Vấn đề - Nhận định

Kiến nghị luật riêng cho tài chính tiêu dùng

Thanh Thanh 30/04/2023 14:55

Trước đề xuất cần có một đạo luật riêng cho tài chính tiêu dùng, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quốc hội cũng đang cân nhắc việc này khi sửa Luật Các tổ chức tín dụng…

Đang có hiện tượng khách hàng rủ nhau “bùng nợ”

Được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp phép và ngoài tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các Công ty tài chính (CTTC) còn phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động và các quy định khác của NHNN.

Trong khi đó, các công ty cho vay cầm đồ, các công ty lấy tên là CTTC… cũng tham gia cho vay tiêu dùng song hoạt động theo Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp mà không được NHNN cấp phép, không chịu sự chi phối bởi Luật Các TCTD và không phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN, tuy nhiên chịu sự kiểm tra giám sát về an ninh trật tự an toàn xã hội của chính quyền địa phương và công an sở tại.

Số liệu của NHNN cho biết, đến nay, mới có 16 CTTC được NHNN cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng. Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ 16 CTTC do NHNN cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Tại Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hôm 25/4, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc CTTC TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho biết hoạt động của các CTTC tiêu dùng do NHNN cấp phép gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tế, người dân khó có thể biết Công ty nào được NHNN cấp phép và việc một số công ty không thuộc các CTTC được NHNN cấp phép lợi dụng tên CTTC mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức (cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay rất hấp dẫn nhưng cài cắm các chi phí khác rất cao…), đặc biệt, việc một số công ty dùng thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các CTTC, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.

Cho vay đã khó, việc thu hổi nợ của các CTTC càng khó hơn khi Luật Đầu tư 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ hiện khó thực thi vì thủ tục phức tạp, kéo dài, trong khi giá trị mỗi khoản vay không lớn…

Đặc biệt, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC.

Theo ông Lê Quốc Ninh, đến ngày 31/12/2022, nợ xấu của các CTTC được NHNN cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

“Đòi nợ thuê” cần được nhìn nhận là một loại hình dịch vụ

Không thể phủ nhận vai trò của tài chính tiêu dùng, nhất là trong việc góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là “Làm thế nào để CTTC thu hồi nợ hiệu quả?”

“Chỉ có cách là đòi nợ thuê!”- Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI quả quyết. Tuy nhiên, theo Luật sư, dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các cơ chế khác thì không mấy hiệu quả.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), chúng ta đã sai lầm khi tiếp cận luật theo cách “không quản được thì cấm”.

“Đòi nợ thuê nên nhìn nhận là một loại hình dịch vụ. Nếu cấm, thì là cấm những gì bất hợp pháp. Phải tư duy từ cuộc sống. Đã là cho vay thì rõ ràng theo cơ chế thị trường, nghĩa là giữa người vay và cho vay phải thỏa thuận…”- GS-TSKH. Nguyễn Mại đề nghị và cho rằng phải bắt đầu từ luật pháp. “Đề nghị Chính phủ xây dựng luật riêng cho tài chính tiêu dùng!”- Chủ tịch VAFIE đề xuất.

Cân nhắc sửa Luật các TCTD

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Các TCTD (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5 này.

Theo ông Hiếu, Chính phủ đã nhận thức rất sâu sắc Chiến lược tài chính toàn diện khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. “Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào? Có 3 vấn đề nổi lên: Một là, thiếu khung pháp lý; Hai là, thực thi (nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng); Ba là, sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (TCTD, CTTC và các tổ chức khác)..”- Ông Hiếu thông tin. Đồng thời cho biết, Quốc hội cần lắng nghe góp ý về 2 vấn đề: Thứ nhất, có nên hay không một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng khi không thể áp dụng luật TCTD cho các CTTC? Có nên gắn các quy định này tại Luật Các TCTD )sửa đổi)? (hiện Luật này có chương 4 quy định về CTTC); Thứ hai, vấn đề xử lý nợ cũng cần có quy định rõ ràng. Nên là quy định xử lý nợ hay là xử lý nợ xấu?

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị luật riêng cho tài chính tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO