệu quả trong việc tăng cường bảo mật, bảo vệ người dùng, cũng như giúp cả ngân hàng và khách hàng yên tâm trong việc giao dịch tài chính đúng người, tránh rủi ro cho cả hai bên”, vị đại diện ngân hàng SHB nhấn mạnh.